WinEco

Lời khuyên của 'bậc thầy' trong lĩnh vực quản lý tài chính: Để kiếm được nhiều tiền, có cuộc sống sung túc hơn, hãy vứt bỏ 6 câu 'nói dối' lớn nhất về tiền bạc và tư vấn vô ích của chuyên gia!

24/08/2019 19:51

Tác giả của bài viết là Ramit Sethi. Ông là tác giả của cuốn sách "best-seller" của New York Times "I Will Teach You To Be Rich". Sethi giờ đây đã trở thành một "bậc thầy" trong lĩnh vực quản lý tài chính cho hàng triệu độc giả ở độ tuổi 20 đến 40. Ông là một triệu phú tự thân, đi lên nhờ tạo một trang web, viết sách và mở các khoá học tài chính cá nhân. Theo vị triệu phú tự thân này, tạo bảng chi tiêu hợp lý để cắt giảm chi tiêu là một trong những lời khuyên vô giá trị nhất mà các chuyên gia tài chính đưa ra.

Thông thường, mọi người có rất nhiều lý do để quản lý tiền bạc đúng cách. Một trong những lý do đó khá hợp lý, nhưng hầu hết chỉ là những "nguyên cớ" để che đậy sự lười biếng và không dành 10 phút để nghiên cứu về vấn đề này.

Dưới đây là những bước để "vượt qua" những lời nói dối của người trẻ về tiền bạc mà họ thường tự nhủ với bản thân:

1. "Tôi cần tập trung vào việc tạo ra thu nhập thụ động"

Hầu hết mọi người, đặc biệt là những người trẻ mới đi làm, không cần tập trung vào thu nhập thụ động. Thay vào đó, họ nên nỗ lực nhiều hơn để cải thiện mức thu nhập chủ động, bằng cách tập trung vào sự nghiệp của chính mình. Họ có thể làm điều này bằng cách trau dồi kỹ năng làm việc, giải quyết nhiều vấn đề hơn cho sếp và thể hiện xuất sắc hơn đồng nghiệp.

Rất nhiều người không thích nghe điều này, bởi có nghĩa là thay vì mơ mộng về việc kiếm 500 USD/ngày từ thu nhập thụ động, họ phải bắt tay vào thực hiện những việc một cách thực tế.

Tôi cũng chứng kiến những người làm việc chăm chỉ, nhưng họ e ngại khi yêu cầu được tăng lương vì "công ty không có quỹ" hay bởi "nền kinh tế đang có diễn biến tồi tệ." Tại sao? Bởi mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta chấp nhận những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát (như tăng trưởng kinh tế giảm tốc) điều khiển, thì việc nỗ lực sẽ bớt áp lực hơn.

Giải pháp: Làm việc thật chăm chỉ và thực hiện những nhiệm vụ được giao hiệu quả hơn, từ đó bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu việc tăng lương không được cân nhắc, hãy tìm một công việc khác với mức lương ổn hơn.

2. "Nếu tôi nỗ lực hơn, thì tôi có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn"

Chúng ta đều biết rằng chúng ta cần tiết kiệm tiền, cũng giống như cách suy nghĩ chúng ta phải tập thể thao nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn và liên lạc thường xuyên với gia đình. Tuy nhiên, có những rào cản không dễ dàng để vượt qua khi thực hiện tất cả những điều này.

Đơn giản chỉ là "cố gắng hơn" sẽ không giúp bạn thành công (thậm chí có nhiều nghiên cứu cũng cho thấy điều tương tự). Cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách mua những món đồ giá rẻ hơn là chưa đủ và bớt uống cafe ngoài tiệm cũng vậy.

Để thấy được kết quả khả quan, bạn thực sự cần phải ngồi xuống và trò chuyện với chính bản thân về những gì cần phải làm, từng bước một. Hãy nhìn vào tình hình tài chính của bạn và tự hỏi: Mình đang cố gắng làm điều gì mà tố nhiều công sức, nhưng lại không kiếm được nhiều tiền? Điều gì không có hiệu quả dù bạn có nỗ lực đến mức nào? Làm thế nào để bạn có thể khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn?

Giải pháp: "Tự động hoá" ví tiền, và bạn không phải suy nghĩ quá nhiều.

3. "Tôi sẽ duy trì bảng chi tiêu hợp lý."

Hầu hết chúng ta đều có động lực và quyết định rằng: "Tôi sẽ bắt đầu duy trì bảng chi tiêu hợp lý." Tạo bảng chi tiêu hợp lý để cắt giảm chi tiêu là một trong những lời khuyên vô giá trị nhất mà các chuyên gia tài chính đưa ra. Một số người rất cố gắng tiết kiệm đã thất bại sau đó vài ngày vì cuối cùng họ nhận ra rằng điều đó thực sự khó khăn khi theo dõi từng xu họ bỏ ra.

Thay vì duy trì khoản tiền chi tiêu hợp lý, tôi khuyên bạn nên tạo "Kế hoạch chi tiêu có ý thức". Theo tôi, đây là một chiến lược khiến bạn phải lo cho tương lai, trong khi vẫn cho phép bạn chi tiền cho những thứ bạn yêu thích - miễn là cắt giảm chi tiêu cho những thứ bạn không thích.

Giải pháp: Tạo "Kế hoạch chi tiêu có ý thức" bằng cách phân chia thu nhập của bạn thành 4 mục sau:

· Đầu tư dài hạn (khoảng 10% thu nhập).

· Các khoản "tội lỗi": Ăn uống, xem phim, mua sắm (20 đến 35% thu nhập).

· Tiết kiệm: Quà tặng dịp lễ, đi nghỉ... (5 đến 10% thu nhập).

Sắp xếp chi tiêu theo cách này, bạn có thể đảm bảo rằng mình có đủ tiền để thanh toán những khoản chi phí quan trọng trước tiên. Sau đó, số còn lại có thể được tiết kiệm và chi tiêu hàng ngày.

4. "Bạn bè kiếm được ít tiền hơn tôi, nhưng họ vẫn đi nghỉ tới 4 lần/năm!"

Theo đó, bạn bè của bạn là những người tuân thủ rất nghiêm ngặt kế hoạch chi tiêu có ý thức, hoặc hoàn toàn không biết cách quản lý tiền bạc. Tại sao bạn nhìn vào những người bạn với quyết định chi tiêu một cách bình thường và đạt được kết quả không có gì đặc biệt, và coi đó hình mẫu?

Giải pháp: Tập trung vào mục tiêu tài chính của bạn và nỗ lực trở giúp bản thân trở thành một người có thể đưa ra quyết định chi tiêu một cách có ý thức. Không lấy những người thể hiện bằng cách tiêu nhiều tiền để làm gương.

5. "Tôi sẽ bắt đầu đầu tư."

Hỏi bất cứ ai trong số những người bạn về việc họ đã đầu tư bao nhiêu tiền vào chứng khoán, hầu hết trong số đó sẽ nói rằng "họ không kiếm đủ tiền" hoặc "không đủ chuyên môn" để làm điều đó.

Bởi vậy, nhiều người nói rằng họ "đang sẽ bắt đầu đầu tư" và sau đó lại không làm gì. Đó là bởi họ không nghĩ rằng họ có khả năng hiểu những điều cơ bản, và không muốn mạo hiểm để mất số tiền kiếm được. Thế nhưng, cứ mỗi ngày bạn không đầu tư, thì bạn sẽ mất tiền vì lạm phát. Và bạn sẽ không thể nhận ra điều này cho đến khi 70 tuổi, lúc đó đã là quá muộn.

Giải pháp: Bất kỳ vấn đề mới nào cũng khiến bạn cảm thấy choáng ngợp (ví dụ như áp dụng chế độ ăn mới, chế độ tập luyện, nuôi dạy con cái). Câu trả lời để tránh đó là chọn một nguồn đáng tin cậy để học hỏi sau đó đầu tư một cách nghiêm túc.

6. "Mong muốn 'trở nên giàu có' là điều tồi tệ."

Suy nghĩ quá nhiều về tiền bạc và bị lòng tham "nuối chửng" là không hay, nhưng mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho bạn và người thân lại là điều tuyệt vời.

Có nhiều tiền hơn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho bạn và những người xung quanh. Như tôi đã nói nhiều lần, trở nên giàu có không chỉ là liên quan đến tiền bạc, đó là việc bạn sống một cuộc sống giàu sang. Còn sống một cuộc sống giàu sang mang nhiều ý nghĩa khác nhau với những người khác nhau.

Đối với một số, điều đó có nghĩa là có sự tự do tài chính để chi tiêu một cách xa hoa phục vụ sở thích của họ. Đối với những người khác thì giàu có là có thật nhiều tiền để trả cho người giúp việc mỗi tuần. Còn với tôi, một phần của cuộc sống giàu có là tạm xa công việc hiện tại để đi nghỉ trong 6 tháng.

Giải pháp: Nghĩ xem cuộc sống giàu có mang ý nghĩa như thế nào với bạn và hãy để điều đó truyền cảm hứng cho bạn trong việc kiếm tiền.

Hương Giang

Theo Trí thức trẻ/CNBC