Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Lỗ triền miên, âm vốn chủ sở hữu, Đại Nam của ông Dũng 'lò vôi' vẫn 'hút' 180 tỷ đồng trái phiếu

16/12/2021 08:42

Kết thúc năm 2020, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Đại Nam đã âm gần 344 tỷ đồng, đó là hệ quả sau nhiều năm liên tục thua lỗ của doanh nghiệp.

Lỗ triền miền, âm vốn chủ sở hữu, Đại Nam của ông Dũng 'lò vôi' vẫn 'hút' 180 tỷ đồng trái phiếu

Lỗ triền miên, liên tục âm vốn chủ sở hữu, Đại Nam của ông Dũng 'lò vôi' vẫn 'hút' 180 tỷ đồng trái phiếu

180 tỷ đồng trái phiếu "đổ về" khu công nghiệp Sóng Thần 3

Mới đây, Công ty Cổ phần Đại Nam (viết tắt là Đại Nam), cơ nghiệp của vợ chồng doanh nhân ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") và bà Nguyễn Phương Hằng đã huy động thành công 180 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm. Lãi suất phát hành thực tế đối với kỳ đầu tiên là 10%/năm, các kỳ tiếp theo lãi suất bằng tổng của 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ điều chỉnh lãi suất đó, nhưng không thấp hơn 10%/năm.

Lô trái phiếu của Đại Nam có kỳ hạn 5 năm, ngày đáo hạn là 30/11/2026. Đại Nam cho biết, mục đích gọi vốn là để đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê số 2 thuộc khu công nghiệp Sóng Thần 3, phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất toạ lạc tại khu nhà ở Đại Nam, thuộc sở hữu của doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương.

Trái chủ duy nhất là 1 tổ chức tín dụng trong nước, song phía Đại Nam không công bố cụ thể. Thương vụ này được thu xếp bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Động thái huy động vốn của Đại Nam diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh vô cùng "bi đát", các khoản lỗ ngày càng chồng chất khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh mất vốn.

Bên cạnh đó, những "lùm xùm" xoay quanh câu chuyện từ thiện, tố cáo giữa bà Nguyễn Phương Hằng và một số nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng là vấn đề "nóng" trong những tháng gần đây khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước.

Lỗ triền miên, liên tục âm vốn chủ sở hữu 

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đại Nam là doanh nghiệp khá nhiều năm tuổi, được thành lập từ tháng 3/1996, tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ.

Đến cuối năm 2020, Đại Nam có vốn điều lệ đạt 207 tỷ đồng, trong đó tới hơn 99% thuộc sở hữu của ông Huỳnh Uy Dũng (1961), cũng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc doanh nghiệp.

Đại Nam đăng ký tới 128 ngành nghề kinh doanh, trong đó kinh doanh địa ốc, nhà xưởng, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu công nghiệp (thực hiện theo quy hoạch) là chính.

Đại Nam là pháp nhân gắn liền với khu du lịch Đại Nam (hay khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến) rộng 450ha tại tỉnh Bình Dương, ước tính kinh phí xây dựng lên tới 6.000 tỷ đồng. Cũng tại địa phương này, Đại Nam còn là chủ đầu tư các khu công nghiệp gồm Sóng Thần 1, 2 và 3 với quy mô tầm cỡ.

Thông tin mà VietnamFinance có được cho thấy, giai đoạn 5 năm trở lại đây (2016-2020), tình hình làm ăn của Đại Nam tỏ ra rất kém tích cực. Về doanh thu, Đại Nam lần lượt mang về 372,8 tỷ đồng, 405,3 tỷ đồng, 454 tỷ đồng, 408,6 tỷ đồng và gần 320 tỷ đồng.

Mặc dù có biên lợi nhuận gộp rất tốt, bình quân lên tới 89% và không phát sinh chi phí lãi vay, song Đại Nam vẫn liên tục thua lỗ trong suốt cả giai đoạn này. Cụ thể, Đại Nam chịu lỗ sau thuế lần lượt 50,7 tỷ đồng, 104,9 tỷ đồng, 83,7 tỷ đồng, 154 tỷ đồng, 148,5 tỷ đồng.

Hệ quả tất yếu của việc thua lỗ triền miên là vốn chủ sở hữu liên tục bị bào mòn. Bắt đầu từ năm 2018, Đại Nam chính thức rơi vào cảnh mất vốn khi âm vốn chủ sở hữu tới 38,1 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn duy trì ở mức 45,6 tỷ đồng.

Không thể cải thiện tình hình kinh doanh ở những năm kế tiếp, các khoản lỗ ngày càng "phình to" lại đè nặng thêm nữa và tới cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Đại Nam đã âm gần 344 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu tâm, đó là khối nợ phải trả cũng cứ thế tăng lên nhanh chóng, ghi nhận lần lượt là 3.383 tỷ đồng, 3.637 tỷ đồng, 5.112 tỷ đồng, 4.670 tỷ đồng và 6.538 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu là các khoản nợ dài hạn.

Nhằm huy động thêm nguồn lực "nuôi" hoạt động kinh doanh, từ năm 2020, Đại Nam bắt đầu đẩy mạnh vay nợ dài hạn, với 541,4 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều mức 3 tỷ đồng cùng kỳ.

Theo đó, động thái phát hành trái phiếu lần đầu tiên của Đại Nam vừa qua cũng là tín hiệu cho thấy nguồn lực của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Ngoài Đại Nam, hệ sinh thái của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng còn rất nhiều cái tên đáng chú ý khác. Tiêu biểu như Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần tiên, Công ty TNHH MTV Tân Khai.

Theo Việt Anh/VietnamFinance