Lo giá bất động sản “hạ nhiệt" vì dịch, nhà đầu tư ngậm ngùi bán tháo

30/03/2020 10:00

 Trước tâm lý lo ngại về dịch bệnh bùng phát, kéo dài, nhiều nhà đầu tư bất động sản bắt đầu nản chí và quyết định bán tháo, thu hồi vốn. >>Bất động sản trước cú sốc Covid-19: Phân khúc nào chịu “sóng gió” nhất?

Trước tâm lý lo ngại về dịch bệnh bùng phát, kéo dài, nhiều nhà đầu tư bất động sản bắt đầu nản chí và quyết định bán tháo, thu hồi vốn.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản “khó chồng khó", khả năng phục hồi được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ chậm hơn rất nhiều.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản “khó chồng khó", khả năng phục hồi được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ chậm hơn rất nhiều.)

Giá bất động sản sẽ sớm “hạ nhiệt”?

Ngay từ cuối năm 2019, nhiều chuyên gia cùng báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu bất động sản đã nhận định thị trường sẽ tiếp tục gặp khó do vấn đề thiếu hụt nguồn cung hay những yếu tố về pháp lý...

Nếu có khởi sắc, họ cho rằng ít nhất phải từ cuối năm 2020 trở đi. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản “khó chồng khó", khả năng phục hồi được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ chậm hơn rất nhiều.

Trước tâm lý lo ngại về dịch bệnh bùng phát, kéo dài, nhiều nhà đầu tư bắt đầu nản chí và quyết định bán tháo, thu hồi vốn. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, xu hướng bán tháo, cắt lỗ sản phẩm ở nhiều loại hình, phân khúc đã diễn ra từ đầu năm và tăng mạnh vào sau Tết khi dịch bệnh bùng phát.

Anh Văn Ánh, môi giới bất động sản khu vực Hà Đông cho biết, thời điểm này có khá nhiều nhà đầu tư gọi điện nhờ anh “đẩy hàng". Theo anh này, giá cả họ đưa ra có phần “mềm” hơn so với thời điểm cuối 2019. Trong khi thời điểm trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, anh Ánh cho biết lượng hàng chào bán ở phân khúc đất nền ở khu vực này không nhiều.

Chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, ở thời điểm này nhà đầu tư đã và đang nắm giữ nhiều bất động sản cần cơ cấu lại danh mục xem bất động sản nào nên giữ, nên bán hoặc nếu sản phẩm đó kinh doanh được thì cần phải dựa trên mục tiêu, mong muốn và đặc biệt là nguồn tiền của các nhà đầu tư.

Nếu nguồn tiền của nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính có thể giữ bất động sản ở mức dài hạn hơn. Trong ngắn hạn có thể sẽ không thể tăng như kỳ vọng. Nếu trường hợp sử dụng vốn vay thì có thể tính tới việc bán, thậm chí là chấp nhận cắt lỗ để thu tiền về.

Còn với nhà đầu tư có ý định vào thị trường ở thời điểm này thì vị chuyên gia cho rằng nên cân nhắc các sản phẩm giá tốt, có tiềm năng khả quan.

Nói với Dân trí, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Batdongsan.com.vn cho biết mặt bằng giá bất động sản đã được đẩy lên rất cao trong khoảng thời gian từ 2-3 năm trở lại đây.

“Dưới sự tác động của dịch bệnh sẽ đưa về lại giá trị thực. Trong ngắn hạn giá sẽ thay đổi và điều chỉnh về lại mức hợp lý và đó chính là thời điểm các nhà đầu tư có thể cân nhắc việc mua đầu tư cho thuê (làm homestay, co-working, văn phòng) trong thời điểm này khi mà mọi sinh hoạt chưa ổn định, du lịch đi xuống, nhiều công ty cho làm việc tại nhà”, ông Tuấn đưa lời khuyên.

Trả lời câu hỏi có nên tìm kiếm cơ hội “bắt đáy thị trường" trong mùa dịch, ông Tuấn nói: “Người mua nên cân nhắc và có những quyết định hợp lý khi đầu tư trong thời điểm này. Tránh những thông tin không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyết định của bản thân”.

Có khó để đẩy hàng thời điểm này?

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, các dấu hiệu khó khăn lan rộng trong lĩnh vực đầu tư sẽ buộc nhiều chủ đầu tư phải quyết định chờ đợi cho đợt khủng hoảng này trôi qua nếu tài sản và tiềm lực tài chính của họ vẫn trong khả năng kiểm soát.

Trái lại, với các doanh nghiệp không đủ sức cầm cự qua khó khăn, họ sẽ buộc phải bán đi các tài sản sẵn có. Đây có thể là nguyên nhân của một số thương vụ mua bán và chuyển nhượng dự án, tài sản ở quy mô lớn trong thời gian tới.

Ở phân khúc đầu tư nhỏ lẻ, nhiều người chấp nhận việc bán tháo, cắt lỗ đẩy hàng thời điểm này nhưng cũng không hề suôn sẻ. Anh Nam - một môi giới bất động sản cho biết, vào thời điểm này, hầu hết, khách hàng rất ngại đi xem hàng tại thời điểm này. Trong khi đó, muốn bán được bất động sản thì việc gặp trực tiếp là dễ nhất. Bởi muốn bán được hàng, môi giới phải có thời gian trao đổi cặn kẽ, tư vấn từ tài chính đến khả năng sinh lời hoặc chất lượng sản phẩm...

“Do sự tương tác không cao nên việc bán ra rất chậm. Thị trường đang khó khăn, dịch bệnh lại bùng phát nên đâu còn mấy ai quan tâm đến bất động sản, có muốn bán hàng nhanh cũng không được”, anh Nam cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đây là một giai đoạn hết sức khó khăn, khác thường của thị trường bất động sản tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

“Tâm lý khách hàng và nhà đầu tư nhà đang xuống rất thấp. Thị trường bất động sản đã thiếu nguồn cung cho người có nhu cầu thật một cách trầm trọng, nay lại có thêm dịch bệnh Covid-19 làm mọi khách hàng dường như không muốn ra đường, tránh những nơi đông người và không có một chút động lực để tìm hiểu về dự án”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng cũng nên cẩn trọng bởi các thông tin cắt lỗ thời điểm này. Bởi từ trước đến nay không thiếu tình trạng môi giới “treo đầu dê bán thịt chó”, rao bán cắt lỗ để thu hút khách nhưng thực tế giá không có gì thay đổi.

Bên cạnh đó, nhiều đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, đất nền hoặc các sản phẩm bất động sản khác nếu không chịu áp lực từ đòn bẩy tài chính, phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ không có ý định giảm giá để kích cầu. Đó cũng là lý do vì sao giá một số phân khúc bất động sản không những giảm mà còn có xu hướng tăng tại một số nơi.

Nguyễn Mạnh

Nguồn Dân Trí: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/lo-gia-bat-dong-san-ha-nhiet-vi-dich-nha-dau-tu-ngam-ngui-ban-thao-20200322232403943.htm