Có lẽ chưa bao giờ mà tai nạn giao thông vì cồn lại nhạy cảm như giai đoạn này, thứ đồ uống từ trước đến nay vốn mặc định là dùng cho sự thăng hoa cảm xúc của các cuộc vui giờ bỗng dưng trở thành thủ phạm gây ra những tiếng kêu khóc đầy tang thương, ai oán.
Có lẽ những ai đã, đang và từng là công chức hoặc nhân viên văn phòng, cơ quan sở mỏ, công ty... thì sẽ biết rằng thứ văn hoá "trăm phần trăm nhé" nó ngấm vào máu của nhiều con người sơ mi đóng thùng, chân đút gầm bàn cả ngày ngồi máy lạnh nó như thế nào.
Hôm nay đội có bằng khen tặng thành tích: liên hoan.
Hôm qua văn phòng mình thắng giải bóng đá: liên hoan.
Tháng này anh B sẽ mua xe mới: liên hoan.
Lương về: liên hoan.
Không phải viết báo cáo: liên hoan.
Cô C trong phòng có bạn trai ra mắt: liên hoan.
Có ti tỉ thứ lý do rất giời ơi đất hỡi khiến người ta ngồi ì bên bàn nhậu ít nhất 2 tiếng rưỡi để "dô" trê hay trăm phần trăm được. 99,9% những buổi liên hoan đều phải có rượu bia và thậm chí đàn bà cũng bị bắt uống, uống đến ù tai, đỏ sọng cả mắt, chân tay liêu xiêu mà vẫn dí nốc cồn rồi lè nhè dăm câu ba điều "rượu bất khả ép, ép bất khả từ" xong cười hô hố với nhau.
Tôi từng chứng kiến bạn mình bị sếp ép uống nhiều lần đến mức bây giờ ống tai có vấn đề và khả năng nghe chỉ còn 40% do quá nhiều lần móc họng dẫn đến ảnh hưởng về vấn đề tai và mũi.
Tôi từng chứng kiến nhiều anh em bị ép cạn ly vì nếu không uống sẽ là: "Mày khinh anh à?"; "Mày sợ vợ (người yêu) ah? Hèn thế"; "Con á? Gọi vợ nó đón, đàn ông phải có bản lĩnh";
Chúng ta có lẽ chỉ biết trách những người uống rượu mà quên đi những kẻ gọi là bạn, gọi là sếp, gọi là đồng nghiệp nguỵ biện bằng những cụm từ như "quan hệ xã hội", "tiếp khách" để ép những người thực sự không muốn dính dáng đến cồn mà vẫn phải miễn cưỡng nhắm mắt nhắm mũi nuốt thứ thức uống vừa cay vừa chát đó.
Đã đến lúc chúng ta phải cương quyết tẩy chay những thói "man ri mọi rợ" mông muội cứ phải đi ba tăng: tăng đầu tiên là rượu, tăng hai là hát, tăng ba là gái mới ký được hợp đồng, mới có được khách hàng, mới deal thành công 1 sự, vụ việc.
Cũng phải cương quyết nói không với những buổi liên hoan vô bổ lãng phí trong cơ quan, sở mỏ ép nhau uống đến mức xơ gan, ung thư hoặc vàng cả mắt ra mới là "tôn trọng nhau".
Rồi cũng phải sống khác đi với thói quen 5, 6 giờ chiều sau khi tan ca, làm trận banh bóng mà cũng phải "ấn" nhau ngồi đến 11, 12 giờ đêm chén chú chén anh mới là "hoà đồng", mới là "biết sống với đồng nghiệp" còn ai không làm vậy sẽ bị gọi là đàn ông mặc váy!
Sau những giọt men cay đó biết đâu sẽ có những người vĩnh viễn không thể trở về nhà? Có những người mất cha, chồng mất vợ, vợ mất chồng hay cha mẹ mất đi con cái? Và cái đám bằng hữu có ai cho họ hay người khác được thêm 1 mạng sống không? Có ai sẽ đứng cùng họ trong những chặng đường khó khăn nếu có biến hay không?
Hay chỉ còn những người vợ đã từng ngày đêm tuyệt vọng chờ chồng đi tiếp khách về với mùi men nồng nặc và giọng nói gắt gỏng? Chỉ còn những người phụ nữ đã từng tuyệt vọng gọi cho họ hàng chục cuộc với tin nhắn "anh uống ít thôi" ở bên họ khi xảy ra biến cố? Sẽ chỉ còn những người mà họ từng quát "cô nói ít thôi" khi xảy ra những chuyện tang thương?
Hãy nhận ra điều đó trước khi quá muộn, không có đám bằng hữu nào bên các anh đâu, chỉ có những người các anh từng làm tổn thương vì cái thứ gọi là huynh đệ mà thôi.
Đừng đổ cho câu "số trời cả rồi" khi chính chúng ta đang quyết định mạng sống của mình cũng như của người khác sau tay lái hoặc sau những cuộc liên hoan.
Hãy sống văn minh lên!
Bài viết được đăng trên trang cá nhân của Trang Hà Trang - Tờ Pi, tên thật là Nguyễn Hải Trang, sinh năm 1984 tại Hải Phòng. Tờ Pi là một nhà văn với nhiều bài viết được yêu thích trên MXH.
Helino