40% dư nợ là cho vay bất động sản và nhà ở là một con số khổng lồ biết nói ở Techcombank. Dù là ngân hàng có tổng dư nợ chỉ hơn 164 nghìn tỷ nhưng Techcombank đang chiếm thị phần thứ 2 toàn thị trường về cho vay liên quan bất động sản.
Trong một báo cáo do Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) cho thấy, trong nhóm các ngân hàng TMCP, TCB là ngân hàng đứng thứ 5 về tổng tài sản sau STB, SHB, ACB và MBB nhưng đứng thứ 1 về lợi nhuận với mạng lưới hoạt động gồm 315 chi nhánh và phòng giao dịch cùng 1.117 ATM phủ khắp toàn quốc.
Sở hữu 35% lượng khách hàng cao cấp tại Việt Nam nhờ sự đa dạng trong sản phẩm và dịch vụ
Khách hàng của TCB hiện được chia thành 3 nhóm chính là nhóm doanh nghiệp lớn (WB), khách hàng cá nhân (PFS) và các doanh nghiệp khác (BB). Mặc dù cơ cấu cho vay trên thị trường 1 tương đối cân bằng giữa khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, nguồn vốn huy động của TCB hiện tập trung ở nhóm PFS với lượng tiền gửi huy động từ nhóm này chiếm 74,3% tổng nguồn vốn huy động từ thị trường 1 của TCB, trong đó 66% đến từ những khách hàng có thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng. Đây là một trong những điểm khác biệt rất lớn so với những ngân hàng khác trong hệ thống hướng đến độ phủ rộng của sản phẩm dịch vụ cũng như các nhóm khách hàng ở phân khúc trung cấp. Nhóm PFS cũng là nhóm đóng góp nhiều nhất vào tổng thu nhập hoạt động và thu nhập hoạt động dịch vụ của TCB trong năm 2017 với tỷ lệ lần lượt là 37,8% và 51,8%.
Ngân hàng đứng thứ 2 trong hệ thống về cho vay bất động sản
Cho vay phát triển bất động sản và cho vay mua nhà hiện đóng góp 40% tổng dư nợ cho vay của TCB. Xét riêng về cho vay mua nhà, TCB chiếm 16% thị phần, đứng thứ 2 trong hệ thống sau BID. Riêng về phân khúc cao cấp và sang trọng, TCB nắm 31% thị phần trên thị trường Hồ Chí Minh & Hà Nội. Giá trị bình quân mỗi khoản vay của TCB là khoảng 2,6 tỷ đồng. Sự tập trung vào lĩnh vực cho vay bất động sản xuất phát từ mô hình kinh doanh theo chuỗi của TCB với sự thành công đặc biệt của chuỗi giá trị trong ngành bất động sản với Vingroup cùng hàng loạt dự án nhà ở của tập đoàn này trong những năm vừa qua.
Thị phần số 1 về môi giới trái phiếu doanh nghiệp
Tỷ trọng các khoản vay dài hạn của TCB tăng từ 24% năm 2014 lên 32% năm 2015 do tăng mạnh các khoản cho vay bất động sản (gồm cả cho vay phát triển dự án và cho cá nhân vay mua nhà) và sau đó duy trì xung quanh 31-34% trong 2016-2017 khi TCB chủ động cơ cấu để hạn chế rủi ro liên quan đến các khoản nợ dài hạn. Cụ thể là thay vì giải ngân những khoản vay dài hạn lớn, TCB tư vấn cho các khách hàng vay vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Khoảng 82% lượng trái phiếu doanh nghiệp được phân phối cho các khách hàng trong hệ sinh thái của TCB và các tổ chức tài chính khác. Nhờ đó, TCB hạn chế được rủi ro nhưng vẫn duy trì được nguồn thu nhập ổn định từ phí bảo lãnh phát hành và phí phân phối trái phiếu. Năm 2017, tổng doanh thu phí liên quan đến phát hành trái phiếu đạt 571 tỷ đồng (tăng 21% so với 2016), đóng góp 24% vào tổng thu nhập dịch vụ của TCB.
Đứng đầu trong lĩnh vực bancassurance tại Việt Nam
TCB đứng đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancasurance tại Việt Nam với 25% thị phần tại 31/3/2018. Điểm đáng lưu ý là TCB đã triển khai hoạt động bancasurance khi chưa có nhiều ngân hàng mặn mà với hoạt động này. Trước đây, Manulife có 4 đối tác ngân hàng là Techcombank, SCB, VPbank và ANZ nhưng hầu như toàn bộ doanh thu phí bảo hiểm qua kênh banca (95%) của Manulife đều đến từ Techcombank và tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trong 2016-2017 đều ở mức cao.
Liên kết với Vingroup giúp Techcombank vượt trội trong mảng cho vay bất động sản và mang về lợi nhuận cao
Trở lại với khoản liên quan đến cho vay bất động sản và nhà ở. Theo các chuyên gia của BVSC, sự tập trung vào lĩnh vực cho vay bất động sản của TCB xuất phát từ mô hình kinh doanh theo chuỗi với sự thành công đặc biệt của chuỗi giá trị trong ngành bất động sản với Vingroup cùng hàng loạt dự án nhà ở của tập đoàn này trong những năm vừa qua.
BVSC cũng nhận xét, có thể thấy rất rõ vai trò của Vingroup đối với sự tăng trưởng về khách hàng cũng như lợi nhuận của TCB thời gian qua. Các chuỗi giá trị mà TCB lựa chọn hiện tại bao gồm: bất động sản, bán lẻ, du lịch và giải trí, ô tô phụ tùng xe máy và dịch vụ tài chính. Ngoài chuỗi cuối cùng, tất cả các chuỗi còn lại đều là những lĩnh vực có sự tham gia của Vingroup.
Các chuyên gia đánh giá, khả năng mở rộng danh mục khách hàng hiện tại cũng như danh mục cho vay, CASA của Techcombank phụ thuộc nhiều vào các dự án bất động sản của Vingroup. Danh mục dự án đang phát triển hiện nay của Vingroup gồm 26 dự án đang phát triển, trong đó 21 dự án có thời gian mở bán trong 2018-2019. Riêng đối với Vincity là nhóm dự án nhà ở dành cho phân khúc thu nhập trung bình và thấp với khoảng 200.000 – 300.000 căn hộ trong vòng 5 năm tới, tổng giá trị các khoản vay có thể đạt 98.000 – 178.500 tỷ đồng.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm TCB mới tăng trưởng tín dụng khoảng 4% nhưng BVSC cho rằng mục tiêu tăng trưởng 15% cả năm vẫn hoàn thành và giữ tốc độ như vậy trong năm 2019 nhờ đẩy mạnh cho vay bất động sản với các dự án của Vingroup. Cụ thể, trong nửa cuối năm nay Vingroup có kế hoạch mở bán khoảng 45.000 căn tại 9 dự án khác nhau (tổng giá trị hợp đồng ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng, bao gồm 3 dự án Vincity (một tại TPHCM và hai tại Hà Nội) trong Q3/2018; 3 dự án Vinhomes (hai tại Hà Nội và một tại Hải Phòng) trong Q4/2018 và 3 dự án đã được mở bán trong nửa đầu 2018 sẽ được mở bán giai đoạn tiếp theo ở nửa cuối năm.
Nhờ có tín dụng tăng trưởng tốt, nhất là mối liên kết với Vingroup nên BVSC tin rằng đó là một trong những cơ sở để lợi nhuận sau thuế của TCB sẽ đạt 8.243 tỷ đồng và 9.022 tỷ đồng trong năm nay và năm 2019, tăng trưởng lần lượt 27,8% và 9,5% so với cùng kỳ năm trước.