Mảng hàng tiêu dùng của Masan tiến vào quỹ đạo tăng trưởng

02/02/2024 16:59

Một năm 2023 đã qua với nhiều thách thức vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến hệ quả là nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Trong bối cảnh đó, thị trường tiêu dùng bán lẻ vẫn có những điểm sáng. Đơn cử như Masan Consumer (Công ty thành viên thuộc Masan Group) không những đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng mà còn tiếp tục bứt phá trong năm 2024.

winmart-voi-khong-gian-mua-sam-moi-me-ket-hop-cung-cac-chuong-trinh-uu-dai-lon-thu-hut-su-chu-y-cua-nguoi-tieu-dung-1706867739.jpg

Biên lợi nhuận vượt đỉnh lịch sử

Theo báo cáo tài chính Masan, quý 4/2023 tiếp tục là quý bùng nổ của Masan Consumer (MCH). Trong năm 2023, MCH ghi nhận 29.066 tỷ đồng doanh thu thuần và 7.431 tỷ đồng EBITDA trong năm 2023. Trên cơ sở LFL, doanh thu của MCH tăng 9,0% trong năm 2023 và 5,4% so với cùng kỳ năm trước trong khi vẫn duy trì mức hàng tồn kho lành mạnh. Biên lợi nhuận gộp vượt đỉnh lịch sử, tăng trưởng mạnh lên mức 44,9% trong năm 2023, tăng đáng kể so với mức 40,1% trong năm 2022 trên cơ sở LFL, nhờ cơ cấu sản phẩm có biên lợi nhuận cao, thương hiệu mạnh, giá nguyên liệu đầu vào thấp và vận hành sản xuất hiệu quả.

Trong năm 2023, ngành hàng Chăm sóc sức khỏe gia đình, cá nhân, Gia vị và Thực phẩm tiện lợi dẫn đầu “đường đua” tăng trưởng, ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 39,4%, 18,2%, 8,8% so với cùng kỳ.  Để đảm bảo sự ổn định của biên lợi nhuận trong năm 2024, MCH đã chốt phần lớn giá cho nguyên vật liệu sản xuất cho đến nửa cuối năm nay.

masan-consumer-tham-du-trien-lam-thuc-pham-va-do-uong-quoc-te-nhat-ban-foodex-japan-2023-1706867739.jpg

1 năm thành công của chiến lược “Go Global”

Trong kinh doanh, việc thấu hiểu năng lực cốt lõi doanh nghiệp cũng như điểm mạnh điểm yếu, sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ thành công khi lên kế hoạch doanh số, và thị trường mục tiêu.

Công ty Masan Consumer nhận thức rõ thách thức và cơ hội của họ. Từ năm 2023 đến nay, doanh nghiệp này đã và đang tăng tốc chiến lược "Go Global" hướng đến mục tiêu 15% doanh số năm 2027 đến từ kinh doanh quốc tế. Với tỷ trọng hiện tại là 4%, Masan Consumer cần đặt mức tăng trưởng 2 - 3% mỗi năm, tương đương mức tăng gần 4 lần vào thời điểm 2027. Với những con số và sự kiện nổi bật năm nay của Masan Consumer cũng hé lộ phần nào kết quả khả quan của chiến lược “Go Global”.

Cụ thể, trong năm 2023, chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 5/2023, MCH đã thành công tham gia 2 thị trường “tỷ đô” của Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt tại sự kiện Japan Foodex và Seoul Food 2023. Doanh nghiệp ghi nhận sự đón nhận tích cực và được người tiêu dùng bản địa dành cho hàng loạt lời khen tặng. Tại thị trường của xứ sở cờ hoa, vào ngày 25/11/2023, tương ớt CHINSU của MCH đã vượt qua hơn 400 thương hiệu tương ớt (Chili Sauces) đang được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon và lọt Top 8 Best Seller. Đây là thành tựu quan trọng đối với bất kỳ nhà bán hàng nào.

Theo số liệu từ công ty, chiến lược Go Global đã giúp mang về cho mảng xuất khẩu của MCH doanh thu 1.005 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận kép hàng năm đạt mức 31% xuyên suốt từ năm 2020 đến năm 2023.

khach-hang-mua-sam-nhon-nhip-dip-cuoi-tuan-tai-sieu-thi-winmart-1706867739.JPG

Nhiều phát kiến xoay quanh văn hóa “Người Việt dùng hàng Việt”

Người dân các nước phát triển luôn ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa. Như tại Nhật Bản, dùng hàng nội địa đã trở thành văn hóa. Tại Việt Nam, "Người Việt dùng hàng Việt" không chỉ dừng lại là một phong trào, khi người dân ngày càng nhìn nhận đúng đắn về chất lượng các sản phẩm nội địa cũng như có ý thức ủng hộ các nhà sản xuất trong nước.

Thấu hiểu điều này, trong năm 2023, Masan Consumer tích cực triển khai nhiều chiến lược đổi mới sáng tạo phục vụ người tiêu dùng trong nước. Đơn cử như chiến lược cao cấp hóa sản phẩm được doanh nghiệp này quyết liệt triển khải trong năm vừa qua.

Cụ thể, Masan Consumer đã “trình làng” lẩu tự sôi bắp bò riêu cua Omachi. Song song với đó, doanh nghiệp này còn bắt tay với Phở Thìn Bờ Hồ - hàng phở gia truyền có tuổi đời gần 70 năm, phát triển dòng sản phẩm ăn liền mới mang tên Phở Story. Lần đầu tiên trên thị trường, một thương hiệu tiêu dùng hàng đầu kết hợp với một hàng phở gia truyền để ra mắt sản phẩm tiện lợi mới. Ngoài ra, đối với ngành hàng sản phẩm chăm sóc gia đình, cá nhân, MCH ra mắt bột giặt Joins 2 trong 1 với chức vừa giặt vừa xả mà giá chỉ ngang bằng các loại bột giặt không tích hợp tính năng xả vải.

Theo đó, để tăng tỷ lệ thành công và tối ưu hóa thời gian ra mắt, MCH “tung” các sản phẩm mới lên chuỗi hệ thống WinCommerce (Các cửa hàng, siêu thị WinMart/WinMart+/WIN) và các kênh digital. Động thái này đã giúp doanh thu đổi mới (doanh thu của các sản phẩm mới, áp dụng các đổi mới, sáng tạo) đạt 1.284 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Trong năm 2024, MCH đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần dự kiến từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng trong năm 2024, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân. Chiến lược “Go Global“là động lực tăng trưởng trung và dài hạn quan trọng cho MCH khi doanh nghiệp đặt mục tiêu quảng bá văn hóa F&B Việt Nam đến 8 tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Việc phá vỡ kỷ lục kinh doanh, ra mắt thành công sản phẩm mới tại thị trường nội địa cũng như quốc tế không chỉ đánh dấu bước tiến vững vàng của Masan Consumer, mà còn góp phần khẳng định vị thế hương vị Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới. Trong thời gian tới, khi tình hình kinh tế khởi sắc, tiêu dùng phục hồi, MCH sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa, không những ở thị trường nội địa mà còn trên bình diện toàn cầu.