Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mặt tối của nền giáo dục Singapore: Cả tỷ USD được chi mỗi năm vì "nỗi ám ảnh Kiasu", trẻ em 12 tuổi thi chuyển cấp khắc nghiệt chẳng kém đại học

05/07/2019 10:25

Đằng sau vị trí số 1 thế giới trong bảng xếp hạng PISA của Singapore là nỗi ám ảnh, áp lực chồng chất của cả cha mẹ và những đứa trẻ.


Đằng sau vị trí số 1 thế giới trong bảng xếp hạng PISA của Singapore là nỗi ám ảnh, áp lực chồng chất của cả cha mẹ và những đứa trẻ.

Từ trước đến nay, nền giáo dục ở những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều "khét tiếng" là khắc nghiệt và áp lực. Gaokao ở Trung Quốc được coi là kì thi đại học khốc liệt nhất thế giới trong khi tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, không quan trọng bạn có bao nhiêu tiền, thay vào đó là bạn có bao nhiêu bằng cấp trong tay.

Còn Singapore, người ta thường biết đến quốc gia nhỏ bé này với cái tên "con rồng của châu Á" bởi sự phát triển vượt trội về cả kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh cũng như chất lượng sống. Nhưng tương tự như 3 nước trên, nền giáo dục khắc nghiệt, trọng bằng cấp, xếp hạng đã và đang là nỗi ám ảnh của những cô cậu học sinh tại quốc đảo này.

 

Chi phí học hành lên đến cả tỷ USD

Năm 2015, một khảo sát chi tiêu hộ gia đình tiết lộ rằng các gia đình ở Singapore đã chi tổng cộng 1,1 tỷ USD mỗi năm cho các khoản học phí của con. Con số này lớn gần gấp đôi so với 650 triệu USD ở thời điểm 10 năm trước, và cũng nhiều hơn đáng kể số tiền trung bình 820 triệu USD mà họ chi trả hồi 2010.

Giáo sư Tan, người nghiên cứu về quan điểm, nhận thức đối với học phí cho biết: "Những khoản tiền học gia sư của ngành công nghiệp khổng lồ này là điều giữ cho đứa trẻ vượt lên trên so những bạn đồng trang lứa. Nhiều gia sư dạy trước chương trình học, để đứa trẻ có lợi thế cạnh tranh."

Mặt tối của nền giáo dục Singapore: Cả tỷ USD được chi mỗi năm vì nỗi ám ảnh Kiasu, trẻ em 12 tuổi thi chuyển cấp khắc nghiệt chẳng kém đại học - Ảnh 1.

Trẻ em Singapore tại các lớp học thêm.

Các chương trình học gia sư, tư nhân thì mọc lên như nấm để đào tạo cho học sinh những kỹ năng với nhiều mục đích khác nhau. Có thể kể đến như chương trình Giáo dục Năng khiếu và các khóa học ôn thi kiểm tra đầu vào, PSLE (kỳ thi chuyển cấp tiểu học), phỏng vấn cho chương trình Nhập học trực tiếp (cho phép các trường chấp nhận học sinh không chỉ xét đến khả năng học tập mà còn dựa vào tài năng trong thể thao và tác phẩm nghệ thuật).

 

Tâm lý "kiasu"

Trong hệ thống giáo dục ở Singapore, học giỏi chưa đủ. Điều quan trọng là bạn phải vượt trội, làm tốt hơn so với những người khác. Giả sử nếu bạn nhận được 85/100 cho bài kiểm tra của mình nhưng phần lớn học sinh trong lớp nhận được 90/100, có thể bạn sẽ chỉ nhận được xếp hạng B4 (mức thấp nhất, hoàn thành dưới 50%).

Do đó, các bậc cha mẹ Singapore đã chi tiền cho việc học gia sư, tư nhân để giúp con duy trì khả năng cạnh tranh với những đứa trẻ cùng lớp. Năm 2014, Eddy Tan, 50 tuổi, chi 1.800 USD mỗi tháng cho việc học ngoài của ba đứa con, từ 11 đến 16 tuổi.

"Mọi đứa trẻ tôi thấy đều có gia sư. Vì vậy, nếu tôi không cho con học gia sư, chúng có thể bị tụt lại phía sau. Đó là tâm lý "kiasu" (nỗi lo sợ bị tụt lại phía sau hay sợ thua cuộc)", ông bộc bạch.

Mặt tối của nền giáo dục Singapore: Cả tỷ USD được chi mỗi năm vì nỗi ám ảnh Kiasu, trẻ em 12 tuổi thi chuyển cấp khắc nghiệt chẳng kém đại học - Ảnh 2.

Gần như tất cả học sinh Singapore đều học thêm gia sư, cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ.

Nó giống như một cuộc chạy đua vũ trang, nơi người ta mãi mãi cố gắng để nằm trong 10% top đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc với những cha mẹ không đủ khả năng chi trả, con của họ sẽ bị bỏ lại phía sau.

 

6 năm tiểu học với 2 kì thi khắc nghiệt không kém thi đại học

Hệ thống giáo dục bắt buộc của Singapore bao gồm 6 năm tiểu học, 4 năm trung học và từ 1 đến 3 năm sau trung học. Những đứa trẻ trải qua hai kỳ thi lớn trước khi rời trường tiểu học.

Vào cuối năm 4 của bậc tiểu học, học sinh được kiểm tra để xác định các chương trình mà chúng sẽ học bằng tiếng Anh, Toán, tiếng mẹ đẻ và khoa học. Đến năm cuối tiểu học, học sinh lớp 6, khi mới 12 tuổi, bước vào kì thi vượt cấp (PSLE) để phân luồng cho bậc trung học.

Và đây là một ngày điển hình của những cô cậu học trò nhỏ trước kì thi khắc nghiệt này, được bé Amelia kể lại, thu hút hơn 11.000 lượt chia sẻ trên Facebook.

Một ngày điển hình của học sinh Singapore khi chuẩn bị cho kì thi PSLE.

Trung bình mỗi tuần, Amelia dành 15 giờ cho các lớp học thêm, gồm: 5 giờ học viết sáng tạo, 4 giờ trên lớp mĩ thuật, 4 giờ Toán và thời gian còn lại để học thêm tiếng Trung.

Vừa tan học ở trường, Amelia đến ngay trung tâm bồi dưỡng tiếng Trung, sau đó vội vã tới lớp học thêm Toán. Thứ Tư và thứ Năm là 2 ngày duy nhất cô bé không phải đi học thêm.

"Cô giáo cháu nói kì thi PSLE 2016 này sẽ khó nhất từ trước đến nay, bởi vậy, cháu muốn chuẩn bị thật kỹ. Rất áp lực. Cô giáo luôn giao bài tập về nhà, và sau mỗi lần, học sinh phải được điểm cao hơn lần trước. Áp lực đến từ giáo viên, bạn bè, sự cạnh tranh giữa các bạn với nhau và từ chính bản thân cháu.", cô bé 12 tuổi chia sẻ.

Còn cha của Amelia cho biết: "Điều gi đã thúc đẩy cô bé? Ở Singapore, đó là văn hóa "kiasu". Thêm nữa, Amelia muốn chúng tôi tự hào vì cô bé biết cha mẹ đã cố gắng hết sức để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho mình."

Mặt tối của nền giáo dục Singapore: Cả tỷ USD được chi mỗi năm vì nỗi ám ảnh Kiasu, trẻ em 12 tuổi thi chuyển cấp khắc nghiệt chẳng kém đại học - Ảnh 4.

Những đứa trẻ lớp 6, mới 12 tuổi đã phải trải qua kì thi PSLE khắc nghiệt không kém thi đại học.

Không chỉ bé Amelia, những đứa trẻ mới chỉ 12 tuổi khác đều nhận thức được tầm quan trọng, thậm chí mang ý nghĩa quyết định đến tương lai của kì thi PSLE. Sau khi có kết quả, học sinh sẽ được phân thành 4 luồng: Đặc biệt, Nhanh, Học thuật thông thường và Kỹ thuật thông thường.

Nhóm đặc biệt chiếm 10% tổng số học sinh, có cơ hội lớn nhất để tăng tốc đến các trường đại học danh giá hàng đầu. 50% số học sinh được xếp vào nhóm Nhanh trong khi nhóm Học thuật thông thường (chiếm 20%) sẽ đi tới các học viện, bách khoa. Phần còn lại thường sẽ học và nhận bằng cấp từ những viện giáo dục kỹ thuật.

Một số phụ huynh Singapore coi việc phân luồng có lợi cho trẻ em, để chúng được đào tạo phù hợp với năng lực học tập khác nhau. Tuy nhiên, Jamie Sisson, một giảng viên giáo dục tại Đại học Nam Úc, cho biết điều này làm tăng căng thẳng cho cả trẻ em và phụ huynh.

 

Cái giá cho vị trí số 1 thế giới

Hệ thống giáo dục Singapore được cho là sản xuất ra những đứa trẻ đứng đầu bảng xếp hạng thế giới trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Quốc đảo nhỏ bé này đứng số 1 trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu PISA nhưng cũng làm dấy lên tranh cãi rằng liệu điểm số hoàn hảo này đã tạo ra những người có tư duy phê phán hay chỉ đơn thuần là học vẹt, thiếu phát triển về kỹ năng hành vi và xã hội.

Howard Tan, cựu giáo viên tiểu học Singapore đã chuyển sang làm gia sư riêng, nói rằng ông từng gặp phải những bậc cha mẹ gây nhiều áp lực không đáng có cho những đứa trẻ của họ. Họ thậm chí thất vọng ngay khi con mình đạt được ít hơn 90% trong các bài kiểm tra.

Tan cũng nói rằng khi còn dạy các lớp giáo dục thể chất ở trường tiểu học, anh nhận thấy một số trẻ em thiếu kỹ năng vận động. "Học sinh cần được giao lưu và học cách giải quyết xung đột với các đứa trẻ khác. Nhiều học sinh tôi dạy đã không biết cách đối phó với những bất đồng; chúng chỉ la hét vì không biết làm gì hơn.", anh ấy nói.

Mặt tối của nền giáo dục Singapore: Cả tỷ USD được chi mỗi năm vì nỗi ám ảnh Kiasu, trẻ em 12 tuổi thi chuyển cấp khắc nghiệt chẳng kém đại học - Ảnh 5.

Những đứa trẻ chịu những áp lực nặng nề từ cha mẹ và thiếu các kĩ năng hành vi, xã hội.

Trong khi đó, năm 2015, đã có 27 người ở độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi tự tử tại đất nước này, gấp đôi so với năm trước và cao nhất trong hơn một thập kỷ, theo Samaritans của Singapore. Vào tháng 5 năm 2016, một cậu bé 11 tuổi đã nhảy xuống từ tầng 17 của một khu nhà vì sợ hãi sau khi chia sẻ kết quả thi của mình với cha mẹ. Đó là lần đầu tiên đứa trẻ đó thất bại trong một môn học.

Trái lại, Phần Lan, trẻ em không đi học cho đến khi đủ 7 tuổi. Học sinh có rất ít hoặc không có bài tập về nhà, kỳ nghỉ dài hơn, chỉ có một kỳ thi chính vào năm cuối bậc trung học và văn hóa "dạy thêm, học thêm" thì vô cùng xa lạ. Kết quả là, đất nước này xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng PISA, học sinh phát triển thành những người có tư duy phản biện và kỹ năng xử lý tình huống

Đã đến lúc thay đổi? Một tin vui đó là Bộ giáo dục Singapore quyết định sẽ dừng hoàn hoàn việc phân luồng học sinh vào năm 2024, động thái mạnh mẽ giúp trẻ em và cả các bậc phụ huynh phần nào thoát khỏi nỗi ám ảnh về cuộc đua thành tích hiện nay.


T.Dương

Theo Trí Thức Trẻ