Do chậm được bàn giao mặt bằng, các đơn vị thi công bị tăng chi phí phát sinh nên nhà thầu quốc tế tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vừa yêu cầu chủ đầu tư phía Việt Nam bồi thường hơn 19 triệu USD. Đây là lần thứ hai trong vòng 1 năm, dự án bị nhà thầu quốc tế đòi bồi thường.
Hợp đồng 30 tháng, đợi mặt bằng… 18 tháng
Theo hợp đồng thi công gói thầu làm đoạn tuyến trên cao Nhổn - Công viên Thủ Lệ (Gói CP1 - Xây lắp) giữa đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đô thị Hà Nội (MRB) với nhà thầu quốc tế là Cty TNHH Dealim (Hàn Quốc), hạng mục (đổ trụ và làm đường ray chạy trên cao) có thời hạn thi công 30 tháng. Thời gian bắt đầu thi công tính từ thời điểm khởi công là ngày 4/7/2014. Sau thời điểm trên, nhà thầu đã huy động nhân lực, phương tiện có mặt tại Việt Nam để thực hiện dự án nhưng họ phải “ngồi đợi” tới 18 tháng mới có mặt bằng.
Cùng với đó, trong báo cáo gửi chủ đầu tư dự án là UBND thành phố Hà Nội, đại diện Dealim cho biết, việc thực hiện gói thầu CP1 còn gặp vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thủ tục tạm ứng… Những nguyên nhân này đã khiến gói thầu phải kéo dài thời gian thực hiện so với nội dung cam kết trong hợp đồng là 26,5 tháng. Ngoài kéo dài thời gian thực hiện, nhà thầu còn bị phát sinh thêm các khoản chi phí, do vậy sau khi tính toán, nhà thầu Daelim đã đề nghị phía chủ đầu tư bổ sung 19,1 triệu USD.
Ngoài ra, các gói thầu như CP2 (xây dựng các ga trên cao), nhà thầu là tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc), gói thầu CP7 (lắp đặt hệ thống đường sắt), nhà thầu là Cty Colas Rail (Pháp)… cũng có yêu cầu bổ sung kinh phí do kéo dài thời gian thực hiện.
Đại diện các nhà thầu đã có văn bản gửi đến UBND thành phố Hà Nội và cho biết, nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm, thời gian tới họ sẽ khiếu kiện vấn đề này ra trọng tài quốc tế.
Vào giữa năm 2019, cũng với lý do chậm giao mặt bằng theo hợp đồng, nhà thầu quốc tế là liên danh Hyundai (Hàn Quốc) - Ghella (Italy) thực hiện gói thầu thi công bốn ga ngầm (từ S9 đến S12) đã đề nghị chủ đầu tư phải bồi thường khoảng 81 triệu USD cho các khoản chi phí bị phát sinh mà nguyên nhân thuộc về chủ đầu tư.
Chủ đầu tư có bao biện?
Đại diện UBND thành phố Hà Nội vừa cho biết, sau khi các nhà thầu có những đề nghị trên, thành phố và các đơn vị liên quan đã làm việc và đánh giá lại mức chi phí phát sinh mà họ đưa ra.
Theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, việc bổ sung các khoản chi phí này chưa được quy định cụ thể và chưa có tiền lệ, việc đàm phán thời gian qua đều phải dựa vào mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC và tư vấn dự án Systra (Pháp) thẩm tra. “Vì thế, đến nay chủ đầu tư chưa thể thanh toán chi phí bổ sung và đề nghị các nhà thầu chờ kết quả kiểm toán dự án của Kiểm toán Nhà nước, sau đó mới thanh quyết toán”, đại diện UBND thành phố thông tin.
Tuy nhiên, trong trường hợp buộc phải trả những khoản chi phí trên, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho rằng, các chi phí phát sinh này vẫn nằm trong dự toán các gói thầu, không vượt giá trị dự toán và tổng mức đầu tư.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đại diện chủ đầu tư cũng vừa có thông tin gửi đến các cơ quan báo chí. Lý giải về tình trạng các gói thầu trên bị kéo dài thời gian thi công, lãnh đạo MRB cho rằng, đây là một dự án lớn, phức tạp và là dự án thí điểm về đường sắt đô thị tại Hà Nội, do đó quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục, liên quan đến việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và chi phí bổ sung….
“Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, vướng mắc giao diện giữa các gói thầu, dẫn đến hầu hết các hợp đồng đều phải kéo dài thời gian và các nhà thầu yêu cầu bổ sung chi phí theo quy định của hợp đồng đã ký kết. MRB cùng các tư vấn đã rà soát và đàm phán rất nhiều lần với các nhà thầu về vấn đề này”, đại diện MRB thông tin.
Đề cập đến các khoản kinh phí nhà thầu đòi bồi thường, nhất là ở gói CP1 do nhà thầu Dealim thực hiện…, lãnh đạo MRB cho rằng: “Việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian của gói thầu cũng như các gói thầu khác của dự án đều được lấy từ chi phí dự phòng của gói thầu hoặc chi phí còn dư sau đấu thầu nên không làm tăng dự toán gói thầu cũng như tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, do vậy không thể nói là đội vốn”.
Tiến sĩ chuyên ngành đường sắt đô thị Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, không những chậm, đến nay dự án còn đội vốn vượt mức cho phép trên 50%. Cụ thể, theo quyết định phê duyệt ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư là 783 triệu euro, tuy nhiên đến nay dự án đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.176 triệu euro (tăng 50,1%). “Đây là bằng chứng xác thực chứng minh dự án bị đội vốn, tăng vốn lớn. Tôi không đồng tình với việc những người có trách nhiệm tại dự án cho rằng, nếu có trả số tiền các nhà thầu đòi bồi thường thì khoản chi đó vẫn nằm trong dự toán các gói thầu; không làm tăng tổng mức đầu tư… đây là những giải thích ngụy biện, không có trách nhiệm với đồng tiền của người dân đóng góp”, ông Thủy nhấn mạnh.
Nhóm PV Thời sự
Theo Tiền Phong