Câu chuyện về lời hứa kéo dài 200 năm chưa dừng lại cũng như những mẩu chuyện dưới đây sẽ khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm thêm về lẽ sống ở đời.
1. Câu chuyện của một đứa trẻ
Bên bờ sông Hudson ở thành phố New York, Mỹ, cách lăng mộ Tổng thống thứ 18 của nước Mỹ - Ulysses S. Grant chưa đầy 100m, có một bia mộ của trẻ con. Bên cạnh ngôi mộ này có một tấm bia gỗ, trên đó có ghi một câu chuyện như thế này:
Vào ngày 15/7/1797, một em bé mới 5 tuổi không may rơi từ trên vách núi xuống dưới tử vong. Bố mẹ em bé vô cùng đau đớn, họ quyết định chôn cất và dựng bia mộ cho con ngay tại nơi em rơi xuống (đây cũng là phần đất của gia đình họ).
Tuy nhiên về sau, vì gia cảnh khó khăn, bố em bé đã mất không thể không chuyển nhượng mảnh đất này cho người khác. Anh đưa ra một yêu cầu đặc biệt với người chủ mới, đó là vĩnh viễn để ngôi mộ của con anh ở vị trí này.
Chủ mới của mảnh đất đồng ý với điều kiện trên và viết nó vào hợp đồng. 100 năm trôi qua, mảnh đất được chuyển qua tay nhiều đời chủ nhưng ngôi mộ của em bé thì vẫn nằm tại đó.
Năm 1897, mảnh đất này được chọn làm nơi an nghỉ cho Tổng thống Ulysses S. Grant nhưng ngôi mộ của em bé năm xưa vẫn được bảo lưu tại đó và trở thành "hàng xóm" với lăng mộ của ngài Tổng thống.
100 năm nữa lại qua đi, đến tháng 7/1997, vào dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng lăng mộ Ulysses S. Grant, song song với việc tưởng niệm vị tổng thống quá cố, thị trưởng thành phố New York đã cho tu sửa ngôi mộ của em bé và tự tay viết lại câu chuyện của em trên tấm bia gỗ, để câu chuyện này có thể lưu lại muôn đời.
Một thỏa thuận kéo dài 200 năm nói trên đã truyền đi một đạo lý thật đơn giản nhưng vô cùng đáng suy ngẫm ở đời: Đã hứa, nhất định phải giữ lời, phải thực hiện đến cùng!
2. Câu chuyện của một phụ nữ lớn tuổi
Một ngày mùa đông năm 1935, đó là khoảng tời gian mà nền kinh tế của nước Mỹ vô cùng ảm đạm. Hôm đó, một tòa án ở khu dân cư nghèo của thành phố New York đang xử một vụ án.
Đứng trên bục bị cáo là một người phụ nữ đã đến tuổi lục tuần. Quần áo bà lão rách rưới, nét mặt u sầu khổ sở nhưng người ta thấy toát ra từ gương mặt đó là sự hối hận nhiều hơn. Vì ăn trộm bánh mỳ mà chủ quán đã lôi bà ra tòa.
Thẩm phán hỏi: "Bị cáo, có đúng là bà ăn trộm bánh mì hay không?"
"Thưa vâng, tôi đúng là đã ăn trộm bánh mì" – bà lão cúi đầu giọng run rẩy.
Thẩm phán hỏi tiếp: "Động cơ ăn trộm bánh mì của bà là gì? Có phải bà quá đói?"
"Vâng" – bà cụ ngẩng đầu, hai mắt ngước nhìn quan tòa rồi nói tiếp: "Tôi đói lắm, nhưng tôi càng cần bánh mì để cho ba đứa cháu đã mất cả cha lẫn mẹ của tôi, đã mấy ngày nay chúng không có gì ăn. Tôi không thể ngồi đó nhìn chúng chết đói được. Chúng chỉ là những đứa trẻ thôi mà!"
Quan tòa gõ gõ chiếc búa gỗ, giọng nghiêm túc: "Yên lặng, sau đây là phán quyết."
Nói xong, ông quay người lại chỗ bà lão nói: "Bị cáo, ta buộc phải thi hành đúng quy định của pháp luật. Bà có hai lựa chọn, hoặc là nộp phạt 10 USD hoặc là lao động công ích 10 ngày."
Ảnh minh họa.
Nét mặt bà lão lộ rõ sự thống khổ và hối hận, đối diện thẩm phán, bà lí nhí trình bày: "Thưa thẩm phán, tôi phạm tội và sẵn sàng chấp nhận hình thức xử phạt của tòa. Nếu tôi có 10 USD, tôi đã không phải ăn trộm bánh mỳ. Tôi đồng ý sẽ lao động công ích, nhưng trong 10 ngày đó, 3 đứa trẻ của tôi không biết phải làm sao."
Lúc đó, một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi đứng lên và đi về phía bà lão, hơi cúi người xuống nói: "Xin hãy nhận hình phạt là nộp 10 USD."
Nói xong, ông ta quay người lại chỗ những người khác, rút ra 10 USD rồi bỏ vào cái mũ trên tay, nói: "Các vị, tôi là thị trưởng thành phố New York- Fiorello La Guardia, bây giờ, tôi xin các vị mỗi người bỏ ra 50 xu tiền phạt.
Đây là tiền phạt vì sự lãnh cảm, lạnh lùng của chúng ta, tiền này để phạt chúng ta đã sống trong một thành phố mà một người bà phải đi ăn trộm bánh mì để cứu những đứa cháu không bị chết đói."
Tại tòa, tất cả mọi người nghe xong đều kinh ngạc. Nhưng rồi từng người, từng người lặng lẽ đứng dậy, bỏ 50 xu vào chiếc mũ của ngài thị trường, cả thẩm phán cũng không ngoài lệ.
Về lý mà nói, người phụ nữ già ăn trộm bánh mì và bị phạt chẳng liên quan gì đến những người khác. Nhưng ngài thị trưởng đã chỉ ra một "từ khóa" – đó chính là tiền phí phải trả cho sự lạnh lùng của chúng ta.
Ông đã cho chúng ta biết, giữa người với người không tồn tại cái gọi là cô lập, không liên quan.
Đến với thế giới này, là con người trong xã hội, chúng ta luôn có sẵn những thỏa thuận: Sự qua lại về lợi ích vật chất luôn đi kèm với các thỏa thuận luật pháp; sự qua lại giữa hành vi luôn đi kèm với các thỏa thuận tinh thần.
Thiện không chỉ là phẩm chất đối nghịch với cái gọi là lạnh lùng, gian hiểm, tàn nhẫn, tư lợi cá nhân mà nó còn là một thỏa thuận, một lời hứa, một sự cam kết về mặt tinh thần.
3. Câu chuyện của một mục sư
Mục sư Martin Niemöller người Đức đã khắc một bài thơ ngắn trên Đài tưởng niệm Holocaust New England ở Boston, Massachusetts dành riêng cho người Do Thái đã bị Đức Quốc xã sát hại trong thời kỳ Holocaust:
Ở Đức, ban dầu họ truy sát những người theo chủ nghĩa cộng sản, tôi không nói gì, bởi tôi không phải là người theo chủ nghĩa cộng sản;
Tiếp đến họ truy sát những người Do Thái, tôi không nói gì, bởi vì tôi không phải là người Do Thái;
Về sau họ truy sát các thành viên công hội, tôi không nói gì, bởi vì tôi là tín đồ của đạo Tin lành;
Cuối cùng, họ truy sát tôi, và lúc này chẳng có ai đứng lên bênh vực hay bảo vệ tôi nữa.
Đây chính là kết cục cuối cùng của việc phản bội lại thỏa thuận tinh thần.
Đài tưởng niệm Holocaust New England ở Boston, Massachusetts, Mỹ.
Con người sống trên đời, ai cũng có thể gặp phải tình huống khó khăn, ai cũng có thể sẽ trở thành kẻ yếu, nếu như chúng ta bàng quan, khoanh tay đứng nhìn lúc người khác gặp khó khăn, thì thử hỏi ai có thể đảm bảo rằng mình không bao giờ phải nếm trái đắng của cái gọi là cô độc?
Lời bình
Chỉ có lương thiện, lòng người mới mong được ánh hào quang soi sáng, vì thế mà thỏa thuận về sự lương thiện mới luôn tồn tại khắp thế giới này.
Người biết tôn trọng thỏa thuận, tôn trọng lời hứa, đó là những người cao quý và người biết trả phụ phí cho sự lạnh nhạt thờ ơ của mình mới là người sáng suốt.
Thế nhưng con người trong xã hội hiện nay thật sự quá lạnh lùng tàn nhẫn, và có lẽ đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải trả giá cho sự ích kỷ đó của mình.
Theo Nguyễn Nhung
Trí Thức Trẻ