Nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ "vua" cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ mở lòng về khởi nghiệp mới với cà phê và giai đoạn căng thẳng tranh chấp trong điều hành Trung Nguyên.
- Sau việc "cơm không lành, canh không ngọt" trong hôn nhân với ông Đặng Lê Nguyên Vũ và tranh chấp về điều hành Trung Nguyên, nhiều người nhắc đến chị với câu chuyện khởi nghiệp lần 2 cùng thương hiệu mới mà đến nay, thương hiệu ấy đã có mặt ở thị trường 60 nước. Hành trình khởi nghiệp lần 2 của chị bắt đầu thế nào?
- Trong hơn 20 năm qua, tôi thực ra đã khởi nghiệp rất nhiều lần. Với thương hiệu King Coffee lần này, câu chuyện thì dài nhưng nó gắn sứ mạng quan trọng: xây dựng và đưa thương hiệu cà phê Việt ra toàn cầu. Tôi muốn để lại cho hậu thế, làm điều gì tốt đẹp cho người nông dân trồng cà phê.
Sau khi đã mang cà phê Việt Nam tới gần 80 quốc gia trên thế giới, tôi nhận thấy một điều nghịch lý: đó là thương mại trong ngành cà phê lại bị kiểm soát bởi những quốc gia không trồng cà phê. Trong khi đó, cà phê là một ngành có tính chất toàn cầu, có giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD, có lượng người tiêu dùng hơn 3 tỷ. Muốn thay đổi được điều này, các nước trồng cà phê nên có tiếng nói của họ trên thế giới!
Vì thế, tôi muốn xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam, tạo nên uy tín cho cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với lần tái khởi nghiệp này, tôi cũng muốn khích lệ tinh thần của các bạn trẻ, hãy vững tâm làm lại dù có khó khăn như thế nào. Một quốc gia khởi nghiệp cần có thật nhiều con người khởi nghiệp với tinh thần không bao giờ lùi bước.
- Cuộc sống cá nhân và cuộc tranh chấp ở Trung Nguyên có ảnh hưởng gì tới quyết định làm thương hiệu cà phê mới của chị?
Tôi nghĩ là có. Thực ra tôi muốn tiếp tục câu chuyện một cách tốt đẹp hơn. Tôi xây King Coffee với mong muốn một kết thúc có hậu.
Tôi nghĩ phải làm điều tốt nhất, đóng góp cho xã hội bằng việc mình đam mê nhất, yêu thích nhất. Khi bắt tay vào làm, tôi thấy các điều kiện cần và đủ dường như đã sẵn sàng cho cuộc chơi lớn.
Khởi nghiệp như người ta nói: vạn sự khởi đầu nan. Tôi chấp nhận nó và tiếp tục vượt qua thôi. Tôi chỉ mong mọi người cùng chung tay gây dựng thương hiệu Việt.
- Hai doanh nghiệp chị từng điều hành đều gắn với ngành cà phê. Lần hai này có điểm nào khác gì so với trước?
Khác chứ. Lần đầu tiên mình cố gắng xây cho một người, làm nhiều thứ cho anh ấy. Bây giờ mình làm cho nhiều người, cho xã hội. Dáng dấp vì thế khác nhau.
- Chị nhắc đến người đã cùng chị gây dựng nên Trung Nguyên, và người nông dân, còn cho chị thì sao?
Tôi tâm niệm cái gì mình cho đi thì sẽ được nhận lại. Mình làm điều tốt cho mọi người thì chính mình cũng hạnh phúc.
Từ xưa tới giờ, tôi toàn làm vì người khác. Trước mình chỉ lo cho anh Vũ vì anh ấy rất giỏi và lúc đó anh cũng xứng đáng.
Bây giờ thì thách thức hơn, nhưng tôi cũng dày dặn kinh nghiệm hơn. Làm trong yêu thích, đam mê, nên mình sẽ vượt qua khó khăn.
- Với nhiều người, nhất là phụ nữ, chuyện tranh chấp trong doanh nghiệp thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm, đặc biệt trong một công ty gia đình. Với chị thì sao?
Ngay từ khi khởi đầu, tôi cũng nói với anh: Bắt đầu một cuộc chiến tranh thì rất dễ nhưng kết thúc thì rất khó. Tôi mong muốn được đối thoại để tìm giải pháp tối ưu hơn, nhưng mọi chuyện không như mình muốn.
Tôi xác định mình phải đương đầu với nó. Tôi tâm niệm sống và làm việc đúng pháp luật và đúng đạo lý làm người. Khi mình thực sự sáng, tự nhiên những gì thuộc về bóng tối sẽ lùi đi.
- Điều gì giúp chị vững vàng trong những ngày đó để vẫn thành lập, điều hành một doanh nghiệp mới?
Ở giữa những căng thẳng, tranh chấp, tôi thấy tình yêu. Tôi luôn có tình yêu với Trung Nguyên, vì thế không nên đẩy nó sang vế khác.
Thị trường có nhiều cơ hội, tiềm năng. Bản thân cà phê Việt Nam cần nhiều thương hiệu, một mình Trung Nguyên là không đủ.
Hơn nữa cái tên Trung Nguyên cũng là rào cản ra nước ngoài. Khi ra thương hiệu mới, tôi rất chú ý điều này, để sản phẩm có thể đi mọi thị trường, không bị rào cản ngôn ngữ.
- Quãng thời gian đó, có lúc nào chị mệt mỏi, muốn buông bỏ?
Tôi cũng là phụ nữ mà. Nhưng tôi luôn nhắc mình phải suy nghĩ tích cực, lạc quan lên, phải tiếp tục sống và sống cho ý nghĩa. Mình tìm thấy niềm vui và giá trị mình đang đóng góp cho xã hội, thì thấy con đường sắp tới sẽ nhẹ nhàng, thênh thang hơn. Nếu chỉ nhìn những góc tối để buồn bã, thì chẳng được gì.
- Chị có điều gì nuối tiếc và muốn làm khác đi khi nhìn lại quãng thời gian mà chị gọi là "cuộc chiến" ấy không?
Có chứ. Giá như tôi cứng rắn hơn một chút. Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn biết ơn anh đã đến trong đời tôi, là cha của các con tôi. Dù có thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn mong giữ gìn được gia đình mình, cho hai chúng tôi và cho các con.
Tôi luôn tự xem mình là người phụ nữ của gia đình. Tôi lựa chọn gia đình chứ không phải kinh doanh đâu. Tôi làm mọi việc để tốt nhất cho anh ấy. Tôi dạy dỗ con cái, chăm lo cho hai bên nội ngoại hòa thuận, yêu quý nhau... Công việc của tôi là triệu việc, tôi lo chu toàn hết. Tôi xem đó là bổn phận, trách nhiệm của mình. Yêu các con của tôi, tôi lo dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho các con.
- Là doanh nhân nữ, khởi nghiệp lại khi không còn trẻ, rào cản lớn nhất chị gặp đầu tiên là gì?
Khó khăn thì nhiều lắm. Có ai trải thảm hồng cho người làm khởi nghiệp bao giờ. Thách thức lớn nhất là vượt qua giai đoạn hiện nay, thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Hơn 20 năm kinh nghiệm làm cà phê của mình, tôi thấy hãy hành động. Tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược hay, mà không hành động tốt thì không thể thành công.
Thành công là hành trình liên tục. Còn nhiều hành trình thách thức phía trước, nhưng làm kinh doanh thì chuyện đó là bình thường.
- Với hầu hết doanh nghiệp thì thị trường trong nước luôn là bệ đỡ để tiến ra nước ngoài, vì sao chị lại chọn con đường khó đi, là khai thác ở thị trường quốc tế?
Khi đi chu du khắp thế giới tôi đã học được một điều: Thế giới làm được thì chúng ta làm được. Người khác làm được thì người Việt cũng làm được.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nhưng tại sao chúng ta chưa có thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới? Thị trường như chiếc bình thông nhau.
Tôi nhớ, năm 2001, dịp may tình cờ, tôi tham dự hội nghị kinh doanh toàn cầu tại Cologne, Đức và gặp được người có cơ duyên rồi trò chuyện, viễn cảnh ngành cà phê hòa tan với mấy trăm tỷ USD mở ra. Tại thời điểm đó, một thương hiệu cà phê lớn đến từ Thụy Sĩ chiếm đa số thị phần cà phê hòa tan tại Việt Nam. Vì thế, tôi đã dành toàn lực, tâm huyết để gây dựng G7 suốt từ bấy đến nay.
Từ kinh nghiệm đó, tôi xây dựng chiến lược cho King Coffee theo hướng từ quốc tế.
Tôi tâm niệm khởi nghiệp mà chọn đường dễ thì không thể tạo bứt phá hay đi đường trường được. Cạnh tranh bây giờ gay gắt hơn 20 năm trước rất nhiều. Thế giới phẳng, mình phải đua tranh với các nước có nền giáo dục, kinh tế, công nghệ… tốt hơn mình nhiều.
Vì thế, người trẻ, người muốn khởi nghiệp phải bắt đầu từ lựa chọn việc khó, để vượt qua cái khó tiếp theo. Nếu chỉ lựa cái dễ, thì khó có thể có cơ hội, bước đi tốt cho mình.
- Còn với thị trường nội địa, chị có gặp khó khăn gì không khi người dùng đã dường như quen và gắn bó với các thương hiệu cà phê đi trước?
Khó khăn nhất là câu chuyện của thời gian, để khách hàng quen, và nhớ, như đã từng với Trung Nguyên, G7. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Chỉ mong mọi người ủng hộ cà phê Việt Nam nhiều hơn, tăng sử dụng, miếng bánh cà phê mở rộng, và tôi chiếm lấy một phần thật lớn trong đó.
- Trung Nguyên dù thế nào cũng đã là thương hiệu quốc gia, có ảnh hưởng rất lớn trên thị trường nội địa và nước ngoài. Chị có lo cái bóng sản phẩm cũ có ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm và thương hiệu mới?
Nếu Trung Nguyên không ngủ quên trên chiến thắng để tiếp tục phát triển thì là điều tôi mừng. Đây là tập đoàn lớn, nếu có được đội ngũ lãnh đạo chuyên nghiệp thì rất tốt. Tôi nói với nhiều người rằng tôi muốn cả 2 cùng phát triển.
- Chị có "công thức" nào riêng để thương hiệu mới của mình cạnh tranh với các các dòng sản phẩm của đối thủ lâu năm trên thị trường?
Bắt đầu từ tầm nhìn chiến lược, cách tiếp cận thị trường để mọi người cảm nhận, ngoài 6 giác quan, họ cảm nhận giá trị từ trái tim mình.
Tôi từng đi hơn 40 nước trên thế giới, học qua nhiều chương trình để phát triển thương hiệu ra toàn cầu, tôi thấy có nhiều cơ hội cho thương hiệu Việt Nam và hãng để thực hiện giấc mơ.
- Những mâu thuẫn, tranh chấp ở Trung Nguyên cho chị bài học gì trong điều hành doanh nghiệp mới hiện nay?
Thực ra hồi xưa tại Trung Nguyên không mâu thuẫn gì lắm đâu. Chúng tôi có sự đồng thuận bất thành văn ngay từ khi khởi nghiệp. Tôi quản lý hầu hết ở bên trong. Anh Vũ nắm phần đối ngoại, xuất hiện trước công chúng. Vì thế, chúng tôi hiếm khi cãi nhau vì công việc.
Về quản trị, tôi cho rằng cần có tầm nhìn lớn, chiến lược rõ ràng và quản trị chuyên nghiệp, công việc là công việc, không cá nhân gì ở đây cả. Điều đó là hết sức cần thiết, nhất là với doanh nghiệp gia đình như thế này.
Một thương hiệu trường tồn nhiều đời còn con người sẽ chết. Mình cần để lại hệ thống quản trị tốt, phương pháp vận hành doanh nghiệp tiên tiến. Tôi phải học các doanh nghiệp đi trước điều đó.
- Chị đã có kế hoạch gì cho tương lai của doanh nghiệp? Chị có ý định cổ phần hóa, niêm yết hay mời gọi thêm nhà đầu tư chiến lược hay không?
Tôi có nghĩ đến. Tôi sẽ lựa chọn loại hình doanh nghiệp, phương pháp đi thông minh, tốt hơn, để giữ sự trường tồn thương hiệu Việt ra toàn cầu.
Công ty sẽ là đại chúng, nhưng vẫn giữ được thương hiệu Việt cho các thế hệ con cháu. Bán đi mà thương hiệu lại vào tay nước ngoài thì tôi sẽ không chấp nhận.
Theo PHương Loan/Zing