Trong mắt một nhà văn, sống như Hải Robert là một cuộc đời đáng sống nhưng với những người bình thường thì không, một ngàn lần không và một vạn lần không. Một cuộc đời kỳ bí, nước mắt nhiều hơn nụ cười.
Hành trình của "người lỡ chuyến đò âm phủ"
Lê Minh Hải sinh năm 1952 (Nhâm thìn) trong một căn cứ kháng chiến của rừng U Minh Thượng, nơi bố anh là kỹ sư quân khí. Năm 1954, cậu con trai duy nhất của người Anh hùng Lao động đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Lê Minh Đức theo cha tập kết ra Bắc. 16 năm sau (1970), nhờ thành tích học tập xuất sắc, anh được đích thân Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gặp và cho chọn ngành nghề cũng như tự chọn quốc gia để theo học. Anh đã sang Liên xô và chọn học về hàng hải. Năm 1976, Lê Minh Hải về nước làm máy trưởng tàu viễn dương, bắt đầu cho những cuộc phiêu lưu khắp thế giới. Đến năm 1989, anh tham gia thi tuyển giám đốc (đây là cuộc thi giám đốc đầu tiên và duy nhất của thời bao cấp) tại Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn.
Cái chất sống hảo hán mang nặng tình người và bản thuyết trình về đường lối phát triển doanh nghiệp của anh đã thuyết phục hầu hết cán bộ, nhân viên và công nhân trong công ty. Và anh đã không phụ lòng họ. Trong suốt 6 năm làm Giám đốc, anh luôn tìm tòi, đổi mới phương thức kinh doanh để phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống cán bộ công nhân. Thế nhưng năm 1992, anh bất ngờ bị cách chức dù ngay trước đó, trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của cán bộ, công nhân viên công ty, anh được tới 96% số phiếu ủng hộ. Năm 1993 anh làm Tổng Giám đốc Liên doanh Vim Sài Gòn.
Đến đầu năm 1995 rời cơ quan nhà nước, Lê Minh Hải thành lập Công ty TNHH Dolphin Vũng Tàu và đây là bước khởi đầu dẫn đến vụ án Tamexco nổi tiếng trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Đúng vào thứ 6 ngày 13 (theo quan niệm của người phương Tây, thứ 6 trùng với ngày 13 là ngày đen tối) tháng 10 năm 1995, Hải Robert bị bắt và sau đó bị tòa tuyên án tử hình. Tại phiên đại hình này, Lê Minh Hải đã nói một câu nổi tiếng: "Tôi không có tội nên không xin tha tội chết. Tôi xin lỗi cha tôi một vị anh hùng".
Từ đây là những chuỗi ngày cực kỳ đen tối trong cuộc đời Lê Minh Hải. Ba năm trong ngục tử tù, không một lần thấy ánh sáng mặt trời, trong đó một năm bị cùm chân vào thanh sắt. Sự chờ đợi ngày đưa ra pháp trường của người tử tù khủng khiếp đến mức giờ đây, gần 20 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng xích sắt loảng xoảng là anh vẫn toát mồ hôi, dựng tóc gáy. Thời gian ở tù, anh đã sụt 15 kg và rụng mất 4 cái răng.
Cuộc đời tưởng như chỉ còn là một bờ vực đen ngòm trước mắt thì bỗng như có phép lạ. Một buổi sáng, anh nhận được tin mình đã được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tha tội chết, giảm xuống án chung thân. Nhờ cải tạo tốt và có nhiều sáng kiến đóng góp cho trại như nuôi đà điểu, nuôi cá hay các kế hoạch trồng cây gây rừng… đồng thời nhờ sự can thiệp của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Quốc khánh năm 2005, anh được đặc xá, kết thúc 10 năm tù đày ròng rã.
Điều đáng ngạc nhiên và như một trò đùa của số phận, đây không phải lần đầu mà là lần thứ 3 anh sa vào vòng lao lý. Lần thứ nhất vào năm 1978, anh bị bắt nhầm vì có một tội phạm trùng tên là Hải. Năm 1982, lại một lần nữa anh bị bắt vì người quản trị bỗng dưng phát bệnh điên đốt cháy con tàu.
“Tôi chỉ sợ những người tốt với mình”
- Tôi sinh ra là để làm khổ gia đình. Bố tôi đã từng phải làm đơn xin chết thay. Vợ tôi phải bỏ bục giảng đường đại học sư phạm vì nỗi nhục mang danh vợ tên tử tù. Con tôi 8 tuổi đã phải sống tự lập và chịu nhiều áp lực vì là con một tên tử tội - Lê Minh Hải đã tâm sự với tôi khi anh ra Hà Nội.
- Anh có oán trách cuộc đời không? Tôi hỏi.
- Không. Dù vụ án đó, tôi bị oan đến… hơn 90%.
- Vì sao vậy?
- Vì cái cơ chế, chính sách lúc đó nó thế. Khi đó nước ta chưa ban hành Luật Doanh nghiệp. Rồi Luật đất đai, một điều luật cơ bản để buộc tội tử hình của tôi thì từ đó dến nay đã qua 3 lần sửa đổi, đủ hiểu khi đó nó bất cập đến mức nào. Rồi xu thế hình sự hóa các quan hệ dân sự ở thời điểm đó cũng là một tác động không nhỏ. Vì vậy mà gần đây, Quốc hội đã xóa bỏ án tử hình đối với các loại tù kinh tế.
- Nếu, tất nhiên chỉ là nếu thôi, vụ án của anh nhìn từ góc độ bây giờ thì theo anh, hình phạt thế nào là đúng nhất?
- Nếu nhìn từ góc độ pháp lý của ngày hôm nay thì tôi chịu không quá 3 năm tù. Nhưng thôi, chuyện đó là của thời kỳ đó với những quy định của luật pháp khi ấy. Cả cuộc đời này, tôi cũng không oán trách ai dù có người từng nhiều năm đeo đuổi, tìm cách hãm hại tôi như thanh tra Giave từng hãm hại cuộc đời Giăngvangiăng. Phương châm sống của tôi là chỉ sợ những người tốt với mình mà không sợ những người xấu với mình vì tôi chỉ sợ không đủ thời gian trả ân nghĩa nên không một phút bận tâm đến kẻ hãm hại mình.
-Không thù oán ai cũng tức là anh không chịu ơn nghĩa ai?
- Có chứ. Rất nhiều người tốt đã giúp tôi trong cơn hoạn nạn như việc hơn 300 người bạn (trong đó có 20 người Nga) và cán bộ, nhân viên ở nhà máy cũ làm đơn xin giảm án cho tôi. Dù bận mải sinh nhai nhưng thời gian tôi ở tù, đã có hơn 500 đoàn từ gia đình, bè bạn cả trong và ngoài nước đã đến tận trại giam để thăm hỏi tôi vào dịp lễ, tết, hè, chủ nhật. Tôi làm sao có thể quên được tình cảm của Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhạc sĩ Trần Tiến… những người đã lên tận trại giam thăm tôi, kể cho tôi nghe những đoạn văn vừa viết hay hát cho tôi nghe những bài hát vừa được sáng tác. Đặc biệt là ba tôi, người đã từng xin chết thay cho tôi và Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người đã tha tội chết cho tôi, sau đó còn can thiệp để tôi được đặc xá. Rồi ông Phạm Thanh Bình (TGĐ Vinasin) đã tin tưởng, dang rộng cánh tay đón tôi khi từ trong tù ra. Với xã hội, tội của ông đến đâu, ông chịu đến đấy nhưng với cá nhân tôi, ông là người ơn nghĩa. Vô ơn và bỏ ân nhân trong lúc hoạn nạn không phải là bản chất của tôi.
Khát vọng của một doanh nhân
Hình như câu thơ bất hủ, có tính chân lý của Thi hào Nguyễn Du: "Bị cung rày sẽ sợ làn cây cong" không đúng với Hải Robert. Ngay từ ngày đầu ra tù, anh đã lại lao vào kinh doanh, cái nghề nghiệp đã từng suýt đưa anh lên "chuyến đò âm phủ". Có điều nếu trước đây, anh luôn ồn ào huyên náo ở chỗ đông người thì giờ đây, anh lặng lẽ như người lữ hành cô độc, thường lang thang đến những miền đất xa xôi như Tuyên Quang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Kon Tum, Nha Trang, Đắc Nông, Lào Cai, Yên Bái… với hành trang là hơn 12 nón cao bồi và hơn 20 bộ quần áo bò. Nhưng hình như vận may vẫn chưa mỉm cười với doanh nhân nhiều nước mắt này.
Ngày 14/7/2006, chiếc ụ nổi trị giá 7,6 triệu USD anh mua từ Nga về đến Đài Loan, gặp siêu bão Billis bị chìm. Dù đã mua bảo hiểm 110% (8,3 triệu USD) nhưng nhà bảo hiểm từ chối thực hiện trách nhiệm, khiến vụ việc phải đưa ra tòa án Luân Đôn. Sau 5 năm theo kiện, ngày 19/10, Tòa đã tuyên phần thắng thuộc về anh và các đối tác Nga, hiện nay đang đợi phiên toà thứ 2 là xác định phần thiệt hại.
Giờ đây, anh đang tiến hành mở rộng trang trại nuôi cá tầm theo qui trình hiện đại và vẫn ôm ấp giác mơ hoàn tất dự án xây dựng bến cảng cho du thuyền ở Vũng Tàu cũng như tìm cách đưa ụ nổi, một loại ụ nổi trên biển dùng để sửa chữa tàu bè loại tải trọng lớn. Anh còn ôm ấp khát vọng mua tàu ngầm để khai thác san hô đỏ và trục vớt tàu đắm ở vùng biển Việt Nam. Anh đang tham gia 11 dự án như xây dựng nhà máy đóng tầu và chế tạo môđun dàn khoan, thăm dò dầu khí, Khu vui chơi giải trí Bãi Trước, Dự án Khu đô thị sinh thái thành phố Vũng Tàu, Trang trại nuôi cá tầm tại Myanmar và nuôi cá Tầm ở nhiều nơi trong nước. Tất cả các dự án này, anh đều làm cùng với những người thuộc Liên Xô cũ.
- Tôi chỉ có một mong muốn là được thi hành án, có cơ hội trả lại gần 40 tỉ đồng cho Nhà nước. Tôi muốn trả nợ cuộc đời, trả nợ xã hội để được trở thành người tự do 100% - Hải Robert nói với tôi vào một ngày cuối năm 2011 khi anh trên đường đi Sơn La tìm địa điểm nuôi cá tầm.
- Nghĩa là vụ án của anh vẫn chưa kết thúc? - Tôi hỏi.
- Vụ việc của tôi chia làm 2 phần. Phần thứ nhất là án hình sự, tôi đã thi hành xong. Phần thứ hai là về dân sự theo Bản án số 397/HSPT ngày 31/3/1997 giải quyết đối với tài sản của tôi thì vẫn còn dang dở. Tôi chỉ mong cuộc đời trả lại công bằng cho tôi vì chỉ có như vậy, tôi mới đủ nội lực để làm lại trọn vẹn cuộc đời mình và cống hiến cho đất nước. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn đi vào tâm bão - Đôi mắt Hải Robert, người lữ hành kỳ dị chợt lóe sáng.
Tôi hiểu, đối với một người chọn Napôlêông làm thần tượng như anh, sự đầu hàng là hành động hèn nhát, không thể có dù là đầu hàng trước số phận đầy giông bão của cuộc đời mình. Anh như được kết tụ bởi cái tính khí kiên cường, hảo hán của người miền Tây Nam Bộ, sự mạnh mẽ, chân thành, đôn hậu của người Nga, cái tính cách ngang tàng, thích phiêu lưu, mạo hiểm của thủy thủ tàu Viễn dương và dòng máu của người anh hùng Lê Minh Đức.