Từ vị tỷ phú thành công nhất nhì châu Á, đây chính là 6 từ tượng trưng cho 6 phẩm chất quý giá để có thể chiến thắng chính mình và vượt lên đối thủ.
Học hỏi kinh nghiệm thành công từ vị tỷ phú giàu có hàng đầu châu Á - Lý Gia Thành, người ta đưa ra lời khuyên về 6 từ quan trọng, thể hiện 6 phẩm chất cần có của một người thành công như sau:
1. Tôn trọng
Các phóng viên Hồng Kông kể lại rằng, trong một buổi phỏng vấn tại văn phòng của Lý Gia Thành, vào lúc 14:30, khi tất cả vừa tới thì cánh cửa mở ra, vị tỷ phú 85 tuổi tươi cười bước ra đón chào, nghiêm túc bắt tay và trao đổi danh thiếp với từng người một. Ông còn thoải mái tự giới thiệu bản thân bằng chất giọng Triều Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) của mình: "Tôi chính là Lý Gia Thành", mặc dù đây là điều hiển nhiên mà ai cũng biết.
Trong quá trình phỏng vấn, Lý Gia Thành luôn luôn lắng nghe cẩn thận câu hỏi của mỗi người, trả lời rõ ràng bằng những ngôn từ đơn giản và dễ hiểu nhất có thể, chú ý luôn dùng tiếng phổ thông vì sợ mọi người nghe không hiểu giọng địa phương Triều Châu. Giữa các cuộc đối thoại, ông cũng luôn nhìn thẳng vào mắt đối phương bằng thái độ chân thành.
Điều đáng ngạc nhiên là, trong lúc trao đổi danh thiếp, đến lượt vị nhiếp ảnh gia cuối cùng thì hộp namecard của Lý Gia Thành đã hết sạch. Cứ tưởng ông sẽ bỏ qua không để ý thì tới lúc buổi phỏng vấn kết thúc, vừa ra ngoài cửa, một trợ lý đã chờ sẵn để gửi Lý Gia Thành một tấm danh thiếp khác. Vị tỷ phú nhận lấy rồi tự tay trao lại cho nhà nhiếp ảnh kia.
Chúng ta thường thấy 2 kiểu quản lý cư xử với cấp dưới: Một là kiểm soát và hai là tôn trọng. Vậy kiểu nào sẽ tốt hơn? Chúng ta sẽ tự có câu trả lời của riêng mình.
2. Tự giác
Từ những năm đầu kinh doanh cho đến khi trở thành tỷ phú 85 tuổi, Lý Gia Thành luôn duy trì hai thói quen:
Một là, trước khi đi ngủ nhất định phải đọc sách. Nếu là sách ngoài nghiệp vụ, ông sẽ sàng lọc trọng điểm để đọc. Nếu là sách liên quan đến nghiệp vụ thì dù thế nào cũng phải đọc hết.
Hai là, sau bữa tối nhất định phải xem chương trình tiếng Anh trong 10-20 phút. Không chỉ xem để giải trí mà còn phải hiểu và có thể lặp lại đoạn thoại trong đó.
Ngoài ra, mức độ kỷ luật tự giác của Lý Gia Thành còn hơn người ở chỗ, bất kể lịch trình làm việc dày đặc thế nào, đi ngủ lúc mấy giờ đêm, hôm sau ông đều dậy vào đúng 5:59 sáng để xem tin tức, chơi golf trong 1 tiếng rưỡi rồi mới bắt đầu đi làm.
3. Thận trọng
Một người quen của Lý Gia Thành nói rằng: "Ông ấy là người rất hay lo xa. 90% thời gian mỗi ngày đều được dùng để suy tính những chuyện chưa hề xảy ra."
Chính vì thói quen tự tạo ra nghịch cảnh trong lòng, liên tục tự đặt khó khăn giả định và sau đó tìm cách giải quyết vấn đề nên khi khủng hoảng thật sự xảy ra, Lý Gia Thành đã ở trong trạng thái sẵn sàng.
4. Học tập
Cách học của vị tỷ phú Hồng Kông có một điểm khá đặc biệt, đó là ngoài việc đọc sách, ông còn tự rèn luyện dựa trên thể nghiệm bản thân. Lý Gia Thành thích xem phim, và mỗi khi xem phim, ông đều hết sức nhập tâm vào nhân vật, tự coi chính mình đang sống cuộc đời của nhân vật đó để thể nghiệm tất cả tâm lý, cảm xúc và hành động trong phim. Từ đó, ông đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng, ứng dụng vào cuộc sống ngoài đời.
5. Thay đổi
Lý Gia Thành không phải một người chỉ biết sống trong tháp ngà hưởng thụ, ngược lại, ông còn nắm bắt xu hướng nhanh hơn so với nhiều người trẻ bây giờ. Điểm này thể hiện trong cách quản lý vô số công ty con rải rác khắp nơi của vị tỷ phú, khi thì ông yêu cầu báo cáo trực tiếp, khi thì ông tổ chức họp từ xa qua mạng internet, khi thì đích thân bay tới nơi để kiểm tra đột xuất. Người đàn ông 90 tuổi cũng thích dùng các thiết bị điện tử mới nhất để luôn cập nhật tin tức với tốc độ cao.
6. Nhận sai
Năm 1996, con trai cả của Lý Gia Thành đã bị bắt cóc và yêu cầu đòi tiền chuộc lên tới 2 triệu nhân dân tệ Trung Hoa.
Ông chuyển lời lại rằng: "Tiền mặt hiện giờ tôi chỉ có 1 triệu trong tay, nếu anh đồng ý, tôi sẽ lập tức tới ngân hàng giao dịch."
Khi được hỏi lý do chấp nhận dễ dàng như vậy, Lý Gia Thành trả lời: "Bởi vì lần này là lỗi của tôi. Biết mình nổi tiếng thế nào mà không biết đường phòng vệ, để người thân rơi vào cảnh nguy hiểm. Đây là cái giá tôi xứng đáng phải trả cho bài học này."
Có thể thấy, biết nhận sai và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình là quy tắc vàng giúp chúng ta đứng dậy từ sau mỗi thất bại. Chính vì "Núi cao sẽ có núi cao hơn", mỗi người trên đời đều có thể sai lầm và thất bại, nhưng biết học tập từ những lần vấp ngã, biết nhìn gương giỏi mà noi theo và khiêm tốn trong đối nhân xử thế mới là nhân tố quan trọng trên bước đường thành công.
Trí Thức Trẻ