Chấp nhận ở tầng giữa, bạn đang sống cuộc sống của số 0 tròn trĩnh, chẳng có chút giá trị gì. Còn trẻ mà đã có suy nghĩ "sống sao cho nhàn" thì lấy đâu ra động lực để phấn đấu.
01
Bạn thấy hèn khi ở thấp quá, phải chăng bạn đang mặc cảm địa vị xã hội của mình
Không dám "lên cao" và cũng sợ mình ở tầng đáy, có bao giờ bạn mang suy nghĩ này? Tôi dám chắc, bạn đã nhiều lần thầm so sánh mình với người khác. Hệ quả, càng so sánh bạn càng đố kị, đố kị nhiều biến thành mặc cảm. Bạn cảm thấy bản thân hèn kém, bạn trách cứ bố mẹ bạn không giàu bằng bố mẹ người ta, xe của bạn không sang bằng xe người ta. Nhưng, vấn đề không nằm ở những của nả vật chất ấy! Tôi cho rằng, thấp hèn chính là việc bạn nghèo hơn người ta mà còn lười hơn cả họ, xuất phát điểm thấp hơn người ta mà ý chí vươn lên không bằng một góc của họ. Tôi gọi đó mới là thấp hèn. Nếu bạn là dạng người này thì xin lỗi nhé: Bạn thật sự rất hèn!
Nên nhớ: Sinh ra trong nghèo đói không phải là cái tội, nhưng nếu chết trong nghèo đói thì đó là lỗi của bạn!
Nếu bạn mang tư tưởng lửng lơ tần giữa, thì thực chất, bạn đang chán ghét chính mình. Chính xác là bạn nghĩ mình KHÔNG xứng đáng với những thứ tốt đẹp hơn.
Hãy thử hình dung, nếu bạn đi lên từ bàn tay trắng và tài năng, thì đó sẽ là bệ phóng vững chắc chẳng ai lật đổ được bạn. Những kẻ đố kỵ sau lưng, ghen ghét người thành công hơn mình mới là kẻ đáng thương hại. Dạng người như thế sao bạn phải sợ. Kẻ dưới thấp chỉ nhăm nhe dùng thủ đoạn hạ bệ người tài cả đời chẳng làm gì nên chuyện! Rõ ràng không có lý do gì để bạn không tiếp tục cố gắng để trở nên xuất chúng!
Ngược lại nếu bạn ý thức là "hèn lắm khi ở dưới, đó lại càng là nguồn động lực để bạn thoát khỏi xuất phát điểm âm. Đây là dấu hiện tốt chứ không phải cái cớ để bạn mặc cảm tự ti. Ở đây có 2 dạng tự nhận thức:
Thứ nhất: Nhận ra mình ở dưới thấp để cho xấu hổ và mặc cảm xâm chiếm. Trường hợp này bạn luôn cho rằng bản thân không xứng đáng với điều tốt đẹp.
Thứ 2: Nhận ra mình ở dưới thấp nên quyết tâm cải biến vận mệnh, thay đổi địa vị xã hội của mình,
Nếu là người khôn ngoan tôi tin bạn là dạng thứ 2, tự nhận thức về bản thân một cách tích cực, hướng về tương lai. Dạng nhận thức thứ nhất chính là âm thầm uống thuốc độc, hủy hoại tương lai của mình! Những điều tôi vừa phân tích thực chất vẫn đang là kiểu BỊ ĐỘNG. Nghĩa là bạn đang đặt quá nhiều mối quan tâm của bản thân vào người khác. Ở đời: sang-hèn, đúng-sai, phải-trái là thứ chúng ta dùng trải nghiệm của bản thân để nhận định, mắc mớ gì để người ta phân định giúp. Chiều lòng sao hết thế gian, tôi nói ngu xuẩn nhất vẫn là khi cố làm hài lòng người khác.
Chấp nhận ở tầng giữa, bạn đang sống cuộc sống của số 0 tròn trĩnh, chẳng có chút giá trị gì. Còn trẻ mà đã có suy nghĩ "sống sao cho nhàn" thì lấy đâu ra động lực để phấn đấu.
02
Bạn nên có trách nhiệm với bản thân, trước hết là vấn đề tài chính
Trong cuộc sống, nhiều người sợ hãi lảng tránh một thứ, đó chính là Trách Nhiệm. Nhưng nếu thiếu đi 2 chữ Trách nhiệm thì sai lầm nối tiếp sai lầm, cuộc đời dần dần đi xuống. Có một câu nói rất hay: Dù nấu ăn hay trong tình yêu bạn cũng cần dùng đến 100% trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm với chính mình!
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện ngắn này: Một ông chủ đến ngân hàng trên phố Wall vay 500 USD trong hai tuần. Ngân hàng cho vay nhất định phải có thế chấp và ông ta dùng chính chiếc xe Rolls-Royce đỗ trước cửa làm vật thế chấp. Nhân viên ngân hàng đưa xe vào kho và thực hiện các thủ tục cho vay.
Hai tuần sau, ông ta đến ngân hàng chi trả, tiền lãi chỉ có 15 USD. Nhân viên ngân hàng phát hiện trong tài khoản của ông ta có mấy trăm vạn, liền hỏi vị khách hàng tại sao muốn vay tiền. Ông ta nói: "Phí gửi xe hai tuần 15 USD, ở phố Wall này không tìm đâu ra được".
Người ta nói "con người hơn nhau ở cái đầu", quả không sai! Khoảng cách xa nhất giữa giới thượng lưu và người nghèo khó có lẽ nằm ở hai chữ "tư duy".Không chỉ cần "động não" để nghĩ cách kiếm tiền, bạn còn phải lưu tâm trong việc sử dụng đồng tiền sau cho hợp lý và tiết kiệm nhất. Để xây dựng cuộc sống sung túc sau này, trước tiên bạn phải nghiêm túc quản lý tài chính của mình, từng bước xây dựng và gia tăng tài sản, tin chắc rằng "kiến tha lâu cũng đầy tổ".
Cuộc sống mỗi người, không phải sự việc nào cũng dễ như trở bàn tay, mọi sự việc đều có cái giá của nó, đều cần phải trả bằng thời gian và sức lực của chính mình. Trên đời này chẳng bao giờ tồn tại khái niệm bữa trưa miễn phí, vì vậy bạn luôn luôn phải chuẩn bị cho mình một quan niệm đầu tư rõ ràng, không đơn giản chỉ là đầu tư bằng tiền bạc và thời gian, mà đôi lúc phải trả giá bằng cả sự nghị lực, lòng nhẫn nại.
Đừng lo nghĩ quá nhiều về góc nhìn của người đời, nếu muốn có cuộc sống hạnh phúc hơn hãy Chủ động – từ ngay trong suy nghĩ và luôn tôn trọng chính mình!
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Mr Why Phạm Ngọc Anh - CEO ASK Training JSC)
Phạm Ngọc Anh
Theo Trí Thức Trẻ