Khiêm tốn nhưng hài hước và tràn đầy cảm hứng sống cũng là cảm nhận của bất kỳ ai đã từng được tiếp xúc với Lê Hồng Minh.
|
VNG Corporation (trước đây là Vinagame) sau hơn mười năm từ một start-up non trẻ trong lĩnh vực game online nay đã trở thành "kỳ lân" tỉ USD duy nhất tại Việt Nam, gia nhập hàng ngũ những tập đoàn công nghệ hàng đầu với những thương hiệu nổi tiếng như Zalo, Zing.vn...
Người đứng phía sau những thành công ngoạn mục này là Lê Hồng Minh - một "con nghiện game" theo đúng nghĩa đen, thời sinh viên.
Người tiên phong khiêm tốn
“Ấn tượng của tôi về Minh là: Ồ, anh chàng này thú vị và ngầu đấy chứ! Chúng tôi dễ dàng trò chuyện thoải mái về cuộc sống, về các môn thể thao yêu thích... Khi đó (năm 2004), Minh mới vừa từ bỏ vị trí quản lý đầu tư tại VinaCapital để ra ngoài khởi nghiệp với một công ty về game.
Minh rất khiêm tốn, ít nói về bản thân, nên nếu bạn tôi không giới thiệu trước thì tôi cũng không biết đây là người khởi xướng và chịu trách nhiệm về rất nhiều ý tưởng, dự án thành công của VinaCapital”, ông Nguyễn Bảo Hoàng nhớ lại.
"Hành trình của tôi với VNG khởi đầu một cách tình cờ", Lê Hồng Minh chia sẻ với các bạn trẻ tại Đại học Fulbright Việt Nam ở TP.HCM ngày 2/3/2019.
|
Khiêm tốn nhưng hài hước và tràn đầy cảm hứng sống cũng là cảm nhận của bất kỳ ai đã từng được tiếp xúc với Lê Hồng Minh. Trong suốt hơn chục năm khởi nghiệp và thành công với VNG, rất hiếm khi Lê Hồng Minh trả lời phỏng vấn báo chí. Nhưng CEO VNG lại luôn sẵn sàng nhận lời làm diễn giả trong các diễn đàn dành cho người trẻ.
Cách nói chuyện lôi cuốn, pha trò hóm hỉnh khi cần, những chia sẻ tâm huyết, không một chút “màu mè” khiến cho khán giả luôn cảm thấy thoải mái, không có khoảng cách khi đặt câu hỏi với Lê Hồng Minh.
“Mọi người hay hỏi tôi: Điều gì giúp cho anh thành công đến thế? Tôi chỉ có thể trả lời là tôi đã rất may mắn. Vận may ở đây là gì? Là mọi việc xảy ra một cách bất ngờ. Câu chuyện của tôi tóm gọn lại là: Tôi rất mê chơi game, đến mức từng chơi game suốt 48 tiếng liên tục hồi còn là sinh viên.
Rồi một ngày, cùng vài người bạn, chúng tôi nghĩ, ồ, hay mình thành lập một công ty làm game xem sao nhỉ. Và rất may mắn cho chúng tôi là game đầu tiên đã thành công. Hành trình của tôi với VNG khởi đầu một cách tình cờ như thế thôi”, Lê Hồng Minh chia sẻ.
Tôi rất mê chơi game, đến mức từng chơi game suốt 48 tiếng liên tục hồi còn là sinh viên.
|
Sau khi tốt nghiệp ngành tài chính – ngân hàng tại Australia, Lê Hồng Minh trở về nước với công việc đầu tiên là nhân viên ở PWC (PricewaterhouseCoopers, hay còn gọi là PwC, là một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG), và sau này là VinaCapital. Nhưng tình yêu dành cho game chưa hề giảm sút.
Năm 2002, sau khi dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự World Cyber Game tại Hàn Quốc, anh cùng vài người bạn thành lập một phòng chơi game nhỏ vào đầu năm 2003 chỉ để chơi game và làm một vài dịch vụ kinh doanh kèm theo. Cứ đến buổi tối, cởi bỏ bộ suit của một nhân viên tài chính, Minh trở thành ông chủ tiệm cà phê Internet.
Chỉ một năm sau, cùng với 5 người bạn, Minh quyết định bỏ việc ở VinaCapital để thành lập công ty Vinagame. Ngay lập tức, VinaGame đã tăng trưởng đột phá và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường game online Việt Nam.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, người bạn thân của Lê Hồng Minh không cho rằng con đường khởi nghiệp của Minh là do may mắn. “Minh là một người tiên phong thực thụ trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của Minh để thấy quyết định rời bỏ một công việc thu nhập cao ở VinaCapital để ra ngoài khởi nghiệp, khi chưa biết tương lai sẽ ra sao. Đó thực sự là một quyết định dũng cảm”.
“Khi chúng ta làm một điều gì mới mẻ, thứ khiến mình sợ hãi nhất là thất bại", Lê Hồng Minh chia sẻ.
|
Nhưng với Lê Hồng Minh, quyết định mà người cho là “dũng cảm”, người cho rằng “điên rồ” khi đó, diễn ra hết sức tự nhiên, theo đúng tính cách con người anh: làm những gì mà mình đam mê và theo đuổi đến cùng con đường đã chọn.
“Khi chúng ta làm một điều gì mới mẻ, thứ khiến mình sợ hãi nhất là thất bại. Lúc nào cũng lo lắng: nhỡ chúng ta không thành công thì sao, nhỡ mất việc thì sao, nhỡ rất nhiều cái thì sao...
Làm start-up không hào nhoáng lung linh như nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ, mà sẽ có vô vàn những thời điểm khó khăn, những thách thức ghê gớm khiến bạn muốn từ bỏ. Mọi người hay đưa ra lời khuyên là đừng từ bỏ, hãy làm cho đến khi thành công.
Nhưng với Minh, không bao giờ từ bỏ có nghĩa là bạn vẫn tiếp tục làm ngay cả khi bạn không thành công, bởi vì bạn yêu việc mình đang làm. Khi bạn làm điều gì đó vì đam mê, mà không quá ám ảnh với áp lực phải thành công ngay lập tức, phải kiếm được nhiều tiền, thì rất có thể, một điều gì đó khác thường, đặc biệt sẽ đến với bạn”.
Chính sự kiên định, theo đuổi đến cùng con đường mình chọn đã giúp Lê Hồng Minh sẵn sàng cho những bước chuyển mình và thay đổi quan trọng của VNG, để từ một công ty kinh doanh game trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, kinh doanh một hệ sinh thái dịch vụ đa dạng như trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, tài chính & thanh toán, dịch vụ đám mây…
"Làm start-up không hào nhoáng lung linh như nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ, mà sẽ có vô vàn những thời điểm khó khăn".
|
Sau hơn 12 năm phát triển, số lượng nhân viên của VNG đã lên đến 2.000 người. Nhiều sản phẩm của start-up này đang gây được tiếng vang trong nước và khu vực như Zalo, Zing nhờ nỗ lực và tư duy khác biệt.
Trong đó, Zalo là sản phẩm ấn tượng nhất của VNG với 100 triệu người dùng và 1 tỷ tin nhắn qua Zalo mỗi ngày. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công nhận VNG là một trong 20 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.
Những ai có dịp đến thăm VNG sẽ tưởng như mình đang lạc vào một công ty start-up công nghệ ở Thung lũng Silicon. Văn phòng làm việc của các nhân viên VNG tràn ngập màu xanh, các khoảng không gian mở, các góc đặt sô pha để mọi người có thể cà phê, trò chuyện hoặc nghỉ ngơi.
Giới làm nhân sự đều biết quy tắc bất thành văn của VNG, chỉ nhận người trẻ, những người dám đón nhận thách thức và không ngại thử nghiệm, không sợ rủi ro. Độ tuổi trung bình của 2.500 nhân viên VNG là 26 tuổi, một con số đáng kinh ngạc.
Cuộc chạy đua để bắt kịp làn sóng AI trên thế giới
Với Lê Hồng Minh và cộng sự, thách thức lớn nhất hiện nay của VNG là làm thế nào bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới. Bài học của Nokia, Yahoo…những ông lớn toàn cầu một thời là bài học nhắc nhở cho dù một công ty có lớn đến đâu, tiềm lực tài chính dồi dào thế nào vẫn có thể sụp đổ ngay ngày mai nếu họ không tương thích và theo kịp với sự thay đổi công nghệ chóng mặt đang diễn ra hiện nay.
Lê Hồng Minh tin rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ định hình lại thế giới trong tương lai theo một cách mà con người không thể tưởng tượng nổi.
“Hai mươi năm trước, sự kiện gây chấn động thế giới là máy tính Deep Blue đã đánh bại vua cờ vua thế giới. Dự án đó tốn khoảng 1 tỷ USD. Ngày nay, một phần mềm máy tính tốn 100 USD có thể đánh bại cùng lúc 10 vua cờ như thế.
Hai mươi năm trước, chúng ta phải lập trình thuật toán dạy cho máy tính nắm tất cả các cách chơi của con người. Máy thắng được vua cờ nhờ phản ứng nhanh hơn.
Nhưng máy tính hôm nay chỉ cần biết luật chơi và có thể tự học cách chơi cờ vua trong nửa ngày nên có những nước cờ sáng tạo mà con người không thể nghĩ ra được”, ông Minh lí giải.
Lê Hồng Minh nhận lời làm diễn giả cho các bạn trẻ ở Đại học Fulbight Việt Nam ngày 2/3/2019.
|
Trong khi hầu hết những thành tựu và sáng tạo mới nhất trong lĩnh vực máy học, AI xuất phát từ gã khổng lồ về công nghệ Google, VNG vẫn tìm kiếm một lối đi riêng để bắt kịp làn sóng AI này. Năm 2017, VNG đã thành lập trung tâm Zalo AI.
“Chiến lược của VNG hiện tại trong lĩnh vực AI là xây dựng một bộ công cụ nền tảng để giải quyết các bài toán khác nhau trong môi trường Việt Nam”, ông Minh cho biết.
Sản phẩm AI đầu tiên mà VNG đang tập trung xây dựng là trợ lý ảo, mang tên Ki-Ki, tương tự như Siri (Apple), Google Assitsant (Google), Alexa (Amazon) hay Cortana (Microsoft). Dù ra mắt sau, nhưng lợi thế lớn nhất của Ki-Ki là khả năng nghe và hiểu được tiếng Việt, đây là rào cản khiến các trợ lý ảo của quốc tế không thực sự phổ biến ở Việt Nam.
Hiện trợ lí ảo này có thể thực hiện các tác vụ quen thuộc như mở nhạc, đọc tin, gửi tin nhắn, tra cứu thời tiết, tra cứu kiến thức. Ki-Ki có khả năng hiểu được tiếng của 3 miền Bắc – Trung - Nam.
Độ tuổi trung bình của 2.500 nhân viên VNG là 26 tuổi.
|
Giống các mô hình trợ lí ảo khác, kế hoạch sắp tới của Ki-Ki là tích hợp lên các thiết bị phần cứng như loa thông minh, phát triển thành công cụ tìm kiếm bằng giọng nói và tích hợp vào sản phẩm hiện nay của Zalo platform như Zing MP3, Zalo, Baomoi để phục vụ người dùng.
Đây sẽ là ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam được đưa ra thị trường.
Còn với Lê Hồng Minh và các cộng sự, đây chỉ là một bước tiếp theo trên con đường chinh phục “những mục tiêu khác thường”, với niềm tin rằng trí tuệ của người Việt hoàn toàn có thể hội nhập với làng công nghệ thế giới.
Tinh thần “đón nhận thách thức” ở VNG.
“Đón nhận thách thức đôi khi không chỉ là cố gắng nhiều hơn, đến 100% hay 200%. Đón nhận thách thức còn là việc suy nghĩ khác đi, làm khác đi. Với Minh, những mục tiêu khác thường là nguồn cảm hứng để Minh thay đổi”. - CEO VNG Lê Hồng Minh |