Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, bằng 139% cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành bất động sản chiếm ưu thế với tỷ trọng 66,75%; tiếp theo là ngành tài chính ngân hàng (19,06%) và sản xuất công nghiệp (9%).
Con số trên được đưa ra trong Báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Diễn đàn mua bán, sáp nhập Việt Nam (MAF), trong đó hầu hết giao dịch trong lĩnh vực bất động sản hướng tới các dự án bất động sản ở khu vực thành thị lớn hoặc đô thị mới phát triển, nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, các khách sạn ở vị trí trung tâm.
Trước đó, trong năm 2017, ngành bất động sản chỉ đứng thứ hai về tỷ trọng giá trị M&A, đạt 27%. Theo các chuyên gia của MAF, những ngành đang được quan tâm và M&A nhiều nhất hiện nay là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận thị trường 95 triệu dân của Việt Nam.
Nhận định về thị trường bất động sản nửa đầu năm 2018, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho rằng nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường trong nước theo chiều hướng tích cực và thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI. Đây là sự khởi đầu khá thuận lợi cho năm 2018 với những diễn biến đầy hứa hẹn trên mọi phân khúc bất động sản.
Có thể thấy các hoạt động M&A đang diễn ra khá sôi động. Trong đó đáng chú ý là giao dịch của Nomura Real Estate (Nhật Bản) mua 24% quyền sở hữu tại Sunwah Tower, một tòa nhà văn phòng hạng A có tổng diện tích sử dụng lên đến 20.800 m2 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Tòa nhà Sun Wah có vị trí đắc địa và khách thuê đa số là doanh nghiệp nước ngoài.
Ngay từ đầu năm, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mở hàng M&A bất động sản 2018 bằng một thương vụ đình đám khi chi số tiền lớn cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long để nắm giữ 50% vốn của Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư sở hữu Dự án Khu đô thị Splendora có tổng diện tích 264 ha, tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Cũng vào tháng 3 vừa qua, CapitaLand đã mua lại khoảng 0,9 ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án này bao gồm 380 căn hộ, khoảng 21.400 m2 văn phòng và hơn 19.300 m2 diện tích bán lẻ. Thương vụ này sẽ mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 dự án phát triển khu dân cư, một khu phức hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ tại sáu thành phố của Việt Nam.
Keppel Land, một nhà đầu tư Singapore, mới đây cũng đã mua 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited tại dự án Saigon Sports City, trị giá khoảng 11,4 triệu USD. Với diện tích 64ha, dự án này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp và đầy đủ cơ sở hạ tầng cho các hoạt động thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.
Đáng chú ý, tháng 4/2018, Vinhomes và một công ty thành viên khác của tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore. Theo đó, GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỉ USD dưới hai hình thức là mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án bất động sản.
Theo tìm hiểu, GIC là một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam với các khoản đầu tư vào các "ông lớn" như Masan Group, Vietjet Air, Vinamilk, FPT, PAN Group, Vinasun... Theo tính toán, tổng giá trị các khoản đầu tư này khoảng gần 15.000 tỉ đồng.
Mới đây nhất, Frasers Property, cánh tay đầu tư của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mới thông báo đạt được thỏa thuận mua lại Công ty Bất động sản Phú An Điền (PAD)- thành viên của Công ty bất động sản Trần Thái.
Thương vụ này có giá trị khoảng 47,3 triệu USD giúp Frasers Property nắm giữ 75% cổ phần của PAD. Được biết, PAD đang phát triển dự án căn hộ kết hợp với thương mại tại phường Linh Trung, Thủ Đức. TP.HCM.
Cách đây không lâu, Frasers Property cũng chi ra 18 triệu USD để thâu tóm một dự án của Trần Thái tại Quận 2. Như vậy, chỉ tính riêng thị trường TP.HCM, Frasers Property đang sở hữu đến 3 dự án nhà ở thông qua con đường thâu tóm. Tất cả chúng đều nằm ở khu Đông Thành phố.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc hạn chế cho vay bất động sản, kiểm soát nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước đã buộc các nhà đầu tư trong nước tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có M&A. Trong khi đó, dưới con mắt của các nhà đầu tư ngoại, lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, mức sinh lợi cao khi so sánh với các thị trường trong khu vực.
Với diễn biến hiện nay, theo dự báo từ giới chuyên môn, năm 2018 sẽ là một năm kỷ lục mới cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Hình thức đầu tư này ngày càng trở nên phổ biến, khi nó kết hợp được thế mạnh của cả hai bên nhà đầu tư nước ngoài với khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm trong khi các doanh nghiệp địa phương sở hữu quỹ đất lớn và am hiểm về trình tự, thủ tục đầu tư…
Hơn nữa, chính sách mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng sẽ tạo ra sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản một cách mạnh mẽ.
Ông Eric N Solberg, Chủ tịch và Giám đốc điều hành EXS Capital cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài hiện không chỉ tập trung vào phân khúc bất động sản hạng sang, mà còn phát triển sang các phân khúc khác, như văn phòng cho thuê, bất động sản bán lẻ và nhà ở vừa túi tiền.
Theo Nguyên Minh/Nhịp Sống Kinh Tế