Nếu việc đầu tiên khi thức dậy của bạn là vớ lấy điện thoại và cả ngày bạn không ngừng vuốt màn hình lên xuống thì có lẽ bạn đang nghiện điện thoại. Hãy đọc hết bài này trước khi cai nghiện smartphone.
Ting! Ting! Bạn có thông báo mới. Ngay lập tức, bạn cầm điện thoại lên, kiểm tra thông báo. Xong! Nhưng chưa dừng lại, bạn bị cuốn vào những tin tức mới, những clip hot… Chúng nối đuôi nhau khiến bạn không thể ngừng sự chú ý. Bạn vuốt, chạm điện thoại liên tục cho đến khi giật mình ngẩng lên và nhận ra đã quá muộn.
Nhưng không phải một mình bạn. Tại Mỹ, theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 28% người lớn online "gần như liên tục", do sức hút của các ứng dụng. Hóa ra bộ não của chúng ta được liên kết với nhau để yêu thích những cú cuộn màn hình vô tận - điều mà các nhà thiết kế UX (trải nghiệm người dùng) đang ngày càng xem như một vấn đề đạo đức.
Theo Adam Alter, một giáo sư tại trường Kinh doanh thuộc Đại học New York và là tác giả của cuốn sách Không thể cưỡng lại: Sự trỗi dậy của công nghệ gây nghiện và Công việc khiến chúng ta bị cuốn hút, "việc cuộn màn hình liên tục khiến chúng ta sử dụng điện thoại lâu hơn nhiều so với trường hợp dòng tin kết thúc hoặc chúng ta phải nhấn nút click để mở ra các nội dung mới. Và động tác này thực sự gây nghiện không kém các chất hóa học. Hiện tượng đó rất tốt cho các công ty công nghệ kiếm tiền từ các cú click và cuộn của bạn, nhưng nó lại không có lợi cho bộ não của bạn.
Alter cho biết, mặc dù vẫn chưa rõ về phạm vi gây hại của những cái vuốt màn hình trong vô thức, nhưng có một số dấu hiệu đáng lo ngại, bao gồm trầm cảm gia tăng ở thanh thiếu niên. Ngay cả với người trưởng thành, "chúng ta cũng nhấn chìm hàng giờ liền mỗi ngày dán mắt vào màn hình, nên cho dù nó không gây hại trực tiếp thì cũng gián tiếp khiến chúng ta hạn chế giao tiếp trực diện, tập thể dục, làm việc có ích và rất nhiều việc khác".
Nếu bạn đang có thói quen vuốt/cuộn màn hình liên tục, dưới đây là những "bài thuốc" hiệu quả để bạn cai nghiện điện thoại/máy tính.
Thừa nhận rằng mình đang gặp vấn đề
Bước đầu tiên trong việc chiến đấu với bất kỳ chứng nghiện nào là nhận ra vấn đề của mình, và thói quen vuốt/cuộn màn hình vô thức cũng không ngoại lệ. Về lâu dài, nó có tác động tiêu cực và chúng ta phải điều chỉnh nó.
Tắt chức năng notification (thông báo)
Chìa khóa để giảm bớt việc vuốt/cuộn màn hình một cách vô thức là hạn chế nhìn vào điện thoại. Điều này sẽ khó thực hiện nếu các thông báo cứ liên tục hiện lên mỗi khi bạn nhận được email hay phản hồi trên mạng xã hội. Nếu bạn tắt chế độ thông báo notification, sẽ không có gì khiến bạn mất tập trung.
Không để điện thoại gần giường ngủ
Kiểm tra điện thoại ngay khi thức dậy không phải là thói quen tốt, nhưng còn tồi tệ hơn nếu bạn kiểm tra nó vào ban đêm. "Ánh sáng xanh của màn hình phát tín hiệu tới bộ não của chúng ta rằng đây là ban ngày, khiến chúng ta bị thao thức."
Đặt điện thoại ở phòng khác
Để cắt cơn nghiện tốt nhất là loại bỏ mọi cám dỗ. "Quy tắc vàng trong việc sử dụng bất kỳ thứ gì là bạn không thể sử dụng nó nếu nó không hiện diện", Alter cho biết. "Ba phần tư trong số chúng ta có thể với lấy điện thoại mà không cần di chuyển chân 24h mỗi ngày. Nếu bạn giảm thời gian đó lại, hay nói cách khác, rời điện thoại từ phòng ngủ của bạn sang một phòng khác trong vài tiếng mỗi ngày, bạn sẽ dễ dàng làm các việc khác hơn mà không bị mất tập trung."
Để điện thoại ở nhà
Hãy làm quen với việc thỉnh thoảng nói không với điện thoại bằng cách để nó ở nhà khi ra ngoài một lúc (đi chợ hay đi thể dục chẳng hạn), hoặc cách ly nó trong một căn phòng khác khi bạn đang ở nhà. Bạn có mang điện thoại vào toilet không? Nếu có, hãy dừng lại ngay.
Bật chế độ xám
Nếu bạn có một chiếc iPhone, sẽ hữu ích nếu bạn đặt điện thoại ở chế độ grayscale (thang độ xám), nó sẽ loại bỏ hoàn toàn màu sắc khỏi điện thoại. Bảng màu xám làm cho các ứng dụng trở nên kém bắt mắt hơn và có thể khiến bạn không nhìn vào nó lâu. Tuy nhiên, cách này chỉ là tạm thời.
Tắt ứng dụng khỏi điện thoại của bạn
Việc loại bỏ các ứng dụng thực sự có thể cắt giảm đáng kể thời gian vuốt/cuộn màn hình của bạn. Bạn vẫn có thể truy cập vào Facebook, Twitter và Instagram trên máy tính để bạn và thông qua trình duyệt internet trên điện thoại, nhưng điều đó đòi hỏi bạn phải làm các bước bổ sung – và tất nhiên bạn sẽ không thường xuyên làm như vậy.
Đặt ra giới hạn
Khi phá vỡ một thói quen xấu, tốt nhất là bạn phải có chủ ý. Hãy đặt giới hạn cụ thể cho việc sử dụng điện thoại, chẳng hạn như bạn sẽ kiểm tra điện thoại lần đầu tiên vào khi nào, bạn được phép kiểm tra điện thoại vào những lúc nào, và bạn sẽ giãn cách giữa những lần vuốt điện thoại bao nhiêu giờ.
Thay vì nhìn vào điện thoại trước tiên vào buổi sáng thức dậy, hãy dành chút thời gian để thiền, pha cà phê hoặc đi dạo bộ quanh khu nhà. Thay vì kiểm tra email vào đêm khuya, hãy tránh dùng điện thoại khoảng 1-2 tiếng trước giờ đi ngủ, và thay bằng một cuốn sách gối đầu giường.
Cuối cùng, bạn sẽ không cảm thấy nhu cầu sử dụng các ứng dụng và vuốt màn hình liên tục nữa. Một khi kiềm chế được sự kích thích từ các phương tiện điện tử, bạn sẽ bắt đầu một cuộc sống thực sự.