Luật sư nhận định gì về việc HAG đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết?

15/02/2022 06:58

Năm 2021 được đánh giá là 1 năm thành công của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi doanh nghiệp này đã làm ăn có lãi trở lại, đồng thời giá cổ phiếu HAG tăng hơn 3 lần từ mức giá thấp nhất là khoảng 4.200 đồng… Thế nhưng gần đây nhiều cổ đông vừa mới mua cổ phiếu HAG rất hoang mang, lo lắng trước thông tin cổ phiếu này đang đối mặt với “án” hủy niêm yết trên sàn HoSE.

Nhà đầu tư bị thiệt hại trước thông tin HAG bị hủy niêm yết

Cổ phiếu HAG ghi nhận mức giá thấp nhất trong năm 2021 khoảng 4.200 đồng và từ đó tăng mạnh đạt mức giá 15.650 đồng ở phiên ngày 17/1/2022. Số lượng thanh khoản rất cao ở mức vài chục triệu cổ phiếu mỗi phiên trong một thời gian dài. Tuy nhiên thời gian gần đây HAG bị rơi vào nhóm bị nhà đầu tư bán mạnh. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 14/2/2022, cổ phiếu này giảm sàn về mức 11.550 đồng và dư bán hơn 16 triệu cổ phiếu trong tình trạng trắng bên mua.

Các chuyên gia và nhà đầu tư đều nhận định, cổ phiếu HAG giảm mạnh là do thông tin sẽ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE vì công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019).

Diễn biến của Cổ phiếu HAG trong 1 năm qua Diễn biến của Cổ phiếu HAG trong 1 năm qua

Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, mã cổ phiếu HAG hiện có trên 30 ngàn cổ đông. Anh Lê Minh một cổ đông mới tại TP HCM cho biết: “Tôi đã mua gần 180.000 cổ phiếu HAG với giá 15.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 10/1/2022 từ tiền tiết kiệm và thế chấp ngân hàng căn nhà đang ở, vì tin tưởng kế hoạch kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai của HAG chứ không căn cứ vào thông tin tài chính trong quá khứ. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tôi đang lỗ gần 25% do gần đây giá HAG giảm liên tục. Tôi khá bất ngờ và bức xúc trước thông tin HAG phải đối mặt với án hủy niêm yết tại thời điểm này bởi lẽ việc HAG làm ăn thua lỗ đã xảy ra vào trước đó mà không thấy cơ quan nhà nước áp dụng hình phạt. Nếu biết có tình trạng này xảy ra thì tôi sẽ không dám mua. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về vấn đề hủy hay không hủy niêm yết HAG để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư giống như tôi”.

Chị Phạm Thị Xiêm (TP Hà Nội) chia sẻ: “Vào đầu tháng 1/2022 tôi đã mua 100.000 cổ phiếu HAG sau khi đọc báo cáo tài chính 2 năm trở lại đây và theo dõi tình hình phát triển kinh doanh đang có chiều hướng tích cực của Hoàng Anh Gia Lai. Số nợ đang giảm rất nhanh, các khoản đầu tư đã đem lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên gần đây khi thông tin về HAG có thể bị hủy niêm yết trên sàn HoSE còn chưa ngã ngũ thì giá cổ phiếu đã giảm mạnh.

Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hủy niêm yết HAG thì thật không công bằng với các cổ đông mới và những nỗ lực thay đổi, phát triển tích cực trong hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai”.

Anh Nguyễn Ngọc Lâm (TP HCM) mới nắm giữ cổ phiếu HAG nêu quan điểm: “Tại sao khi xác định Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm ăn thua lỗ 3 năm liên tục (năm 2017, 2018, 2019) trong báo cáo kiểm toán vào tháng 4/2021 mà UBCKNN không hủy niêm yết vào thời điểm đó? Đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 tháng trôi qua, giá cổ phiếu HAG tăng hơn 2 lần so với tháng 4/2021, nếu hủy niêm yết HAG tại thời điểm này thì những cổ đông mới sẽ rất thiệt thòi. Tôi cho rằng UBCKNN hủy niêm yết HAG vào thời điểm này thì rõ ràng là đang “xử lý” nhà đầu tư chứ không phải “xử lý” Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai…”.

Một số ý kiến khác cho rằng, trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, Chính phủ đang có nhiều chính sách nhằm hỗ các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, việc hủy niêm yết một doanh nghiệp vượt khó thành công, nay bước vào chu kỳ làm ăn có lãi, như vậy liệu có đi ngược chủ trương vực dậy nền kinh tế sau đại dịch của Chính phủ?

Chưa đủ cơ sở để hủy niêm yết HAG?

Trước những thông tin về cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết đang được nhiều cổ đông quan tâm, luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: Sau khi đọc nhiều bài báo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng hủy là đúng về mặt pháp luật nhưng thực tế không đúng. Ở đây có sự nhầm lẫn, Luật là áp dụng thực tế, quy định rằng sản xuất kinh doanh phù hợp kiểm toán. Tức là cứ thực tế diễn ra thế nào thì chiếu theo quy định như vậy mà áp dụng: kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp sẽ có bút toán của kiểm toán; vì thế lỗ từng năm sẽ được thể hiện rõ. Còn đây là có sự khác biệt của kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kiểm toán. Sau khi phát hiện ra sự lỗ của HAG trong 3 năm 2017, 2018, 2019 thì không có điều luật nào nói đến hồi tố để hủy cả.

Chuối đang là sản phẩm mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho HAGL Chuối đang là sản phẩm mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho HAGL

“Vì vậy, theo tôi đây là sự ngoại lệ, luật pháp chưa quy định, nên không thể áp dụng điểm e, khoản 1, điều 120 của Nghị định 155 mà lột cổ phiếu HAG khỏi sàn HoSE. Mặt khác, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư, nhưng nay HAG làm ăn có lãi mà hủy niêm yết HAG sẽ làm đến thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại. Hiểu biết và vận dụng pháp luật như vậy là sai, dễ dẫn đến các kiện tụng sau đó, giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khi ra văn bản xử lý”, Luật sư Diệp nêu quan điểm.

Còn Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP HCM thì cho rằng, theo Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định, công ty niêm yết chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp như: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục (Điểm đ), vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Điểm o).

Từ ngày 01/01/2021, tại Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP vẫn có quy định như 2 trường hợp trên tại Điểm e và Điểm o, ngoài ra còn quy định thêm tại Điểm h đối với trường hợp “có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp”. Và theo Khoản 12 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì trường hợp “tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp tại điểm h khoản 1 Điều 120” chỉ áp dụng từ ngày 01/01/2022 (1 năm sau khi Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực).

Đối với trường hợp xảy ra tại cổ phiếu HAG, tại thời điểm lập BCTC cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu, đây là các trường hợp chỉ mới được quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP áp dụng từ ngày 01/01/2021 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 01/01/2022. Việc điều chỉnh hồi tố số liệu trong BCTC 2020 dẫn đến điều chỉnh hồi tố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất trong các năm 2017, 2018, 2019 là nghiệp vụ trong hoạt động kế toán.

Nếu việc điều chỉnh hồi tố số liệu dẫn đến “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục” nhưng năm 2020, hay 2021 mà cổ phiếu HAG có lợi nhuận thì sẽ không còn thuộc diện “bị thua lỗ trong 03 năm liên tục” nên năm 2022 mới xem xét xử lý sẽ không bị hủy bỏ niêm yết vì không còn thuộc trường hợp bị hủy bỏ niêm yết tại điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Có thể thấy, trường hợp như cổ phiếu HAG đã được dự liệu và quy định đầy đủ tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP nên sẽ giải quyết được mâu thuẫn trong các BCTC mà có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán trong 3 năm liên tục mà không cần đánh giá đến ảnh hưởng của các BCTC bị thua lỗ trong 3 năm liên tục.

Trước thông tin về việc HAG có thể bị hủy niêm yết, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: “Cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường”.

Được biết, hiện nay rất nhiều cổ đông của HAG đang làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Họ đặt vấn đề giả sử cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết trên sàn HoSE thì không mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư, trái lại họ bị thiệt hại rất lớn, khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi cho họ?