Twitter của Elon Musk - CEO Tesla Motors và SpaceX có 24,4 triệu Follower. Người đẹp bốc lửa Kim Kardashian có 59,5 triệu Follower. Ngày nay, khi sự "soi mói" của công chúng dành cho các CEO chẳng kém Celebs là mấy, vai trò của CEO không chỉ là điều hành công ty, mà còn là gây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp...
Twitter của người đẹp bốc lửa Kim Kardashian có 59,5 triệu Follower. Twitter của Elon Musk- CEO Tesla Motors và SpaceX có 24,4 triệu Follower. CEO Apple Tim Cook có 11 triệu Follower. Doanh nhân Bill Gates có 46,4 triệu Follower…
Hình mô phỏng Kim Kardashian. Nguồn: Twitter.
"Phát triển một thương hiệumạnh giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ vì mục tiêu thương mại, mà còn vì mối quan hệ lâu dài giữa một thương hiệu và các bên liên quan. Vai trò của các CEO đã hoàn toàn mở ra khi chúng ta tiến tới kỷ nguyên của cá nhân các CEO - khi mà sự "soi mói" của công chúng chúng dành cho họ ngang bằng các nhân vật nổi tiếng", ông David Haigh - CEO Brand Finance - nhìn nhận.
"Đây không phải là lúc để CEO của bạn ngồi lại. Đây là thời điểm họ cần lên tiếng, là thời điểm bước ra ngoài kề vai sát cánh với việc gây dựng thương hiệu doanh nghiệp", bà Kylie Wright-Ford - CEO của Reputation Institute đưa ra khuyến nghị này tại phiên thảo luận "Vai trò mới của các CEO trong việc định hình thương hiệu và danh tiếng doanh nghiệp" bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF 2019) mới đây.
Báo động về làn sóng CEO rời ghế cao nhất 8 năm và vấn đề xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp
Travis Kalanick đã rời ghế CEO Uber hồi giữa năm 2017. Ảnh: ABC.
"Đây là khoảng thời gian bất ổn. Cũng vào thời điểm này một năm trước, tháng 1/2018, 132 CEO đã rời khỏi chiếc ghế quyền lực của họ. Trong số đó, 8 người phạm lỗi, 10 người trong tình cảnh kinh doanh khó khăn và 21 người bị phế truất bởi hội đồng quản trị".
"Đó là khoảng thời gian rất khó khăn và đó cũng là làn sóng "CEO rời ghế" cao nhất chúng tôi từng chứng kiến trong 8 năm trở lại đây", Digital Directions ghi lại lời bà Kylie tại sự kiện.
Rủi ro khi để các ông sếp bộc lộ quá nhiều trước công chúng khá cao bởi công chúng luôn mặc định đánh đồng quan điểm cá nhân của C-suite với quan điểm của công ty
Ông Natarajan Chandrasekaran, Chủ tịch của TATA Sons - công ty mẹ điều hành một loạt công ty "họ TATA" trong đó có TATA Consulting Service (TCS) được mệnh danh là "ngũ đại gia" về gia công phần mềm tại Ấn Độ, cho rằng có 3 thành tố chính cần tính đến khi nói về vai trò của CEO.
1- Tính Minh bạch và Niềm tinlà nền tảng không thể thiếu nên CEO tính đến việc xây dựng danh tiếng (Reputation).
2- Tại sao ngày nay vai trò của CEO trong việc gây dựng thương hiệu công ty lại trở nên rất quan trọng? Bởi vì hôm nay mọi người đều kết nối. Hàng tỷ người biết bạn nghĩ gì và chuyện gì đang xảy ra với công ty của bạn; điều gì xảy ra với bạn; quan điểm của bạn là gì…, và họ biết gần như ngay lập tức khi chuyện mới xảy ra.
Điều rất quan trọng đối với các CEO là phải minh bạch về các vấn đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của công ty, về mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp và sứ mệnh của nó.
3- Nói là làm (Walk the talk)
"Bạn có thể là người phát ngôn của công ty, nhưng trong tình huống này, hành động của bạn nên đúng với cam kết, hay đôi khi vượt quá cam kết. Nếu không, bạn chỉ nhận được điều tiếng tiêu cực", vị lãnh đạo cao nhất của TATA Sons cho biết.
Phát ngôn của CEO có phải phát ngôn của DN?
Từ trái sang phải: Ông Jonas Prizing - CEO Manpower Group, bà Cathy Bessant, Giám đốc điều hành phụ trách công nghệ tại Bank of America, và ông Natarajan Chandrasekaran, Chủ tịch TATA Sons.
Đâu đó vẫn còn những mâu thuẫn giữa quan điểm của C-suite và quan điểm của doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc có quá nhiều lập trường theo bất kỳ hướng nào có thể tạo ra hiệu ứng phân cực, thay vì hiệu ứng thống nhất trong quan điểm của một tổ chức khi truyền thông ra công chúng.
Một doanh nghiệp lớn có thể có hàng chục người thuộc C-level, sẽ ra sao nếu những người này có những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề?
Nếu CEO không thể phù hợp với các hệ thống giá trị của một công ty, thì vị CEO đó đã ngồi nhầm công ty rồi
Bà Cathy Bessant, Giám đốc điều hành phụ trách công nghệ tại Bank of America cho biết, rủi ro khi để các ông sếp bộc lộ quá nhiều trước công chúng là khá cao bởi công chúng luôn mặc định đánh đồng quan điểm cá nhân của C-suite với quan điểm của công ty.
Mặc dù cần tôn trọng lập trường và việc thể hiện quyền công dân của các ông sếp khi phát ngôn, nhưng Bessant cũng cảnh báo rằng có những lĩnh vực chính cần tránh nêu quan điểm như các vấn đề chính trị chẳng hạn, trừ khi bạn thực sự chắc chắn rằng nó phù hợp với giá trị của bạn.
Chủ tịch TATA Sons cho rằng chúng ta cần phải phân biệt giữa một quan điểm dựa trên các giá trị hoặc quan điểm ở góc độ doanh nghiệp.
"Ở góc độ của doanh nghiệp, hầu hết quan điểm của CEO là quan điểm của công ty. Đó là tinh thần lãnh đạo mà tất cả mọi người đang tìm kiếm từ CEO của mình. Nhưng đôi khi, CEO phải có quan điểm xa hơn, và việc của CEO là truyền thông tới mọi người, tập hợn lực lượng và đưa họ "lên tàu"".
"Nếu bạn không thể phù hợp với các hệ thống giá trị của một công ty, thì bạn đã ngồi nhầm công ty rồi", ông Chandrasekaran thẳng thắn.
Ông Jonas Prizing - CEO Manpower Group, đồng tình với ý kiến CEO có thể có những quan điểm riêng, và cho rằng CEO có trách nhiệm lồng ghép những quan điểm đó vào văn hóa của công ty.
"Sức mạnh của văn hóa có một vị trí quan trọng khi bạn điều hành công ty. Việc nhân viên đến và cảm nhận tốt đẹp về mục đích của công ty ngày càng quan trọng, bởi vì nó sẽ được phản ánh trong các tương tác của họ với khách hàng và các cộng sự", CEO Manpower Group cho biết.
Nhưng ông Prizing cũng cảnh báo rằng nếu quan điểm của các CEO chỉ đại diện cho một "nhóm lợi ích" trong cộng đồng, điều này sẽ dẫn tới rủi ro cho thương hiệu.
Có lẽ, Elon Musk là người thấm thía điều này khi một tweet của anh đã "thổi bay" 20 triệu USD của Tesla kèm chức vụ Chủ tịch của mình.
Tuy nhiên, sự im lặng của các CEO lại thường bị đánh giá thấp, bà Bessant nói.
(*)C-suite hay C-level Jobs là tên gọi chung chỉ các chức danh ở vị trí cao nhất hoặc thuộc ban điều hành cấp cao của một công ty/tập đoàn. Các vị trí này đều bắt đầu bằng chữ C, gồm CEO - Giám đốc điều hành, CTO - Giám đốc công nghệ, COO - Giám đốc vận hành, CFO - Giám đốc tài chính, CMO - Giám đốc Marketing…
Theo Trí Thức Trẻ