Liên Hiệp Quốc hết tiền, hội nghị trở thành cái chợ, không mic không màn hình, đại biểu phải tự mang máy sưởi đến

22/12/2019 17:14

"Thay vì tập trung vào những vấn đề cần giải quyết, UN lại chi quá nhiều tiền lương cao ngất cho các quan chức", cựu nhà ngoại giao Marc Limon và Giám đốc điều hành của Universal Rights Group nói.

"Thay vì tập trung vào những vấn đề cần giải quyết, UN lại chi quá nhiều tiền lương cao ngất cho các quan chức", cựu nhà ngoại giao Marc Limon và Giám đốc điều hành của Universal Rights Group nói.

Trong một cuộc họp của Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UN) vào tháng 11/2019, các vị đại biểu đã họp quá giờ theo quy định về thời gian cho mỗi cuộc họp, hệ quả là chuông báo kêu lên, ống thu thanh (Microphone-Mic) bị tắt, màn hình trình chiếu cũng bị đóng và buộc các chính khách phải gào lên trong hội nghị.

Nguyên do của câu chuyện là Liên Hiệp Quốc đang cố cắt giảm chi phí và họ giới hạn thời gian cho mỗi cuộc họp, nếu kéo dài quá sẽ tự động tắt mic và màn hình nhằm buộc các chính khách phải đẩy nhanh tiến độ. Tuy vậy, nhiều người trong cuộc họp cho rằng cảnh tưởng các quan chức gào lên với nhau trong phòng họp thật lọn xộn và ầm ĩ, nhiều người còn lo ngại chẳng mấy mà trụ sở UN cũng phải tắt luôn đèn họp để tiết kiệm tiền.

Liên Hiệp Quốc hết tiền, hội nghị trở thành cái chợ, không mic không màn hình, đại biểu phải tự mang máy sưởi đến - Ảnh 1.

Một cuộc họp lộn xộn tại trụ sở UN ở Geneva

"Tôi khá lo lắng không biết đến đèn điện có bị tắt nữa không", đại sứ Khalil Hashmi của Pakistan tại UN nói sau khi đã cố gắng giảm thời gian tranh luận.

Những biện pháp tiết kiệm chi phí của UN tại trụ sở ở Geneva và New York đã làm phiền khá nhiều đại biểu. Biện pháp này đã kéo dài sang tháng thứ 3 liên tiếp và là phản ứng gián tiếp của UN về tình trạng thiếu kinh phí hoạt động.

Hiện UN đang thiếu 768 triệu USD trong tổng số ngân sách dự tính 2,85 tỷ USD cho tài khóa năm 2019 bởi 51 quốc gia vẫn chưa đóng tiền, bao gồm những nước lớn như Mỹ và Brazil.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn có quan điểm hạn chế chi tiêu cho những hoạt động không vì lợi ích trực tiếp của người dân Mỹ cũng như cố gắng giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, nền kinh tế Brazil thì cũng lao đao vì khủng hoảng.

Đại biểu của cả 2 quốc gia này đều cho biết họ sẽ đóng tiền trước khi hết hạn tài khóa, nhưng kể cả khi đó thì năm 2019 cũng sắp hết và số tiền đóng sẽ được chuyển sang năm tài khóa sau để sử dụng.

"Thâm hụt ngân sách từ đầu năm nay của chúng tôi đang ngày càng nghiêm trọng hơn", Tổng thứ ký UN, ông Antonio Guterres ngậm ngùi nói.

Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu kinh phí đang khiến các công cuộc ngoại giao đa phương trở nên yếu kém hơn bao giờ hết. Ví dụ điển hình là việc ngừng các tòa án phúc thẩm của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như việc cuộc họp về biến đổi khí hậu mới đây của UN đạt được kết quả hạn chế.

Trước tình hình này, cả Pháp và Đức đang cố gắng thúc đẩy những liên minh ngoại giao đa phương nhằm hỗ trợ UN nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.

Liên Hiệp Quốc hết tiền, hội nghị trở thành cái chợ, không mic không màn hình, đại biểu phải tự mang máy sưởi đến - Ảnh 2.

Thông báo cắt giảm tiết kiệm chi phí của UN tại trụ sở

Chuyên gia Richard Gowan của ICG nhận định thiếu hụt ngân sách là một dấu hiệu của cuộc khủng hoảng niềm tin đối với các tổ chức lớn như UN.

"Phần lớn các thành viên của UN chẳng quan tâm đến thách thức thiếu hụt ngân sách mà tổ chức này đang phải đối mặt", ông Gowan nói.

Hiện vấn đề ngân sách vẫn đang gây nhiều tranh cái. Một số đại biểu chỉ trích UN tốn quá nhiều tiền lương ở mức cao ngất cho các quan chức cấp cao trong khi phía UN lại cho rằng họ không thể cắt giảm lương nhân viên và sẽ xem xét giảm chi phí ở những khía cạnh khác.

"Thay vì tập trung vào những vấn đề cần giải quyết, UN lại chi quá nhiều tiền lương cao ngất cho các quan chức", cựu nhà ngoại giao Marc Limon và Giám đốc điều hành của Universal Rights Group nói.

Những cuộc họp "thây ma"

Trụ sở của UN tại Geneva-Thụy Sĩ đã xây dựng được gần 100 năm và là nơi diễn ra vô vàn những cuộc đàm phán, hội nghị về mọi chủ đề trên thế giới, từ khủng hoảng tị nạn Syria cho đến vấn đề hạt nhân Iran. Điều đáng nói ở đây là tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi ngày càng nhiều cuộc họp được tổ chức tại đây.

Những kiến trúc nghệ thuật trang trí cho tòa nhà đã ố vàng và Thụy Sĩ phải cho UN vay 800 triệu USD để duy tu bảo trì trụ sở này. Phía UN cho biết thiếu hụt ngân sách khiến họ phải ngừng thang máy cũng như tháng cuốn trong tòa nhà. Đèn điện hành lang được cắt giảm tối đa và nhiều đại biểu đã phải tự mang máy sưởi đến các cuộc họp trong mùa đông giá lạnh của Thụy Sĩ do hệ thống sưởi bị giảm công suất. Thậm chí, UN đã phải giảm bớt số lượng phiên dịch viên và kỹ thuật viên để tiết kiệm chi phí.

Liên Hiệp Quốc hết tiền, hội nghị trở thành cái chợ, không mic không màn hình, đại biểu phải tự mang máy sưởi đến - Ảnh 3.

"UN hiện đang gặp áp lực trong rất nhiều năm để giảm hơn nữa các chi phí. Đến một mức độ nào đó, chúng tôi hiện đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn", Giám đốc điều hành hội nghị Corinne Momal-Vanian của Liên Hợp Quốc ở Geneva thừa nhận.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng những tiết kiệm này chẳng đáng là bao so với chi phí hoạt động 14 triệu USD/năm của trụ sở và chúng chỉ nhằm thúc ép các đại biểu đóng góp thêm tiền cho UN để có thể cải thiện tình hình.

Thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng những cuộc họp về vũ khí hạt nhân có lẽ chẳng cần phải tổ chức khi các nước chính trong cuộc chưa đạt được thỏa thuận, hay những hội nghị về vũ khí là không cần thiết khi các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới chắc chắn không chịu từ bỏ thị trường.

Chuyên gia Mary Wareham của tổ chức CSKR mỉa mai rằng những cuộc họp của UN ngày nay chả khác gì những hội nghị "thây ma" khi các đại biểu ngồi trong một trụ sở cũ kỹ mà chẳng giải quyết được vấn đề gì.


AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Link gốc: http://nhipsongkinhte.ttvn.vn/thoi-su/lien-hiep-quoc-het-tien-hoi-nghi-tro-thanh-cai-cho-khong-mic-khong-man-hinh-dai-bieu-phai-tu-mang-may-suoi-den-52019201215519961.htm