Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Liên tiếp phát hiện sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất: Cách nào bịt lỗ hổng?

26/02/2022 06:44

Để siết hoạt động đấu giá đất, Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 02 hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Đây được coi như một động thái nhằm bịt lỗ hổng trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) vừa ban hành Kết luận thanh tra số 05 về việc thanh tra đột xuất việc tổ chức bán đấu giá tài sản của Cty đấu giá hợp danh Đông Á (trụ sở tại B36 ngõ 74 phố Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, cơ quan này đã làm rõ hàng loạt vi phạm trong việc tổ chức bán đấu giá đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Cụ thể, ngày 25/9/2021 diễn ra cuộc đấu giá đối với 48 thửa với sự tham gia của 76 khách hàng. Kết luận thanh tra phát hiện Công ty đấu giá hợp danh Đông Á ban hành quy chế cuộc đấu giá có nội dung không đúng; không thông báo công khai ít nhất 2 lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá về việc thay đổi nội dung đấu giá đã được niêm yết, thông báo công khai, vi phạm Luật Đấu giá tài sản.

Đáng chú ý, Công ty đấu giá hợp danh Đông Á đã chấp nhận cho một số người đăng ký tham gia đấu giá cùng một thửa đất nộp tiền đặt trước cho nhau là chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản.

daugia-2073

Phát hiện lô đất đấu giá sai phạm tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Đình Phong

Trước đó, một vụ việc khiến dư luận đặc biệt quan tâm về đấu giá đất tại khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cũng bị cơ quan chức năng phát hiện. Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Vimedimex và 7 bị can về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sớm sửa đổi chính sách phù hợp

Đại diện UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện đang hoàn thiện báo cáo liên quan đến nội dung đấu giá đất gửi đến Cục Bổ trợ tư pháp và đề nghị đơn vị này xem xét tạo điều kiện để không hủy kết quả đấu giá của các thửa đất như nêu trong kết luận. Về lý do hợp thức hóa các lô đất, đại diện huyện cho rằng: "Hiện tất cả các thửa đất này người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Có trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và có cả trường hợp chuyển nhượng. Do đó nếu hủy kết quả đấu giá rất phức tạp".

Được biết, nội dung sai sót là trong thủ tục đấu giá, không ảnh hưởng đến kết quả chung, huyện cũng đã xác định sai sót của cán bộ Trung tâm Quỹ đất để đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

"Hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, cả tình trạng đấu thầu, đấu giá thuê rồi dàn xếp bỏ thầu là khá phổ biến. Nó như căn bệnh nan y không thể chữa khỏi bởi giá trị, lợi nhuận cực lớn trong lĩnh vực này. “Quân xanh, quân đỏ” kéo dài, gây bức xúc bởi chế tài của chúng ta không đủ mạnh. Ngoài ra, trình tự thủ tục về giám sát của các cơ quan pháp luật chưa chặt chẽ”, ông Cận nhận xét. - Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Luật Đất đai năm 2013 giao cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai chủ trì trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao, cấp đất... và chủ trì trong cả nội dung xác định giá đất dễ phát sinh tiêu cực, không khách quan. Theo chuyên gia Ngô Trí Long, để đảm bảo nguyên tắc phù hợp với giá phổ biến của thị trường, Luật Đất đai sửa đổi cần xem xét để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự xác định giá đất phù hợp với giá thị trường.

Ngoài ra, cần hoàn thiện các phương pháp về xác định giá đất, thẩm định giá đất theo quy định của Luật Giá và Luật Đất đai nhằm đảm bảo tính nhất quán, thống nhất giữa hệ thống phương pháp định giá chuyên ngành với nguyên tắc, tiêu chuẩn được quy định tại Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Để siết hoạt động đấu giá đất, Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 02 hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Trong đó có 6 nhóm tiêu chí để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản gồm: Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; năng lực, kinh nghiệm và uy tín; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp; có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố; tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá.

Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền phối hợp cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản khi có yêu cầu của người có tài sản đấu giá trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Đồng thời giúp UBND tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2022.

Theo Trần Hoàng/Nhà đầu tư