Việc lên rừng núi hoang dã M’drak, nhịn ăn 49 ngày của Đặng Lê Nguyên Vũ là để suy nghĩ và hoàn thành cuốn “Thiên mệnh Việt”. Tức là kịch bản cho một nước Việt hùng cường, vĩ đại.
Khi tôi đến M’drăk, Đắk Lắk, thì ông vua cà phê đã nhịn ăn đến ngày thứ 34 cùng một nhóm gần chục người, trong đó có nhà văn Lưu Trọng Văn.
Cú điện của cháu gái nhà văn Lưu Trọng Văn khiến tôi hộc tốc lên M’drăk xem “tình hình đã như thế nào”. Nội dung người cháu thông báo là: “Cả anh Vũ lẫn chú Văn đã bắt đầu lả đi, chú Văn đến giờ đã bị tụt 8 kg. Hôm nào anh lên cho em gửi cho chú Văn một ít thuốc. Chú Văn bảo ngồi thiền bị kiến rừng đốt”.
Rồi cô bé gửi cho tôi một túi nhỏ, trong đó có lọ dầu và tuýp thuốc bôi chỗ côn trùng cắn. Hôm sau, anh Nguyễn Công Khế – Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và tôi kết hợp chuyến công tác Ninh Thuận, đi xe thẳng luôn lên M’drăk thăm ông Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên.
Tôi biết đến cuộc “tuyệt thực” này trong lần ngồi trò chuyện cùng Đặng Lê Nguyên Vũ và anh Nguyễn Công Khế từ giữa tháng 11-2013. Anh Vũ cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn trong 49 ngày để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen.
Anh làm thật. Lần đầu lên M’drăk nhịn ăn, thiền được khoảng 1 tuần lại có việc bất ngờ phải trở về thành phố. Khi trở lên phải làm lại từ đầu. Cùng đi với ông vua cà phê là một nhóm quãng chục người, mỗi ngày họ thiền hai lần vào buổi sáng và tối, từ 5 – 7 giờ.
Chuyến bay của Vietnam Airlines đưa chúng tôi đáp xuống phi trường Cam Ranh. Một chiếc Lexus 470 sơn màu cà phê được ông chủ Trung Nguyên điều đến đón cả nhóm. Hành trình đầu tiên là ghé thăm dự án nghỉ dưỡng 27 hecta của Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đẹp mê hồn tại Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận.
Vài năm trước, một nhân vật có máu mặt ở Hollywood đã tìm đến đây để khai thác dự án này. Tuy nhiên, lúc bấy giờ cơ sở hạ tầng chưa có, đường xá chưa mở nên quý ngài từ Hollywood phải ngậm ngùi chia tay bãi biển cát trắng muốt ẩn mình trong cái vịnh đẹp nhất Việt Nam, nước xanh như ngọc.
Trở về Nha Trang dùng bữa cơm tại Vinpearl do tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng chiêu đãi với đủ loại sơn hào hải vị, cả nhóm lên đường trực chỉ M’drăk, lúc này đã quá 10 giờ đêm. Trên đường đi, cậu tài xế luôn miệng phải trả lời những câu hỏi về 34 ngày qua của Đặng Lê Nguyên Vũ. Cả nhóm đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về một anh chàng mập mạp trong nhóm sau hơn 1 tháng nhịn ăn ngồi thiền thì cái thùng nước lèo to oạch của anh dần dần biến mất.
12 cây số vòng vo qua đèo Phượng Hoàng, Đắk Lắk đón chúng tôi bằng tiết trời tê tái: 12 độ C. Nơi Đặng Lê Nguyên Vũ ở là trang trại 600 hecta. 0g30, chiếc Lexus đi qua bốt gác trang trại, gập ghềnh trên con đường đất đỏ, lắt léo như đường đua địa hình, xuyên qua những cánh rừng Tây Nguyên và dừng trước một ngôi nhà sàn lớn.
Lấy tay đẩy cánh cửa nhà sàn, trước mắt tôi hiện ra như một doanh trại quân đội. Khoảng 20 chiếc giường đơn kê làm 2 dãy, dễ dàng nhận thấy 4 chiếc giường dành cho 4 chúng tôi thông qua “tín hiệu” là một cái chăn, một cái gối, một cái mùng, bàn chải đánh răng và một cái khăn mặt đặt sẵn trên tấm nệm. Bên cạnh mỗi giường là một cái bàn nhỏ, có ổ cắm điện. Giữa nhà sàn là một dãy bàn dài để đọc sách. Chỉ có một chút hơi thở của đất Sài Gòn tại đây là một bộ phát wifi.
“Úi trời ơi thằng Vũ nó cho mình đi bộ đội” – anh Khế thốt lên, răng khua lập cập. Cả nhóm không lường được cái lạnh của Tây Nguyên nên không ai mang áo ấm. Không có nước uống, cậu tài xế hì hục đi đâu đó, 15 phút sau khiêng về một bình nước 20 lít.
Cả đám không dám đi đâu vì xung quanh trời tối mịt, toàn thấy rừng và vực sâu. Đầu giường, gió rừng rít vù vù. Tôi ghé mắt nhìn qua vách, ánh trăng mờ mờ thì dường như là một con sông, ngay đầu nằm. Cả nhóm thay quần áo, với bàn chải, khăn mặt trên giường đi súc miệng rồi leo lên giường. Nệm lạnh ngắt, phải mất hơn nửa giờ, chỗ nằm mới tạm âm ấm nhờ hơi nóng cơ thể toát ra. Một giấc ngủ chập chờn, đầy mộng mị để cảm được thế nào là hơi thở núi rừng.
Buổi sáng cuối đông M’drak, Đắk Lắk nơi những dãy núi hùng vĩ dắt díu bồng bềnh sương mù bao bọc quanh thung lũng và hồ nước dập dờn bờ lau trắng còn vảng vất tiếng hát của Y Moan chàng ca sĩ Ê đê “Ơi, M’drak”. Đặng Lê Nguyên Vũ im lặng một lúc, đột ngột đứng lên rồi đột ngột cầm quả địa cầu và quay ngược quả địa cầu xuống.
Ông nói: “Đất Bắc trời Nam” là “tượng trời” đã định của nước Việt, tộc Việt. Nếu lật ngược quả địa cầu, Việt Nam hướng trọn tầm nhìn về phía trời Nam ấy theo quy luật mà Tạo hóa đã ấn định. Để xuôi, Việt Nam luôn thấy Trung Quốc là khối núi lừng lững đè lên mình. Lật ngược, Trung Quốc trở thành cái đế vĩ đại cho Việt Nam vươn lên, cất cánh.
Nói rồi ông chủ Trung Nguyên đến bên tượng Thành Cát Tư Hãn, người từng với vó ngựa chinh phục cả đế chế Trung Hoa hùng mạnh, cả châu Âu vĩ đại. Nhìn thẳng vào đôi mắt kẻ chỉ lim dim đầy thách thức khinh mạn của Thành Cát Tư Hãn, ông cười lớn: “Có đúng vậy không, thưa Ngài?”.
Cái tư duy đảo ngược tầm nhìn này khác với cái tư duy của một triết gia phương Tây: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy cả trái đất. Chưa dừng lại ở những huyệt cốt tử bí ẩn của Tạo hóa đã gieo, đã cấy, đã gài cho tộc Việt gọi là “ấn dấu tượng trời”, Đặng Lê Nguyên Vũ dẫn tôi đến bên bức vách có treo tấm bản đồ Việt Nam có một vòng tròn quây bọc xung quanh hiện rõ chữ S của nước Việt như biểu tượng Thái cực, Âm Dương trong cái vòng tròn ấy.
Đặng Lê Nguyên Vũ bảo, hình ảnh này là duy nhất trên bản đồ hơn 200 quốc gia trên thế giới. Hình chữ S – biểu tượng Thái cực, Âm Dương này không phải tự dưng mà có. Đặng Lê Nguyên Vũ nhấp ly cà phê, khẽ buông lời nói mà tôi cảm nhận hình như không phải chỉ là lời nói của ông mà còn của ai khác. Ai khác ấy, lúc ấy tôi chưa cảm nhận được. Nhưng lời nói đã buông là thế này: Thiên mệnh.
Bây giờ thì tôi đã hiểu rằng vì sao trong nhiều năm trời khi mà công việc kinh doanh của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đang trải qua nhiều thử thách bởi muốn ra biển lớn, ông vẫn dành hầu hết thời gian, thể xác, thể hồn của mình để hoàn thành bộ sách có tên là “Thiên mệnh Việt”.
Cách đây 5 năm cũng tại M’drak này, Đặng Lê Nguyên Vũ đã mời hơn 30 chuyên gia ở nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, chính trị, trong 3 ngày liên tục bàn thảo kịch bản phát triển cho nước Việt. Ông từng nói: Dù thể chế nào cũng cần một kịch bản phát triển đúng đắn. Và, một kịch bản như thế đã được gửi lên lãnh đạo quốc gia. Nhưng “Thiên mệnh Việt” lại ở một tầm nhìn khác. Bắt đầu từ “thuyết hội tụ” Đặng Lê Nguyên Vũ muốn qua “Thiên mệnh Việt” tìm ra công thức sức mạnh của quốc gia Việt. Theo ông, quốc gia Việt chỉ có thể hội tụ, đoàn kết thành một sức mạnh vô biên nếu cùng có cội nguồn chung, nguy cơ chung và tương lai chung.
Trong cuốn “Thiên mệnh Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ đã phân tích và đúc kết các bài học thành công và thất bại của Việt Nam cũng như của thế giới, đồng thời vạch ra cương lĩnh phát triển quốc gia trên các trụ cột cốt lõi hài hòa giữa tâm linh, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục. Ông đã đẩy sâu hơn phong trào “Tuổi trẻ khát vọng Việt” do ông khởi xướng cùng các cuộc diễn thuyết của ông tại các diễn đàn cho tuổi trẻ thành lý luận “Công thức thành công” cho một quốc gia.
Theo ông, công thức đó là mọi công dân Việt phải có được:
Tinh thần chiến binh
Tinh thần doanh nhân
Tinh thần sáng tạo.
Trong “Thiên mệnh Việt” ông còn đẩy xa hơn khi đặt tâm thế nước Việt và vai trò Việt trong bình diện không chỉ khu vực mà toàn cầu.
Tôi hỏi ông Vũ: Cuốn “Thiên mệnh Việt” ông đã hoàn thành, tức là kịch bản cho một nước Việt hùng cường, vĩ đại ông đã viết xong, vậy vì sao ông còn lên rừng núi hoang dã M’drak này, nhịn ăn 49 ngày để tìm cái gì?
Trước khi trả lời câu hỏi, Đặng Lê Nguyên Vũ dẫn tôi vào thư viện. Ông bảo: M’drak là nơi tôi thường xuyên lui về để… nghĩ. Tại đây có những cuốn sách về… “nghĩ”. Tôi bắt gặp ở đây những cuốn sách về Hery David Thoreau cùng các gạch chân đậm của ông Vũ dưới câu nói của Thoreau: Hãy đặt lẽ phải lên trên luật pháp. Lẽ phải là lẽ thuận của Trời, luật pháp chỉ là lẽ của thế lực người dùng để cai trị. Tôi nghĩ rằng đứng về phía Thượng đế – lẽ Trời là đủ rồi, và một người theo lẽ phải, tự mình đã là một đa số rồi.
Đặng Lê Nguyên Vũ nói: Sau này Gandhi lãnh tụ tinh thần của Ấn Độ cũng nói câu này: “Một người theo lẽ phải tự mình đã là đa số”. Ông Vũ nói: Theo Thoreau, chính phủ tốt là chính phủ không cai trị gì cả. Tôi thấy Thomas Jefferson của Mỹ không dám nói “không cai trị gì cả” mà thận trọng hơn khi xê dịch thành “một chính phủ tốt là chính phủ ít cai trị”.
Trên cuốn sách về cuộc đời Hitler, dưới câu của Hitler về phương pháp tuyên truyền: Cứ nói dối thật nhiều những điều to tát nhất, mọi người sẽ tin vì cái lẽ người ta chỉ quen nói dối vụ nhỏ không thể tin cái điều nói dối to lớn kia là lời nói dối được. Ông Vũ ghi: Phải chăng lời “chỉ dạy” này của Hitler đã được không ít kẻ hậu thế làm theo. Thật đau đớn và tủi hổ cho dân tộc nào phải sống trong sự lừa mị, dối trá….
Tôi ngạc nhiên khi trong tủ sách “nghĩ” của ông Vua cà phê, một nhà kinh doanh ở tuổi 40 này có nhiều sách về các nhà khoa học, cùng luận thuyết thiên văn, vật lý. Trong cuốn sách của Copenich, Đặng Lê Nguyên Vũ tâm đắc với câu nói của nhà thiên văn đại tài này: Không có thuốc gì của người đời chữa được vết cắn của kẻ nói xấu. Trong cuốn nghiên cứu về nhà bác học Einstein, ông thích thú câu: Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí.
Tôi được nghe kể từ nhỏ Đặng Lê Nguyên Vũ đã rất mê đọc sách, khi sống với bà ngoại tại Khánh Hòa, bà ngoại sợ cháu mình thức khuya quá, bắt cháu ngủ sớm, cậu bé Vũ đã chui vào chăn ấm, đốt đèn dầu đọc sách, sớm ra hai lỗ mũi đen kịt vì khói. Ông bảo: Hồi nhỏ vớ được cuốn nào là đọc, thượng vàng hạ cám. Bây giờ đọc những cuốn sách của các triết gia, các nhà khoa học, các Kinh Thánh, Kinh Phật, Tin lành, sách các danh nhân, sách về các quốc gia phát triển, các lý thuyết, học thuyết… là để tìm ra con đường cho mình.
Ông Vũ đọc sách để khảo sách và đối thoại với các nhân vật lịch sử. Ông nhờ nhà điêu khắc Lê Liên tạc gần 50 bức tượng các danh nhân đặt trong thư phòng. Ông thường xuyên “đối thoại” với các danh nhân ấy. Với Machiavelli ông không đồng tình với lý thuyết gia người Ý này khi ông ta cho rằng “bí quyết thành công là biết coi thường mọi động lực khác, chỉ chú trọng đến lòng tham và sự ích kỷ” vì ông nghĩ ngược lại, bí quyết của thành công chính là khát vọng. Chính vì vậy ông đem nguồn lực kinh tế của Trung Nguyên đóng góp cho phong trào “Khát vọng Việt” trong tuổi trẻ với việc in và quảng bá những cuốn sách nói về “khát vọng”.
Khi Adam Smith đẩy thêm luận điểm của Machiavelli: Chính lòng vị kỷ của cá nhân sẽ đưa tới sự trù phú của xã hội. Quốc gia trở nên phồn thịnh hơn nếu mọi người không ngừng nỗ lực để cải thiện sinh hoạt của riêng mình. Chúng ta phải kêu gọi không phải lòng nhân từ mà kêu gọi lòng ích kỷ của con người.
Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: Các lý thuyết trên đều mang tính thực dụng. Con người có lòng tham, lòng ích kỷ đó là sản phẩm lỗi của Tạo hóa. Tạo hóa không muốn có sản phẩm lỗi ấy. Chính từ cái gốc sản phẩm lỗi này đã dẫn đến tác phẩm “Giấc mơ Trung Quốc” của học giả Lưu Minh Phúc đã làm ông suốt nhiều đêm trăn trở, lo nghĩ. Bởi cái “Giấc mơ Trung Quốc” ấy nếu được thực hiện dựa trên nền tảng của những sản phẩm lỗi thì đất nước Việt, dân tộc Việt sẽ phải gánh chịu biết bao trở lực trên con đường vượt lên, phát triển theo “Thiên mệnh Việt” của mình. Tôi ngạc nhiên khi ông Vua cà phê dành nhiều tâm sức hơn cả để nghiên cứu tư tưởng của Einstein. Không phải tự dưng ông nhắc đi nhắc lại câu nói của Einstein : Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí.
Đặng Lê Nguyên Vũ dẫn tôi ra gốc đa, nơi mỗi buổi sớm lúc gà vừa gáy mớ, mặt trời chưa kịp lên và mỗi chiều khi mặt trời chưa kịp tắt, ông một mình ngồi thiền. Dưới bóng cây đa cổ thụ này, Đặng Lê Nguyên Vũ như là một con người của thế giới khác.
Nhà văn Lưu Trọng Văn người cùng tham gia cuộc nhịn ăn 49 ngày vừa từ dưới hồ lên trông ông như “dát mỏng” ra vì như ông nói bị mất gần chục kilo.
Lúc tôi lên M’drak, Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhịn ăn được 30 ngày, khuôn mặt ông hốc hác đi làm đôi mắt to của ông như trồi ra làm đôi con ngươi như muốn bứt bung khỏi hai hốc mắt. Gió từ dãy núi phía tây bắc thổi mạnh, lá đa xào xào, hình như chỉ chờ cho gió lặn hẳn, Vũ mới thong thả nói: Anh hỏi tôi 49 ngày nhịn ăn, thiền định dưới bóng đa này để tìm cái gì ư? Einstein trước khi mất đã buồn bã nói: “Cả cuộc đời ta, ta sẽ chết yên lòng nếu biết được phép mầu nhiệm Chúa đã tạo ra vũ trụ thế nào?”. Einstein đã làm ra thuyết tương đối tiệm cận đến câu trả lời sinh mệnh kia. Theo Einstein người ta có thể đuổi theo kịp quá khứ và sinh ở tương lai nếu có tốc độ vượt ánh sáng. Có nghĩa là Einstein bằng cảm nhận thiên tài duy nhất của mình đã nhận ra hơi thở quá khứ hầm hập thổi phía sau và ông hy vọng sẽ có một nguồn nặng lượng tạo ra tốc độ vượt tốc độ ánh sáng để đuổi kịp quá khứ. Và cảm nhận thiên tài của Einstein còn ở chỗ, ông cho rằng thời gian là một chiều của không gian. Có nghĩa là không gian có bốn chiều mà thời gian chính là chiều thứ 4. Ông khát khao thâm nhập vào chiều thứ 4 ấy.
Tôi hỏi Đặng Lê Nguyên Vũ: Phải chăng chính ông đang tìm con đường thâm nhập vào thời gian – không gian chiều thứ 4 ấy? Đặng Lê Nguyên Vũ im lặng một lúc rồi đột nhiên đọc câu thơ mà “sách sử cõi đời” bảo là của Lý Thường Kiệt, còn “sách sử cõi đạo” bảo là của thiền sư Pháp Thuận:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Đặng Lê Nguyên Vũ nói: Thiên thư là sách trời. Có cuốn sách trời đó không? Nếu có thì chắc chắn cái câu hỏi của Einstein sẽ được giải đáp vì nó chính là kinh của các bộ kinh, vì nó sẽ lý giải sự hình thành của vũ trụ và quy luật của vũ trụ tức cách thức như Einstein bảo “Chúa tạo ra vũ trụ thế nào”.
Vậy Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ tìm cuốn Thiên thư ấy ở đâu? Phải chăng ở chính sự im lặng dưới bóng cây đa cổ thụ, giữa sự im lặng rừng rú hoang dã này? Ông bộc bạch: Cuộc đời tôi giờ chẳng thiếu gì. Tôi muốn bất cứ gì cho tôi, cho gia đình tôi, đều có. Vậy tôi bỏ tất cả lên đây để làm gì?
Qua tìm hiểu và có độ lùi thời gian để quan sát, trải nghiệm thực tiễn tôi dần dần hiểu rõ hơn cái lý của cuộc tìm kiếm mà trong câu chuyện cổ tích “Alibaba và 40 tên cướp” có câu niệm chú “Vừng ơi mở cửa ra!”. Hạt vừng chính là hạt mè mà cả đức Phật và đức Chúa Jesu dùng làm năng lượng trên đường chinh phục đức tin nhân loại. Lúc này nó cũng chính là năng lượng giúp cho ông vua cà phê có thể vượt qua thử thách trước mắt 40 ngày nhịn ăn – 40 tên cướp.
Còn “vừng ơi mở cửa ra” kho báu ấy là gì? Chính là “Khí” trong cơ thể con người, chính là nguồn năng lượng của chính bản thể con người. Tuy vậy, dù có thể tiếp cận được nguyên lý nào đó của cuộc chinh phục mà Đặng Lê Nguyên Vũ trải nghiệm nhưng tôi chưa hiểu được sự liên quan nào đó tới “Thiên thư” và tới cái sức mạnh nào có thể giúp Đặng Lê Nguyên Vũ một mình lặng lẽ trong màn đêm hãi hùng trước cái sống và chết để dấn thân thâm nhập vào không gian chiều thứ 4 bí hiểm?
Tôi phải nói “một mình” vì Đặng Lê Nguyên Vũ là người duy nhất trong 12 người tham gia cuộc trải nghiệm đã chuẩn bị rất kỹ và đầy tính toán thời điểm, địa điểm, theo vận hành của Khí này, có được sự dẫn dắt, nói đúng hơn, có được sự chọn lựa và đủ đức tin mãnh liệt, đủ lòng dũng cảm để vượt qua những thử thách có thể nói rất khốc liệt của cõi mê, cõi tỉnh, của cõi ảo, cõi hiện trong vận hành bí hiểm của Khí trời, Khí đất do Tạo hóa quần tụ.
Vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ lại là người được “chọn lựa” và đấng nào là “người chọn lựa” là một “huyền bí” như Einstein đề cập, chắc chắn sẽ có ngày được giải mã. Nhà văn Lưu Trọng Văn người theo sát tiến trình trải nghiệm của ông Vua cà phê thổ lộ: Đặng Lê Nguyên Vũ với sự dấn thân, chấp nhận mất mát tất cả, thậm chí có thể mất chính sự sống của mình trong màn đêm đầy vô thức của Tạo hóa để tự mình lần mò, tìm kiếm chính… mình.
Kinh dịch mà Đặng Lê Nguyên Vũ coi là bộ kinh của mọi bộ kinh và cũng chính là Thiên thư” chỉ khi “khảo” được nó thì mới biết được sự tạo lập vũ trụ và quy luật vận hành vũ trụ thế nào. Và Kinh dịch đã phán rằng “Vô cực sinh Thái cực”, Thái cực chính là “Khí”, đồng nghĩa Tạo hóa chính là Khí. “Thái cực sinh lưỡng nghi” (tức âm dương), “lưỡng nghi sinh tứ tượng” (tức bốn phương Nam, Bắc, Tây, Đông), “tứ tượng sinh bát quái” (tức 8 hướng). Thâm nhập vào thế giới của “Khí” chính là thâm nhập vào chính Tạo hóa. Tiếc rằng con người từ khi sinh ra đã được hưởng “Khí” miễn phí nên không biết quý, không biết dụng, thậm chí còn ngu xuẩn làm ô tạp món quà vô giá này của Tạo hóa.
Sau này tại Sài Gòn, tôi hỏi nhà văn Lưu Trọng Văn: “Vậy thì sau 49 ngày kia ông Vua cà phê có gặt hái được kho báu không?”. Ông Văn nói: “Tạm thời đó là một sự kỳ diệu của Tạo hóa mà chỉ có thời gian, tức không gian chiều thứ 4 mới giải đáp được”.
Tuy vậy ông Văn đã giải thích cho thắc mắc của tôi về cái gọi là “cuộc tìm kiếm chính mình” và vì sao nó lại là cái đích trước mắt mà ông Vua cà phê theo đuổi? Ông Văn cho rằng theo tìm tòi, nghiên cứu của Đặng Lê Nguyên Vũ thì con người chính là “hạt của Chúa” chứ không phải hạt High mà nhà bác học Piter High vừa tìm ra.
Điều đó có nghĩa con người chính là tiểu vụ trụ. Theo nguyên lý “cặp đối xứng” và “thống nhất” thì Tạo hóa tức đức Chúa mà Einstein gọi, đã tạo ra vũ trụ thế nào thì cũng tạo ra con người như thế. Và quy luật vận hành của vũ trụ cũng đồng nhất liên thông chặt chẽ với quy luật vận hành sinh tồn của chính con người. Một khi Đặng Lê Nguyên Vũ thâm nhập tìm về được chính con người của mình, bản thể của mình, hiểu quy luật vận hành của nó, được thông toàn bộ kinh, lạc, huyệt mạch, luân xa thì tất yếu sẽ hiểu được quy luật vận hành của vũ trụ.
Và, đó chính là điều mà Einstein từng mong muốn. Khi Nguyên Vũ tìm ra được bản thể của mình từ đó sẽ có thể tìm ra bản thể dân tộc mình, sẽ hiểu thấu di chỉ thiêng liêng của cha ông, Kinh dịch và giải mã totem Rồng, Rùa của dân tộc. Chỉ khi tìm ra mình sẽ tìm ra tâm thức bản thân đồng với tâm thức dân tộc và cao hơn nữa đồng với tâm thức vũ trụ theo đúng quy luật của vũ trụ.
Một khi “Khí” là Tạo hóa thì đồng nghĩa “Khí” cũng chính là con người. Vận hành của “Khí” chính là vận hành của con người thông qua các kinh lạc. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thì điều bất ngờ nhất khi tìm hiểu nguồn cội Việt, chúng ta biết rằng Kinh dịch chính là bộ kinh tổng mà Tạo hóa trao cho tộc Việt thông qua vua Phục Hy – ông tổ của tộc Việt hơn 5 ngàn năm trước. Chính vì vậy vị vua kế tiếp Phục Hy đã gọi mình là “Kinh Dương Vương”, còn con của Kinh Dương Vương đã đặt tên là “Lạc Long Quân” như để khẳng định “tượng trời kinh và lạc” – mạch khí dọc ngang trong cơ thể con người.
Khí chính là nguồn năng lượng chủ yếu của sự sống, quá trình nhịn ăn 49 ngày và thiền định là để đồng nhất Khí trời, Khí đất, Khí con người. Sự đồng nhất này tạo nên năng lượng mới cho chính con người, đánh thức các noron thần kinh mà hơn 90% đang còn li bì giấc ngủ.
Thế là đã phần nào rõ ông Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ đi tìm cái gì. Vâng, không gì khác, ông đi tìm sức mạnh của chính mình, một khi mình là một tiểu vũ trụ,… Và, vâng, nếu mỗi người Việt có được sức mạnh ấy thì dân tộc Việt sẽ vô cùng mạnh mẽ, sẽ đáp ứng được “Thiên mệnh Việt” mà “tượng trời” đã chỉ trên mảnh đất hình chữ S cùng khát vọng Rồng bay mà không phải tự dưng tộc Việt – Bách Việt từ xưa đã chọn là totem của mình.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tìm chính bản thể mình để đánh thức con Rồng, khát vọng Rồng, sức mạnh Rồng của đất nước Việt, dân tộc Việt. Thực ra đây mới chỉ là những hé mở ban đầu, đằng sau nó còn nhiều câu chuyện, nhiều điều Đặng Lê Nguyên Vũ ấp ủ, trở dạ và quyết tâm tìm kiếm, tìm kiếm đến cùng nữa mà tựu chung cái đích của nó là “Đạo”. Chắc chắn sẽ có lúc chúng tôi được tiếp cận với anh về chữ “Đạo” thiêng liêng này.
- Sự thật về sức khỏe của Đặng Lê Nguyên Vũ sau 49 ngày thiền định
- Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: 49 ngày nhịn ăn đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi
- Vợ nói bị bệnh, phía Đặng Lê Nguyên Vũ đáp trả: Sức khỏe tôi vẫn bình thường!
Theo Lê Huỳnh Lê -Bách Việt/Motthegioi