Lý Quí Trung, nhà sáng lập Phở 24: 'Tôi rất giỏi trong việc đóng cửa các nhà hàng'

01/02/2018 10:34

Trong kinh doanh, thất bại đáng buồn, tuy nhiên, sau đó hãy đứng dậy đi tiếp, vì đó chỉ là một "game" trong cuộc đời của bạn chứ không phải cả cuộc đời, doanh nhân Lý Quí Trung chia sẻ.

 

Sau 5 năm xa quê hương cùng những ngày dài chiêm nghiệm trong gần 2 năm tạm nghỉ không làm việc, người sáng lập Phở 24 Lý Quí Trung đã dành cho hơn 700 bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp những lời khuyên chân tình về cách ứng xử với thành công cũng như thất bại nhất là trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng.

Mở đầu với các bạn trẻ trong CLB Quản trị và khởi nghiệp, Lý Quí Trung nói: "Tôi là một người rất giỏi trong việc đóng cửa các nhà hàng".

Ông Trung thú nhận, không biết đã đóng cửa bao nhiêu nhà hàng từ lúc bắt đầu khởi nghiệp. Ông mới mở 2 nhà hàng ở Úc và cũng vừa đóng cửa 1 cái. "Đóng xong cảm thấy rất sung sướng. Trong cuộc đời mỗi người, mở nhà hàng hay công ty rất dễ, đóng mới khó", ông Trung nói.

Theo lý giải của vị doanh nhân này, để đóng cửa một nhà hàng, bạn phải vượt qua nhiều thứ. Có nhiều người vì sĩ diện, mặc dù nhà hàng lỗ hoặc huề vốn, vẫn kéo dài tới 10 năm. Trong quãng thời gian đó, bạn sẽ mất rất nhiều thứ.

Chuyện bù tiền chưa nói, mà bạn còn rất mệt não do lúc nào cũng lo lắng và trăn trở về nó, như kiểu mang một cái ung nhọt, để lại là một tai họa ngầm mà cắt đi lại sợ đau. Chưa nói, bạn mất nhiều cơ hội làm việc khác.

Do đó, theo Lý Quí Trung, nếu cảm thấy nhà hàng hay công ty gặp vấn đề, hãy can đảm đóng cửa ngay lập tức, ngừng cuộc chơi để trong đầu trống, chào đón cơ hội khác đến.

Trong từ điển của ông Trung không có từ "thất bại", chỉ là kết quả không như mong muốn. Khi đường đời không như ý, cách hành xử với nó như thế nào rất quan trọng. Với ông, khi cảm thấy nhà hàng không thể sinh lời nữa, ông sẽ nhẹ nhàng đóng cửa và quên chuyện đó ngay trong một nốt nhạc.

Tuy nhiên, kỹ năng quên nhanh cũng cần phải luyện tập. Chỉ có quên đi những chuyện không vui bạn mới có thể tập trung làm việc khác hiệu quả. Thái độ tâm lý tích cực rất quan trọng, nhất là trong thời điểm khởi nghiệp, khi bạn gặp phải rất nhiều thứ không như mong ước.

"Trong cuộc đời mỗi người, sẽ có nhiều dự án kinh doanh và công ty. Chúng ta không thể may mắn mãi được. Chỉ cần sau này cộng lại, dự án lời của bạn nhiều hơn lỗ là ổn. Thật ra, tất cả các doanh nhân thành đạt đều gặp ít nhiều thất bại, chỉ là họ không tiết lộ với bạn mà thôi", ông Trung cho biết.

Nói về việc bán lại chuỗi cửa hàng Phở 24, câu chuyện về Phở 24 trong cảm nhận của vị doanh nhân này cũng đã rất khác so với 5 năm trước. Ông Trung khẳng định, đó cũng chẳng phải là thất bại, chỉ là ông muốn đóng cánh cửa này lại để mở ra cánh cửa khác.

Ở thời điểm năm 2011, Phở 24 không hề lỗ mà chỉ thiếu tiền để phát triển thêm, đụng tới đâu cũng thấy thiếu tiền! Trong ngành ẩm thực nhà hàng, sau mỗi 10 năm, doanh nghiệp phải đổ tiền để làm mới sản phẩm, cửa hàng, thương hiệu…

"Muốn làm mới Phở 24, tôi buộc phải mượn tiền. Mượn hay không mượn tiền đều có cái hay và dở. Lựa chọn của tôi là không muốn mượn tiền. Thêm nữa, tôi cũng không còn cảm thấy hào hứng lúc điều hành Phở 24 như thời gian đầu. Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản và không còn máu lửa với nó. Mà nguyên tắc của tôi là không vui không làm", ông Trung kể.

Bên cạnh đó, ông cũng có ý định ngay lập tức thực hiện ước muốn trước đây: dành thời gian cho gia đình và vợ con.

Và thế là, Lý Quí Trung đã bán lại Phở 24 cho Công ty Việt Thái Quốc Tế với giá 20 triệu USD, bỏ qua ước mơ biến Phở 24 thành công ty 100 triệu USD như trong thời gian đầu khởi nghiệp.

Sau khi chia tay với Phở 24, Lý Quí Trung đã có 5 năm chẳng làm gì cả, chỉ dành thời gian cho gia đình và vợ con. Trong những năm bươn chải trên thương trường, trong ông luôn cảm thấy thiếu sót vì đã không dành nhiều thời gian cho con cái. Ông không muốn mất thêm cơ hội đồng hành với con trong bước đường trưởng thành của chúng.

Tuy nhiên, với những lời khuyên dành cho các bạn trẻ trước khi bán công ty, có vẻ ông Trung không hài lòng với giá trị thương vụ cũng như đối tác mà mình đã trao đứa con tinh thần.

Theo ông Trung, trước khi bán công ty, chúng ta cần làm những điều sau: Phải gặp nhiều người thì giá mới tốt, gặp đúng người thì sau khi mình đi ra, công ty mới đi lên chứ không phải đi xuống; làm bài tập về nhà tốt, học vài kiến thức cơ bản về đánh giá giá trị một thương hiệu.

Quỳnh Như/The Leader