Lê Thị Thanh Lâm, người kinh doanh… ký ức

12/02/2018 21:05

Lê Thị Thanh Lâm, người đàn bà đầy bản lĩnh của Saigon Food, bằng tất cả thiên tính nữ và những trải nghiệm đặc biệt của một tuổi thơ dữ dội, đã thổi hồn vào bữa ăn tươi cho người Việt ở mọi phân khúc với những món ăn bình dị nhất như bữa cơm mẹ nấu.

Những ngày đầu xuân, đến 7-Eleven, không khỏi ngạc nhiên khi thấy những món ăn quê nhà được bày bán như một quán ăn nhỏ truyền thống, nhưng được khoác lên mình chiếc áo mới, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sang chảnh.

Không chỉ giới trẻ, mà hầu hết nhân viên văn phòng, người lớn tuổi đều ưa chuộng những món ăn đường phố như hột vịt lộn sốt me, bò bía, gỏi cuốn, xôi lá cẩm, phở trộn và có cả bánh tráng trộn.

Ít ai biết, 50% sản phẩm thức ăn tươi của 7-Eleven đều của Saigon Food. Với tham vọng doanh thu 2.000 tỷ đồng cho năm 2018, thị trường thức ăn tươi đang mở ra một hướng đi đầy tiềm năng cho những món ăn quê nhà.

Lê Thị Thanh Lâm, người kinh doanh… ký ức
"Người thả diều" Lê Thị Thanh Lâm

Lê Thị Thanh Lâm, người đàn bà đầy bản lĩnh của Saigon Food, bằng tất cả thiên tính nữ và những trải nghiệm đặc biệt của một tuổi thơ dữ dội, đã thổi hồn vào bữa ăn tươi cho người Việt ở mọi phân khúc với những món ăn bình dị nhất như bữa cơm mẹ nấu. Xinh đẹp, nhiệt huyết, hết lòng vì giới trẻ khởi nghiệp, cuốn sách vừa ra đời của “Người bán xôi cho 7-Eleven” mang tên Người thả diều là những gửi gắm chân thành để nuôi dưỡng ước mơ.

Chắp cánh cho những món ngon quê nhà

"Tôi đã áp dụng cách thức chế biến những món ngon gia truyền từ mẹ nấu để đưa vào sản xuất công nghiệp, xem đó như vốn quý mình đã thừa hưởng, mà không trường lớp nào đào tạo được. Nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công. Đó là một trong những kinh nghiệm xương máu đối với Saigon Food và với bản thân tôi”, chị Thanh Lâm chia sẻ.

Hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật với hơn 30 năm lặn lội trong lĩnh vực thủy hải sản, con người kinh doanh và trái tim người phụ nữ đã hòa quyện làm một trong chị, để biến Saigon Food trở thành trợ thủ đắc lực cho những người phụ nữ khi trở về nhà với bữa cơm gia đình.

Sản phẩm tiên phong tạo nên thương hiệu Saigon Food có lẽ là dòng sản phẩm lẩu hải sản đông lạnh, lẩu Thái, lẩu mắm… có gói nước dùng. Đưa hương vị miền Tây vào một món ăn rất đặc trưng cho vùng sông nước, bí quyết để hình thành loại nước lẩu đậm đà ấy của đội ngũ R&D chính là dùng những phụ phẩm giá trị như nước luộc hải sản, xương cá, da cá hồi có vị ngon hợp với người Việt.

Tôi còn nhớ cứ mỗi lần Tết đến, món quà mà chị Thanh Lâm dành tặng bạn bè thân thiết chính là cái thùng xốp chứa món lẩu hải sản này. Nó trở thành một “tín hiệu”, một cách nhận biết về thương hiệu với hướng đi thật gần gũi. Biết bao thử nghiệm, tìm ra công thức chuẩn và cách bảo quản, tìm kiếm nguồn nguyên liệu tươi ngon nhất… “người đàn bà của chợ” ấy đã dồn hết tình yêu thương và những kinh nghiệm riêng có vào những món ăn đồng quê cho Saigon Food.

Thời thơ ấu, bà ngoại chị là một nghệ nhân ẩm thực, hay nói giản dị hơn là một thợ nấu tiệc nổi tiếng một vùng. Mỗi khi làng xóm có tiệc, bà đều được mời làm “bếp trưởng”. Dịp Tết đến, bà làm rất nhiều loại bánh như bánh in, bánh phồng, bánh tráng, bánh nhân dừa, bánh con đuông.

Sau khi ngoại mất, mẹ chị là người kế nghiệp. Ở đâu có đám mẹ cũng được mới đến nấu. Chị lũn cũn theo phụ mẹ, khi mẹ làm món mặn thì chị làm món ngọt. Theo mẹ riết chị dần có kinh nghiệm để xử lý từng món ăn. Đơn giản như món thịt luộc, khi làm nước chấm thì phải làm sao cho thật hấp dẫn.

Đến khi làm thực phẩm, ký ức về những đám tiệc linh đình ở quê xưa lại ùa về. Dòng sản phẩm lẩu mắm đầu tiên của Saigon Food được ra đời từ ký ức đó. Nhiều năm sau đó, món lẩu được yêu thích, khi nhắc đến Saigon Food, người tiêu dùng vẫn gọi tên là “công ty Lẩu”

Nhưng từ truyền thống ẩm thực gia đình đưa vào sản xuất công nghiệp cũng đầy thử thách. Tôm chua là món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Tây. Mỗi năm tết đến, mẹ chị làm đủ loại bánh mứt, nhưng đậm vị Tết nhất là hũ tôm chua đỏ thắm, thơm lừng,chỉ nhìn thôi đã thấy thèm.

Bí quyết làm nên những hũ tôm chua “danh bất hư truyền” của mẹ là tôm tép bắt ngay từ con sông trước nhà nên vẫn còn tươi rói. Thời gian dần trôi, mẹ càng già yếu, món ngon ngày Tết cũng thưa dần, nhưng món tôm chua thì năm nào cũng có

Năm 2010, khi mẹ mất, chị nghĩ sao một món ăn truyền thống hấp dẫn như vậy lại không đưa vào sản xuất công nghiệp để phục vụ mọi người? Đặt hàng cho phòng R&D, nhưng chị không biết rằng nếu đưa ra thị trường, sản phẩm phải để lâu tối thiểu là sáu tháng. Mắm để lâu thì ngon nhưng tôm chua để lâu sẽ bị xuống màu. Mà thực phẩm xuống màu thì khó lòng bán được.

“Năm đó, tôi đã không có tết. Gần sáu tháng sau đội ngũ bán hàng của chúng tôi đã vất vả lắm mới bán hết số hàng tồn kho. Tôi cay đắng nhận ra rằng muốn cho ra đời sản phẩm mới không chỉ dựa vào kinh nghiệm, sự đầu tư, mà phải nghiên cứu kỹ từ thị trường đến công nghệ”, chị Lâm nhớ lại.

Sản phẩm tạo doanh thu chủ lực hiện nay cho Saigon Food là cháo tươi, đòi hỏi một quy trình công nghệ tiên tiến và nghiêm ngặt, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, nhất là các bé thơ. Phải làm sao để giữ nguyên hương vị tươi ngon cho món cháo lươn, cháo cá, cháo tổ yến… Sau một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, thất bại này đếnn thất bại khác, cuối cùng chị đã làm được điều đó, bằng sự kết hợp giữa công nghệ và tình yêu thương.

Quyết là người thả diều, chứ không là “lục bình trôi sông”

Saigon Food hiện là nhà cung cấp thực phẩm tươi cho hầu hết các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam như Coop Mart. Big C, Aeon, Lottermart, Cirlce K, Familymart…

Để hiện thực hóa doanh thu 2.000 tỷ năm 2018, Saigon Food đang tự làm mới mình, tái cấu trúc lại về cả quy mô lẫn sức mạnh nội tại. Tiếp sức cho giai đoạn chuyển mình này, việc ông Phan Quốc Công, nguyên Chủ tịch HĐQT ICP về đã cùng với chị Thanh Lâm và bà Cao Thị Ngọc Dung bổ sung sức mạnh cho nhau, để tạo nên thế kiềng ba chân vững chãi, vượt qua sức ép cạnh tranh quyết liệt trong xu hướng trở lại với hương vị quê nhà của rất nhiều thương hiệu thực phẩm khác

Làm thế nào để chị có thể vượt qua những thách thức liên tục của kinh doanh, mà vẫn dành thời gian cho các startup? Thanh Lâm cười, nụ cười rạng rỡ quen thuộc của riêng chị: “Muốn thành công phải bền chí. Muốn bền chí phải trui rèn bản lĩnh. Bản lĩnh được hình thành từ những trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, không ai giống ai, để từ đó ta vụt lớn dậy, đầy rắn rỏi, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách ở phía trước".

Lê Thị Thanh Lâm, người kinh doanh… ký ức 1
Nữ doanh nhân Lê Thanh Lâm

Chị Lâm kể, người ảnh hưởng lớn đối với tôi lúc nhỏ là bà ngoại và mẹ. Hai người thân yêu ấy đã cho tôi nhiều bài học ý nghĩa và gần như quyết định cách sống của tôi sau này. Với bà ngoại, hễ trong nhà ai làm gì đó trễ nải hoặc không gắng sức, bà luôn nói: “Coi chừng, lớn lên nghèo chết con ơi!”.

Điệp khúc này của bà tôi thuộc nằm lòng. Câu nói đó ám ảnh tôi tới nỗi từ bé đã rất sợ nghèo. Trong suy nghĩ của tôi, cái nghèo còn sợ hơn cả chiến tranh, bom đạn. Dù ở nông thôn nhưng mỗi lần bước chân ra đường hay có khách đến nhà, quần áo của ngoại lúc nào cũng chỉn chu, sạch sẽ, tươm tất. Mỗi lần chúng tôi trêu “bà điệu”, bà thủng thẳng nói “Tui diện là cho mấy người”.

Mẹ tôi là người chịu thương chịu khó, hình mẫu của phụ nữ truyền thống, tần tảo sớm hôm lo cho chín đứa trẻ gồm hai chị em tôi và những người con của cậu, dì tôi đi tham gia cách mạng gửi lại. Miếng ngon trong nhà mẹ chẳng bao giờ ăn, để dành hết cho con cháu. Mẹ làm nhiều, ngủ rất ít. Tôi học cách quán xuyến chu toàn mọi việc trong nhà và cách đối nhân xử thế của mẹ, không vì cái tôi mà bao giờ cũng nghĩ cho người khác, hãy cho trước rồi sẽ được nhận…

Thời của tôi, không ai dạy về việc khám phá bản thân. Nhưng cuộc sống có những biến cố lớn xảy ra đã làm bật dậy bản năng mạnh mẽ trong con người mình mà mình không ngờ tới. Tới tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên biến cố xảy ra năm 2006-2010. Trong một lần kiểm tra sức khỏe, tôi phát hiện mình bị bệnh viêm gan siêu vi C, quá trình diều trị rất tốn kém và tác dụng phụ của thuốc làm tôi mất ngủ triền miên. Tôi bấn loạn tâm thần và suy sụp trầm trọng. Tưởng như sau thử thách khắc nghiệt ấy tối có thể trở lại cuộc sống êm đềm…

Nào ngờ số phận lại giáng thêm cho tôi hai đòn chí mạng, hai người thân yêu nhất là chồng và mẹ tôi lại nối bước qua đời… Những biến cố dồn dập khiến tôi chới với và tưởng chừng sụp đổ. Thế mà ngược lại, chính những biến cố đó khiến tôi như đã biến thành người khác. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, tự tin hơn. Tôi đã biết cách phải làm chủ cuộc sống của mình, biết tr6an quý từng phút, từng giây cuộc sống hiện tại.

Bằng tất cả sự chân thành và yêu thương, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng nên sớm xác lập mục tiêu cuộc đời. cách khám phá bản thân tốt nhất là chấp nhận thử thách, đừng ngại khó. Chỉ có như vậy bạn mới hiểu rõ ngưỡng chịu đựng của bản thân đến đâu, trưởng thành hơn và thành công hơn.

Do tầm ảnh hưởng của mình, trên thương trường rất nhiều người nghĩ tôi là chủ của Saigon Food, thực ra tôi chỉ sở hữu cổ phần nhỏ của công ty mà thôi. Dù trong vai trò làm thuê, tôi cũng làm việc hết mình như một người chủ.

Tôi quyết trở thành người thả diều, chứ không chịu là lục bình trôi sông. Muốn là người thả diều, phải tạo ra giá trị bản thân, mang lại lợi ích cho người khác. Thương hiệu là lời hứa tình yêu, là cái hiệu được người ta thương, càng được nhiều người thương thì thương hiệu càng mạnh.

Để nâng tầm những món quốc hồn quốc túy của Việt Nam, chị đã tìm tòi, moi ra trong ký ức mình, dùng khẩu vị quen thuộc để đưa vào hệ thống máy móc Nhật Bản.

“Sản phẩm của Saigon Food là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ Nhật Bản và nguyên liệu Việt Nam. Món xôi sầu riêng, xôi lá cẩm xưa giờ nấu thủ công, do phòng R&D bận quá, mình mua nguyên liệu về tự làm ở nhà luôn, đổ khuôn kiểu mẹ làm ngày xưa, xôi bên ngoài nhân bên trong mang nét hiện đại như món xôi của Nhật Bản, nhưng mùi vị rất Việt Nam. Món xôi đã chinh phục ngay các chuyên gia Nhật Bản. Hay món cá hấp ngoài chợ hay bán để trong cái rổ, chiên sơ dằm nước mắm hoặc kho măng, kho cà. Mùa cá bạc má, cá nục ào ạt về, hàng cá tươi dội chợ, người Việt từ sâu thẳm có cách đem hấp lên, hoặc luộc lên trong nồi nước với nồng độ muối rất mặn để bán được trong vài ngày. Saigon Food sử dụng công nghệ cao cấp hơn để ra cá hấp hạn sư dụng 2 tháng bán trong siêu thị", chị Lâm tâm sự.

Bữa ăn gia đình ở thời đại công nghệ cũng khác. Để phụ nữ đỡ vất vả, nhọc nhằn, thảnh thơi hơn trong việc làm bếp là sứ mệnh của những người làm thực phẩm. Nói hơi văn chương là góp phần giải phóng phụ nữ ra khỏi gian bếp, mà vẫn duy trì không khí truyền thống.

Hiện nay có trào lưu đi định cư nước ngoài. Khi hỏi tại sao có ý định đó? Nhiều người trả lời với tôi rằng ở đây ăn dơ uống bẩn quá, người ta không dám ở. Khi bệnh hoạn rồi thì môi trường bệnh viện quá tệ. Giáo dục cũng tệ quá. Con người quan trọng nhất là ăn, học, sức khỏe, cả ba đều tệ không được thì làm sao ở lại? Đó là nỗi đau của người làm thực phẩm chân chính.

Lê Thị Thanh Lâm, người kinh doanh… ký ức 2

Nhiều bạn trẻ hỏi tôi làm việc, viết sách, chia sẻ với starup… vậy chị lấy thời gian đâu để ngủ? Tôi nghĩ chắc mình… làm việc cả trong lúc ngủ quá! Câu chuyện về chàng Lang Liêu với sự tích bánh chưng bánh dày có chi tiết đêm về được thần linh báo mộng, nhưng tôi có cách lý giải riêng. Thực ra do đêm ngày suy nghĩ, ấp ủ, đến lúc nào đó bật ra ý tưởng thôi. Nếu cứ lướt qua, không đầu tư thì làm sao ra được ý tưởng. Thực sự tôi cũng nhiều đêm mất ngủ. Cái chính là ham làm.

Với môi trường khởi nghiệp, mình cũng học được nhiều, cũng trẻ ra. Đó là học tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhiều khi mình cũng mệt mỏi, lừ đừ, gặp các bạn cũng bị lây cái tích cực của họ, chia sẻ kinh nghiệm miệt mài hơn…tạo niềm vui.

Ngày xưa ông bà nói mọi sự thành công đều phải có Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, nhưng mỗi người hiểu khác nhau. Tôi nghĩ thiên thời chính là cơ hội, là môi trường. Địa lợi là nội lực, bao gồm con người, lãnh đạo, đội ngũ, kiến thức bên trong doanh nghiệp…Nhân hòa là mối quan hệ bên trong và bên ngoài, đối tác, chính quyền, cộng đồng. Không ngừng phát huy nội lực, xây dựng văn hóa để có mối quan hệ nội bộ tốt, luôn coi chữ tín hàng đầu… Tổng hòa các mối quan hệ là vốn tự có của doanh nghiệp lớn lắm. Nếu không khó phát triển bền vững được.

Theo Kim Yến/Theleader

Bạn đang đọc bài viết "Lê Thị Thanh Lâm, người kinh doanh… ký ức" tại chuyên mục Doanh nhân.