Chiếm tới 70% dân số Việt Nam nhưng lại chưa mua sắm trực tuyến nhiều, nông thôn là mảng thị trường tiềm năng mà đa phần các sàn TMĐT hiện nay đều nhắm tới.
Có câu chuyện về việc bán giày ở Châu Phi như sau. Hai hãng kinh doanh giày cùng cử nhân viên đến Châu Phi để khảo sát thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội.
Một người, sau khi xem xét tình hình ở Châu Phi, liền vội vàng chạy về báo với sếp của mình: "Người dân ở đây chỉ đi chân đất, nếu chúng ta phát triển kinh doanh thì có mà chết mất! Thị trường này không tiềm năng đâu, đánh vào chỉ có thua lỗ đậm". Người còn lại, với khuôn mặt rạng rỡ, vui mừng, đã tự tin nói với sếp: "Chúng ta cần nhanh chóng phát triển kinh doanh tại đây, nơi này thật lý tưởng để kinh doanh giày bởi người dân ở đây chưa ai có giày dép để mang".
Cái nhìn của hai người sales kể trên cũng phần nào giống với cái nhìn của những ông lớn trong ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ở một mảng thị trường mới nhưng đầy tiềm năng: Mảng thị trường nông thôn.
Gần đây, tại diễn đàn Vietnam Online Bussiness Forum 2014, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc điều hành Lazada Express cho biết họ đang triển khai chương trình "Làng nghề đặc sản online", đưa các sản phẩm nông sản tiêu biểu của Việt Nam mà trước hết là dừa Bến Tre lên sàn TMĐT.
Các sản phẩm này có thể là nhóm thực phẩm từ dừa (Bánh, kẹo, thạch dừa…); mỹ phẩm từ dừa (dầu dừa, mặt nạ dừa, son dưỡng, dưỡng mi, tinh dầu, dầu gội, xịt chống muỗi, …) cho đến hàng thủ công mỹ nghệ (Chén gáo dừa, bộ muỗng đũa, bộ ấm trà,…).
Cụ thể, Lazada sẽ hỗ trợ các sở kinh doanh tại Bến Tre mở gian hàng, thiết kế hình ảnh, cung cấp chương trình đào tạo bán hàng online miễn phí,… thậm chí kết hợp với các đối tác khác như VN Post, Sapo,… để giải quyết các vấn đề về logistics, thanh toán.
"Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Chúng ta có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù, nhưng hàng năm chúng ta vẫn nghe chuyện giải cứu nông sản. Chúng tôi sẵn sàng đứng ra kết nối các doanh nghiệp, đưa tất cả doanh nghiệp nông sản lên sàn", ông Thịnh khẳng định.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, động thái này của Lazada thể hiện tham vọng mở rộng hoạt động ra khu vực nông thôn, trong bối cảnh mảng thị trưởng thành thị ngày càng chật chội và không còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Theo báo cáo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, đa phần các giao dịch online được thực hiện bởi dân số khu vực thành thị, với tỷ lệ khách hàng đến từ thành phố và nông thôn là 70/30. Trong khi đó, khu vực nông thôn chiếm tới 70% dân số Việt Nam, với tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động lên tới hơn 50%.
Ngay từ khi vào Việt Nam 2016, Shopee đã nhìn ra xu hướng này, đồng thời chọn con đường phát triển đồng đều giữa cả 2 khu vực là thành thị và nông thôn. Theo chia sẻ của ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, thời điểm đó họ đã thường xuyên mở các chương trình huấn luyện hỗ trợ bán hàng cho những tiểu thương ở khu vực xa xôi bán mặt hàng nhỏ. Nhờ vậy, tỷ lệ người dùng của Shopee có sự cân bằng với 50% đến từ hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, 50% còn lại trải rộng khắp cả nước.
"Hiện tại trên Shopee hàng gì cũng có, cái gì cũng bán", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Dù không có động thái rõ ràng như hai đối thủ nhưng Sendo cũng xác định xu hướng cạnh tranh sắp tới là giành được khách hàng ở những thị trấn nhỏ lẻ. Trong một bài phỏng vấn với Nikkei vào năm ngoái, Chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng cho biết sẽ tập trung khảo sát những thành phố loại 2 chưa được khai phá, nơi 70 triệu người Việt Nam đang sinh sống.
Điểm mạnh của Sendo được ông Dũng xác định nằm ở nền tảng thương mại điện tử thân thiện, dễ sử dụng cho người dân địa phương và mức giá trung bình của sản phẩm không quá cao, chỉ khoảng 350.000 đồng mỗi sản phẩm.
"Ngành công nghiệp thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ nhưng dư địa phát triển rất lớn. Chúng tôi hướng đến 60% những người mua đến từ bên ngoài 2 thành phố lớn".
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo.
Trong lúc các đổi thủ đều quyết tâm dồn lực vào thị trường nông thôn thì Tiki lại khá bình tĩnh.
Tại sự kiện Vietnam Online Business Forum, ông Phan Dũng, Trưởng phòng Strategic Business Dev của Tiki, cho rằng việc ưa chuộng thanh toán bằng tiền mặt cũng như không có hệ thống logistic hoàn chỉnh khiến khu vực nông thôn không thuận lợi để phát triển TMĐT. Như trong Tết âm lịch vừa qua, một tiểu thương bán bưởi ở khu vực nông thôn muốn tạo gian hàng trên Tiki xong họ đã từ chối do không có đội logistic hỗ trợ.
Tiki xác định không thể tự giải nhiều bài toán cùng lúc, đặc biệt là thanh toán và giao nhận, nên họ sẽ đợi các công ty logistics và tài chính – ví điện tử về nông thôn mở đường trước. Ông Dũng tiết lộ muộn nhất là cuối năm nay hoặc đầu năm sau, Tiki mới tiến đánh thị trường nông thôn.
Nhật Anh (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ