Làm giàu không khó, quan trọng là bạn phải có chiến lược tiết kiệm và đầu tư phù hợp ngay trong chính cuộc sống thường ngày.
Bài chia sẻ của Nathan Clarke - tác giả của trang blog Millionaire Dojo chuyên đưa ra các lời khuyên về làm giàu, đầu tư và tiết kiệm.
Rất nhiều người làm cả đời nhưng chẳng tiết kiệm nổi 1 xu cho bản thân.
Nhưng tôi và vợ mình thì khác. Chúng tôi đã tiết kiệm được hơn 100.000 USD và đang tiến tới cột mốc 200.000 USD. Tôi không muốn khoe khoang, nhưng nếu chúng tôi làm được thì bạn cũng làm được. Tất cả là nhờ một số quyết định khôn ngoan mà tôi và vợ thực hiện khi còn trẻ.
Chúng tôi không phải những người 25 tuổi đầu tiên kiếm được chừng ấy tiền, nhưng bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ chúng tôi. Tôi chỉ vừa mới có được công việc với mức lương 50.000 USD đầu tiên, và đây là mức trung bình ở Mỹ. Vợ tôi thì chỉ kiếm được vài trăm USD/tháng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xoay xở để tiết kiệm nhiều tiền nhất có thể.
Vợ chồng Kaitlyn và Nathan Clarke.
Tránh xa nợ nần
Kỳ lạ là chúng tôi chưa bao giờ dính phải bất cứ khoản nợ nào, ngoài tiền thế chấp nhà. Chúng tôi chỉ lái xe hơi cũ và không có bất kỳ khoản nợ nào thời sinh viên. Bởi lẽ, tôi chỉ đi học tại một trường cao đẳng cộng đồng địa phương, còn vợ tôi thì không.
Một cuộc sống không nợ nần thực sự rất tuyệt vời. Chúng tôi đã tránh được những rắc rối về tiền bạc bằng việc chỉ mua những thứ có thể trả được bằng tiền mặt. Mặc dù không có bằng cấp cao hay xe đời mới, chúng tôi vẫn hạnh phúc với những gì mình có. Nhờ tập sống tối giản và học các biết ơn, tôi trở nên hài lòng với những đồ mình có. Thậm chí, mỗi khi vứt đồ đi, tôi còn thấy vui hơn là mua đồ mới.
Một bí quyết nữa giúp chúng tôi tránh được nợ nần, đó là chuẩn bị quỹ tiền dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Ngay sau khi cưới, chúng tôi đã để dành ra vài nghìn USD và không động tới nó cho tới khi có việc lớn cần dùng đột ngột.
Lập ngân sách chi tiêu
Nhiều người không cho rằng việc lập ngân sách chi tiêu là cần thiết, nhưng nó thực sự đóng vai trò quan trọng giúp chúng tôi có được khối tài sản như ngày nay.
Tôi không quá khắt khe với việc phải bỏ bao nhiêu tiền vào mỗi loại quỹ. Nếu chúng tôi đi ra ngoài ăn và mất nhiều tiền hơn dự tính. Chúng tôi sẽ lấy một chút tiền từ quỹ tiết kiệm ra và bù lại vào quỹ cho việc ăn ngoài. Chúng tôi lập ngân sách chỉ để theo dõi tình hình chi tiêu của mình và đưa ra được quyết định tối ưu.
Tổ chức đám cưới gọn nhẹ
Tôi không biết con số chính xác, nhưng chúng tôi tiêu ít hơn 10.000 USD cho đám cưới và nó vẫn rất tuyệt vời. Vợ tôi được mặc chiếc váy trong mơ có giá 600 USD, còn tôi chọn một bộ suit rẻ. Chúng tôi tổ chức đám cưới miễn phí tại nhà thờ địa phương và mở tiệc chiêu đãi tại nông trại của một người thân.
Tất cả những gì chúng tôi phải trả tiền là đồ trang trí, thức ăn và rạp cưới. Tôi không hiểu tại sao mọi người phải dành tới 50.000 USD để làm đám cưới. Với số tiền đó, tôi thà đi du lịch vòng quanh thế giới còn hơn dồn hết vào tiêu trong một ngày.
Phát triển sự nghiệp
Khi còn trẻ, vợ chồng chúng tôi từng làm ở chuỗi cửa hàng gà rán Chick-fil-A. Cô ấy bỏ việc sau 8 tháng, còn tôi bị sa thải trước đó.
Nghỉ việc được vài tháng, vợ tôi được thuê hỗ trợ dựng trường quay trong ngành công việc phim ảnh. Mỗi giờ cô ấy kiếm được 18 USD, và làm thêm 20 tiếng/tuần. Trong vòng 5 năm tiếp theo, lương của cô ấy tăng lên khoảng 27 USD/giờ. 1 năm sau khi kết hôn, chúng tôi nhận thấy không thể làm việc 60 tiếng/tuần được, nhất là khi thời gian di chuyển đã mất 1,5 tiếng. Cô ấy lại nghỉ việc và sang giúp đỡ ngôi trường tư thục của ông chú trong vòng 2 năm qua.
Còn tôi, sau khi bị sa thải, đã từ từ cố gắng leo lên vị trí như ngày hôm nay. Ban đầu, tôi làm việc tại siêu thị Kroger. Sau đó, tôi làm ở trạm xăng Quick Trip. Khoảng 1 năm tiếp theo, tôi có công việc văn phòng đầu tiên. Tôi cũng quyết định học thêm cao đẳng cộng đồng chuyên ngành IT.
Nhờ vậy, tôi trở thành nhân viên thiết kế CAD cho công ty, rồi tích lũy đủ kinh nghiệm để kiếm được việc làm tốt hơn tại một nhà máy sản xuất gỗ. Sau 1,5 năm làm việc đầy chán nản, tôi có công việc đầu tiên với tư cách nhân viên IT. Khởi đầu chỉ với 42.000 USD/năm, tôi đã làm việc chăm chỉ và xin tăng lương thành công lên mức 50.000 USD/năm.
Đầu tư
Khi mới kết hôn ở tuổi 23, tôi chỉ có 1000 USD tiền tiết kiệm hưu trí, còn vợ tôi có khoảng 5000 USD dự phòng. Cô ấy giữ chúng hầu hết dưới dạng tiền mặt, và đó là cách chúng tôi đã chi trả cho đám cưới, tuần trăng mật và đồ đạc trong nhà.
Khoảng 1 năm trước, tôi bắt đầu học cách đầu tư. Bởi vì đầu tư đơn giản là cách đầu tư khôn ngoan nhất, tôi cố gắng đầu tư mỗi khi có thể. Mỗi tháng, chúng tôi dành tối thiểu 1000 USD để đầu tư.
Hiện nay, chúng tôi đã có 39.000 USD trong tài khoản hưu trí.
Mua nhà trong khả năng
Mặc dù khi mới cưới, chúng tôi đã có hơn 100.000 USD, nhưng chúng tôi chỉ mua một căn nhà rộng 111 km2 với giá 95.000 USD. Căn nhà này là quá đủ với 2 người chúng tôi và khu dân cư cũng rất lý tưởng. Đặc biệt, tiền thế chấp nhà chỉ khoảng 660 USD/tháng.
Trong vòng vài năm tới, chắc chắn tôi sẽ mua một ngôi nhà to hơn, đắt tiền hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn giữ lại ngôi nhà này và cho thuê. Đây là một cách hay để tôi thử sức đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Kiếm thêm nghề tay trái
Vợ chồng tôi chỉ mới bắt đầu làm thêm nghề tay trái khoảng 1 năm đổ lại đây. Tôi bán hàng online trên eBay và kiếm được thêm 7000 USD. Tôi cũng có thêm 1000 USD từ việc bán hàng tại tiệm đồ cổ.
Tóm lại, để có được khối tài sản hơn trăm nghìn USD như giờ đây, chúng tôi đã cố gắng tránh xa nợ nần, tăng cường thu nhập, đầu tư và sống giản dị trong điều kiện cho phép.
Theo Ngọc Hà
Trí Thức Trẻ/BI