Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Lỗi hẹn gần 20 năm, TP.HCM chưa trở thành trung tâm tài chính quốc tế vì đâu?

18/07/2019 08:15

Vấn đề đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế ngang tầm Hong Kong, Singapore đã được đặt ra từ 15-20 năm nay, nhưng câu chuyện này hiện vẫn chỉ để... bàn tán.

Vấn đề đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế ngang tầm Hong Kong, Singapore đã được đặt ra từ 15-20 năm nay, nhưng câu chuyện này hiện vẫn chỉ để... bàn tán.

Ảnh minh họa.

Lỗi hẹn gần 20 năm vì thiếu cơ chế

Phát biểu tại hội thảo “Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM đã có những tiền đề quan trọng để tăng trưởng, phát triển thành thị trường tài chính từ năm 2001. Lúc đó, TP.HCM đã xác định tài chính là 1 trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố.

Đến nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân 8,8%/năm và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của TP.HCM. Ngành tài chính giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm; đồng thời đóng góp khá nhiều về cơ chế, chính sách cho quá trình hội nhập quốc tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Song, nhìn chung thị trường tài chính TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn. Lực cản lớn nhất là TP.HCM chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân thành phố và hơn 7 triệu khách quốc tế.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: UB.

“Việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”, ông Nguyễn Thành Phong nhận xét.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2002, Nghị quyết 20/BCT của Bộ chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực (ASEAM). Nội dung này được tái khẳng định tại Nghi quyết 16/ BCT về thành phố năm 2012.

Với vị trí địa lý trời cho, TP.HCM cũng có vị trí, vai trò thuận lợi và quan trọng trong việc nối Tây Nguyên, Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL cũng như nối những trung tâm tài chính trong khu vực tốt nhất. Nếu trở thành trung tâm tài chính sẽ rất tốt cho TP.HCM, vì “thóc đến đâu, bồ câu đến đó”, TS. Trần Du Lịch ví von.

Tuy nhiên, cho đến nay mọi ý tưởng xây dựng TP. HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò này còn giảm dần. Chẳng hạn, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước, tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn TP.HCM so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội là 34%.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: "Cho đến nay mọi ý tưởng xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò này còn giảm dần" - Ảnh: UB.

“Dường như ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính TP.HCM theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây và càng mờ nhạt về phương diện chính sách khi Chính phủ quyết định sáp nhập 2 Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, đặt trụ sở tại Hà Nội (QĐ số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019)”, ông Lịch nhấn mạnh.

Nếu lưỡng lự, tốt nhất không nên làm gì

Vậy TP.HCM sẽ trở thành Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) hay không? Nếu có thì sẽ được xây dựng trở thành theo mô hình nào?

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, rất khó để nhận diện yếu tố nào là cốt lõi và bất biến để hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế (IFC). Theo mô hình Anh, Mỹ hay Nhật, hoặc tiếp cận theo dạng thiết lập IFC trong một Khu kinh tế đặc biệt (như Thượng Hải, Dubai, Ấn Độ)? Cho dù theo cách tiếp cận nào thì bài học thất bại từ các IFC tên tuổi sẽ là kinh nghiệm cho người đến sau.

Trước hết cần lưu ý, nếu chỉ có một tầm nhìn vượt thời gian không thôi vẫn chưa đủ. Hàn Quốc đã cho toàn thế giới thấy họ có một tầm nhìn vượt thời gian như thế nào trong kế hoạch phát triển IFC. Tuy nhiên, cách triển khai quá thận trọng khiến cho IFC Seoul ngày càng tụt hậu so với Thượng Hải, Singapore. Trong khi đồng nhân dân tệ và đô la Singapore đang từng bước chuyển đổi mạnh mẽ thành đồng tiền quốc tế, thì won Hàn Quốc vẫn án binh bất động. Hóa ra càng thận trọng với các rủi ro mơ hồ nào đó, Hàn Quốc lại càng gánh chịu thêm các rủi ro mới nghiêm trọng hơn nhiều (các quỹ đầu tư quốc tế rút lui, các công ty Fintech giảm hoạt động).

Ở một thái cực khác, Nhật có đủ những điều kiện mà nhiều IFC khác không có (nền kinh tế mạnh thứ 3 thế giới, đồng tiền quốc tế chuyển đổi) nhưng IFC Tokyo xem ra đang dần mất sức cạnh tranh. Nghịch lý thay, đó là do Nhật chưa có một thị trường trái phiếu đa dạng hóa, cũng như thiếu các kế hoạch bài bản để phát triển ngành công nghệ tài chính Fintech (và một số yếu tố khác về nhân khẩu học...).

Sự lưỡng lự của kẻ này là cơ hội không thể tốt hơn đến với kẻ khác. Tận dụng cơ hội không thể tốt hơn, Hội đồng tiền tệ Singapore cam kết chi 225 triệu đô la cho các sáng kiến Fintech. Hong Kong cũng có những sáng kiến tương tự. Trong thế giới mà các luồng tài chính vận động cực nhanh như ngày nay, lập tức có đến 122 công ty nước ngoài đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo chuyển sang các IFC Singapore, Hong Kong, New York (từ 127 công ty nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo năm 2012, chỉ còn 5 công ty năm 2017).

"Những bài học thất bại về sự lưỡng lự của các nước cho thấy, nếu không dám đặt chiến lược phát triển IFC ở tầm quốc gia, xin hãy đừng nói đến tầm nhìn xa vài chục năm, mà hãy cứ mãi lên các kế hoạch ăn đong từng năm theo tư duy nhiệm kỳ cho mọi thứ đều an toàn. Với câu thần chú ổn định vĩ mô, ta sẽ dễ dàng bác bỏ tất cả các ý tưởng đột phá", GS.TS Trần Ngọc Thơ nói.

Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, cần “một vụ nổ lớn” – Big Bang

GS.TS Trần Ngọc Thơ cũng gợi ý, với những bất cập về thể chế hiện hành mà còn rất lâu nữa mới có thể khắc phục, có thể cần đến một cách tiếp cận theo kiểu một vụ nổ lớn (Big Bang). Thiết lập Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) trong một đặc khu kinh tế đặc biệt tại TP.HCM với những chuẩn mực đẳng cấp quốc tế cao nhất. Tại sao không?

Câu hỏi tối quan trọng duy nhất được đặt ra: “Có khả thi để tạo ra một Trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế Việt Nam?”. Với tất cả những thiên thời, địa lợi nhân hòa, và với các kế hoạch bài bản đã được ấp ủ từ hơn một thập niên qua, TP.HCM hoàn toàn có khả năng và xứng đáng trở thành một IFC của Việt Nam.

Trung tâm tài chính quốc tế ở các nước luôn là câu chuyện chính sách tầm quốc gia. Điều này đòi hỏi phải có được một sự ủng hộ tuyệt đối từ Trung Ương. Phát triển IFC cần nên được đặt ở tầm quốc sách, thể hiện trong việc chuẩn bị các đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sắp đến.

Một gợi ý khác, với những bất cập về thể chế hiện hành mà còn rất lâu nữa mới có thể khắc phục, có thể cần đến một cách tiếp cận theo kiểu một vụ nổ lớn (Big Bang). Thiết lập IFC trong một đặc khu kinh tế đặc biệt tại TP.HCM với những chuẩn mực đẳng cấp quốc tế cao nhất. Tại sao không?

Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) không những phục vụ dịch vụ tài chính cho các cư dân trong nước mà còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đó có thể là các IFC mang tính toàn cầu (Global Financial Center), hoặc khu vực (Regional Financial Center), hoặc chuyên biệt (Offshore Financial Center). IFC yêu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng vô cùng tinh vi, phức tạp, như hệ thống công nghệ thông tin, vận chuyển hàng không, dịch vụ tài chính kế toán, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.

IFC như là một thiên đường để tất cả các bên liên quan trên toàn thế giới tập họp trao đổi các ý tưởng huy động được các khoản nguồn tài chính khổng lồ toàn cầu để đáp ứng các nhu cầu vốn lớn, chẳng những cho nước chủ nhà mà còn ở quy mô quốc tế. Vai trò của các IFC đối với tăng trưởng kinh tế hầu như đã được khẳng định. Tầm nhìn Việt Nam đến 2045 sẽ khó thành hiện thực nếu không huy động được các khoản tiết kiệm toàn cầu từ IFC cho cơ sở hạ tầng thiết yếu trong tương lai.

LINH LAN

Theo BizLIVE