Tổng hợp nguồn thu và chi phí, Masan đạt lợi nhuận thuần 4.083 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh trong 9 tháng năm nay, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do ghi nhận lợi nhuận khác đột biến lên đến trên 1.000 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế 9 tháng của tập đoàn này vẫn tăng gần 6% lên 5.083 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ Công ty phát sinh khoản lãi khác gần 1.220 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Masan ghi nhận lợi nhuận ròng 2.425 tỷ đồng, cao gấp 3 cùng kỳ. Theo Masan, lợi nhuận quý 3 tăng cao chủ yếu nhờ thu nhập liên quan đến vụ kiện trọng tài quốc tế NPM.
Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, doanh nghiệp do CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, UPCoM: MSR) sở hữu 100% vốn thông báo dàn xếp xong vụ kiện tại trọng tài quốc tế với Jacob E&C Australia (công ty con thuộc Jacobs Group). Theo đó, đối tác ngoại hoàn tất thanh toán 130 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng) cho Núi Pháo.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Masan đạt 27.423 tỷ doanh thu, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế thu về 4.616,5 tỷ đồng, tăng 6,5%.
Chi tiết từng mảng, tăng trưởng có Masan Consumer Holdings (MCH) nhờ chiến lược cao cấp hoá sản phẩm. Masan MEATLife mặc dù doanh số thức ăn cho lợn giảm do dịch tả heo châu Phi (ASF), tuy nhiên vẫn được bù đắp bởi thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản.
Ngược lại, doanh thu Masan Resources (MSR) giảm do giá Vonfram thấp và tồn kho Đồng.
Tính đến tháng 10/2019, MML đã ra mắt thành công 320 điểm bán có hệ thống bảo quản lạnh tại Hà Nội và Tp.HCM, so với 116 điểm bán có hệ thống bảo quản lạnh vào cuối quý 2/2019. Dự kiến, chuỗi điểm bán có hệ thống bảo quản lạnh sẽ đạt hơn 650 điểm vào cuối tháng 12/2019, chỉ sau Bách Hóa Xanh và VinMart.
Theo kế hoạch, MML sẽ mở rộng danh mục thịt với phát kiến thịt mát chế biến dự kiến ra mắt người tiêu dùng vào tháng 11/2019. Công ty cũng dự niêm yết trên thị trường UpCOM vào cuối năm 2019.
Theo Trí thức trẻ