Nguồn cung thịt heo chưa đủ đáp ứng thị trường, dẫn đến thịt heo đến tay người tiêu dùng giá vẫn cao.
Sau cuộc họp do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 30-3, đã có 15 công ty chăn nuôi heo lớn cam kết giảm giá heo hơi xuống còn 70.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn cao.
Nghịch lý giá heo hơi giảm, bán lẻ vẫn cao
Theo khảo sát của chúng tôi, một vài hệ thống siêu thị mới đây đã giảm giá các mặt hàng thịt heo 15%-25%. Tuy nhiên, giá thịt heo bán lẻ tại phần lớn các siêu thị đều giữ ở mức khá cao. Đơn cử như thịt đùi vẫn ở mức trên 160.000 đồng/kg, thịt ba rọi 179.000 đồng/kg, sườn non gần 240.000 đồng/kg. Thậm chí loại thịt ngon lên tới gần 300.000 đồng/kg. Tương tự, tại nhiều chợ, giá thịt heo cũng giữ ở mức cao, dao động trung bình trong khoảng 150.000-200.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Duy Hậu, chủ trang trại heo Tám Do ở Long An, vừa bán xong lứa heo hơi với giá 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi thương lái mua bán lại cho các lò mổ với giá cao hơn. Điều này dẫn đến nghịch lý giá heo hơi giảm, song giá thịt bán lẻ vẫn cao. Rốt cuộc, nếu giảm giá heo hơi thì người chăn nuôi bị thiệt, người tiêu dùng vẫn mua giá đắt. Chỉ có các thương lái và các đơn vị kinh doanh thực phẩm lời.
“Đáng lẽ, hiện nay giá heo hơi giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với trước thì giá thịt heo bán lẻ cũng phải hạ ở mức tương ứng. Đáng tiếc, người nuôi hạ giá heo hơi mà ra chợ thịt heo vẫn cao, vì vậy nhiều người chăn nuôi ở một số nơi lại tăng giá heo hơi trở lại chứ không bán giá 70.000 đồng/kg” - ông Hậu cho biết.
Tại thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay hiện chỉ có các đơn vị chăn nuôi lớn tuân thủ bán giá heo hơi 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4. Song do nguồn cung vẫn chưa ổn định trở lại, việc tái đàn vẫn chưa có lứa heo xuất nên giá heo hơi mấy ngày nay ở Đồng Nai lại tăng trở lại khoảng 72.000 -73.000 đồng/kg.
“Bên cạnh đó, nghịch lý khi giá heo hơi thấp thì người tiêu dùng vẫn mua giá cao và khi giá heo hơi cao thì thịt bán lẻ giá lại cao hơn nhiều lần nữa. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến giá heo hơi tăng trở lại” - ông Đoán chia sẻ.
Ông lớn kinh doanh thực phẩm cần làm gương
Ông Nguyễn Duy Hậu, chủ trang trại heo Tám Do ở Long An, cho rằng những ông lớn trong ngành kinh doanh thực phẩm đang thu mua với giá khoảng 70.000 đồng/kg heo hơi, không phải qua thương lái. Hơn nữa, họ có nhà máy giết mổ, pha lóc, chế biến thực phẩm và có cả hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng, chợ. Thế nhưng giá thịt heo bán lẻ các công ty này lại cao, thậm chí cao hơn giá thịt ở chợ là hết sức bất hợp lý.
“Thủ tướng Chính phủ kêu gọi giảm giá heo để hỗ trợ người dân vượt qua tác động của dịch COVID-19 nhưng giá thịt bán lẻ không giảm thì không thể chấp nhận được. Các ông lớn kinh doanh thực phẩm phải làm gương giảm giá, giảm bớt lợi nhuận” - ông Hậu nói.
Trước tình trạng giá thịt heo còn cao, chúng tôi đang tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp gốc rễ là phải tập trung tái đàn, tăng đàn; tiếp tục đề nghị các DN, hiệp hội cùng với bà con nông dân… hợp tác để tăng đàn.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương cùng các địa phương để làm sao giảm bớt các khâu trung gian giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng… Khi giảm được khâu trung gian thì mới có khả năng hạ giá sản phẩm.
Thứ ba, tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt trong chừng mực nhất định để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Thứ tư là hướng dẫn tiêu dùng, bởi khi người tiêu dùng mua các loại thực phẩm khác thay vì chỉ tập trung vào thịt heo thì sẽ giảm áp lực cho mặt hàng thịt heo.
Ông NGUYỄN XUÂN CƯỜNG,Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Còn theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, để giá thịt heo giảm về mức hợp lý cần hai giải pháp. Một là Nhà nước tiếp tục giảm thuế nhập khẩu để nhập thịt về nhiều hơn, giá rẻ hơn. Khi nguồn cung thịt heo dồi dào thì tự khắc thị trường sẽ điều chỉnh, các đơn vị bán lẻ muốn bán giá cao cũng không được.
Giải pháp thứ hai là tuyên truyền để người dân tăng sự hiểu biết về sử dụng thực phẩm. Từ đó bà con tự cân đối giữa các loại thịt, ăn thêm các loại thịt khác thay vì chỉ tập trung vào thịt heo mà giá lại rẻ hơn nhiều như thịt gà, thịt vịt, cá… Khi đó, cung-cầu tự điều chỉnh, giá thịt heo sẽ giảm về mức hợp lý.
Ông HOÀNG ANH TUẤN,Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương:
Doanh nghiệp cam kết giảm giá chỉ chiếm 35%
Nguyên nhân khiến giá thịt heo vẫn ở mức cao là do nguồn cung thịt heo sản xuất trong nước giảm do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Hiện việc tái đàn còn chậm, sản lượng thịt heo cung ứng ra thị trường trong quý I-2020 ước đạt 811.000 tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cạnh đó, việc nhập khẩu thịt heo để bổ sung nguồn cung thiếu hụt của sản xuất trong nước chưa đúng theo tiến độ đề ra. Theo kế hoạch, trong quý I-2020 phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo nhưng đến ngày 27-3 mới nhập khẩu được hơn 39.000 tấn.
Đến nay đã có 15 công ty chăn nuôi heo lớn thực hiện cam kết giảm giá heo hơi xuống còn 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 15 công ty này chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, còn khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp (DN) không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước.
Thêm vào đó, với việc thực hiện giãn cách xã hội nên một bộ phận người tiêu dùng đã mua tích trữ thực phẩm, trong đó có thịt heo để hạn chế số lần đi chợ. Do vậy, giá thịt heo đã tăng cục bộ tại một số nơi. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì đa phần giá thịt heo ổn định hoặc đã giảm nhẹ ở một số nơi.
Giá thịt heo tăng dần theo hai đường chính gồm chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ.
Cụ thể, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá heo hơi/thịt heo sẽ tăng trung bình khoảng 8%-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo). Lý do, qua mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng, những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương. Theo đó, từ DN chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá heo hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng/kg.
Qua quá trình giết mổ, pha lóc, từ 100 kg heo hơi chỉ thu được 55 kg thịt heo ăn được gồm cả nạc và mỡ. Như vậy, từ giá thành 70.000 đồng/kg heo hơi, sau khi giết mổ thì chi phí 1 kg thịt heo thành phẩm gồm cả nạc và mỡ sẽ thành 127.000 đồng/kg (không bao gồm chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng).
Từ đó, chúng ta có thể thấy giá thịt heo qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng cơ chế thị trường.
Ông NGUYỄN TẤT THẮNG,Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam:
Có hiện tượng găm hàng, làm giá
Chính phủ đã yêu cầu phải giảm giá heo nhưng trên thị trường giá thịt heo vẫn cao, điều đó chứng tỏ nguồn cung thịt heo tung ra thị trường vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu để giá giảm xuống. Các nguồn cung từ tái đàn, nhập khẩu vẫn chưa đáp ứng được.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng hệ thống phân phối thịt heo để đến tay người tiêu dùng có vấn đề, chưa khách quan, bị lợi dụng để làm giá, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra.
Tôi cho rằng hệ thống phân phối đang tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung giả tạo, DN và người dân xuất heo nhỏ giọt, giữ lại găm hàng. Họ vẫn bán với giá theo như cam kết với Chính phủ nhưng số lượng heo xuất ra thị trường dè dặt. Các DN có heo trong chuồng nhưng lúc nào cũng trông nhau để điều chỉnh.
Tôi lo ngại đến giữa năm 2020, với tình hình hệ thống phân phối thế này thì nhiều khả năng giá thịt heo vẫn chưa thể giảm. Tất cả giải pháp chỉ mang tính tương đối, tác động ở mức độ nhất định. Muốn giảm được thì phải có đủ nguồn cung thực sự.
QUANG HUY - AN HIỀN
Theo PLO