Liệu đã đến lúc đặt vấn đề hợp thức hóa mại dâm để vừa đảm bảo công tác quản lý vừa tăng nguồn thu thuế? Góc nhìn của VietnamFinance giữa lúc bê bối "mại dâm 25 ngàn USD" đang làm nóng công luận.
"Ngành công nghiệp" không có ánh mặt trời
Đầu tháng 9, một vụ bắt mại dâm được công khai gây rúng động dư luận. Nhưng tâm điểm của sự chú ý không nằm ở danh tính hay số lượng diễn viên, người mẫu, á hậu, MC bán dâm mà nằm ở mức giá khủng khiếp "được khai báo": 7.000 - 25.000 USD/lượt/giờ bán dâm.
25.000 USD - đó là mức thu nhập bình quân đầu người dự tính của Việt Nam đến năm 20xx (với x chưa xác định), bởi Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035 chỉ ở mức 10.000 USD.
Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới ở khoảng 2.400 USD. Điều này có nghĩa là giá bán dâm cao nhất đang gấp 11 lần thu nhập bình quân đầu người. Một con số ấn tượng mà nếu phải so sánh, có lẽ chỉ thua mỗi giá nhà (giá nhà tại Việt Nam hiện đang gấp 20 - 25 lần thu nhập trung bình).
Con số 25.000 USD gợi ra cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm. Một trong số đó là quy mô của khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE).
Theo Tổng cục Thống kê, NOE bao gồm 5 thành tố là: kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản; kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp.
Hoạt động mại dâm được xếp vào kinh tế phi pháp và dĩ nhiên chưa ai đo lường được quy mô chính xác của nó, về số người tham gia, số địa điểm, doanh thu, lợi nhuận...Tuy nhiên, với con số 25.000 USD/lượt/giờ, chúng ta có thể mường tượng được quy mô khổng lồ của "ngành công nghiệp không khói" này.
Vấn đề là Chính phủ đang muốn cộng NOE vào GDP nhưng lại chưa rõ sẽ ứng xử như thế nào với khu vực kinh tế này.
Đơn cử như mại dâm, tranh luận giữa việc cấm và hợp pháp hóa đến nay vẫn chưa có hồi kết, bất chấp một "thông lệ quốc tế" là có tới 77 quốc gia hợp pháp hóa/thừa nhận mại dâm.
Dư địa thuế
Một thực tế mà hầu như ai cũng nhận thấy là trong vài năm trở lại đây các đề xuất tăng thuế xuất hiện với một tần suất dày đặc, từ VAT, thuế nhà đất, thuế bảo vệ môi trường đến các loại thuế nhân danh bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng thuế là một động thái gần như tất yếu (và bắt buộc) của Chính phủ, khi nguồn thu thuế bị sụt giảm và việc cân đối ngân sách ngày càng trở nên khó khăn.
Nhưng không phải Chính phủ cứ nói thu là thu ngay được. Làn sóng phản đối tăng thuế trong các năm qua đã đẩy lùi nhiều đề xuất của Bộ Tài chính.
Dư địa thuế, vì vậy, còn khá nhiều nhưng lại không dễ thu.
Tuy nhiên, có hai hoạt động kinh tế có thể thu ngay với mức thu rất lớn và ổn định là cờ bạc và mại dâm. Hoạt động cờ bạc Chính phủ đã có thí điểm nhưng hoạt động mại dâm thì chưa, trong khi đây là mảnh đất cực kỳ màu mỡ vì độ phổ biến cao và có mức giá khủng khiếp (như trên đã nêu).
Giảm gánh nặng nợ cho người dân
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA, công bố trung tuần tháng 8 vừa qua, cho biết năm 2018, nợ công dự kiến của Việt Nam là 3,5 triệu tỷ đồng. Con số này vào năm 2019 là 3,9 triệu tỷ đồng và sẽ là gần 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020.
Với mức nợ công 3,5 triệu tỷ đồng, hiện trung bình một người dân Việt Nam đang "cõng" khoản nợ 35 triệu đồng (tăng thêm 4 triệu đồng so với năm ngoái).
Để trang trải món nợ công khổng lồ, Chính phủ có cách nào khác ngoài tiết kiệm chi tiêu và mở rộng cơ sở thu thuế?
Tranh luận về việc cấm hay hợp pháp hóa mại dâm để đánh thuế xin không bàn ở đây, nhưng có thể thấy, đó ít nhiều có thể là một "lối mở", cho dù việc hợp thức hóa mại dâm sẽ tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi.
Chính phủ Malaysia hồi tháng 6 năm nay đã lập Quỹ Hy vọng (Hope Fund) nhằm kêu gọi người dân đóng góp để trả khoản nợ công lên tới 1.000 tỷ Ringgit (tương đương 251 tỷ USD). Đó là một lối thoát tuyệt vời của người Malaysia.
Còn ở Việt Nam, liệu Chính phủ có gọi được một "Tuần lễ vàng" để trả khoản nợ công 3,5 triệu tỷ đồng?