Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mỗi lít xăng "gánh" hơn 9.000 đồng thuế, giá xăng dầu Việt Nam vẫn "đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực"

23/02/2022 06:49

Bốn loại thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng và nhập khẩu với xăng A95 hiện đang tới hơn 9.000 đồng/lít, chiếm tới 38% giá thành...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản trả lời cử tri huyện Phú Xuyên (TP.Hà Nội) liên quan đề nghị nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế và phí cho phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Theo cử tri này, Bộ Tài chính hiện đang áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao như: Thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800 đồng đến 4.000 đồng/lít. Bốn loại thuế chiếm tới 38% giá xăng dầu.

Cộng thêm các chi phí khác như chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn, chiếm tới 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI cao. Do đó, cử tri đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh thuế và phí phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

Quay lại phản hồi của Bộ Tài chính, văn bản được công bố ngay thời điểm giá xăng dầu trong nước vừa được điều chỉnh tăng thêm từ 280-965 đồng mỗi lít/kg. Trong đó, giá xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít lên mức 26.287 đồng/lít, thiết lập kỷ lục mới cao nhất lịch sử, sau 5 lần điều chỉnh tăng liên tiếp.

Gián tiếp phản bác lại nhận định: "Bộ Tài chính hiện đang áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao" của cử tri, Bộ Tài chính khẳng định so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung.

Theo đó, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước khoảng 45% đến 60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì thấp hơn) - Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu chỉ khoảng 20%.

Để dẫn chứng, Bộ này cho biết "giá xăng của Trung Quốc là 26.622 đồng/lít; Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít", vẫn cao hơn của Việt Nam thời điểm ngày 7/2.

Tuy nhiên, có thể thấy, với diễn biến của kỳ điều chỉnh vừa diễn ra ngày 21/2, khi giá xăng RON 95 cán mốc gần 26.300 đồng/lít, giá xăng của Việt Nam đã không còn thấp hơn của nước láng giềng Campuchia.

Cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm áp lực cho doanh nghiệp, người dân?

Mổ xẻ cụ thể thuế, phí đang tác động lên giá xăng dầu, có thể thấy, hiện tại mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại: thuế Giá trị gia tăng (VAT, 10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế bảo vệ môi trường (với xăng RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...).

Trước thời điểm tăng giá xăng dầu ngày 21/2, chia sẻ với báo chí, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết: Theo tính toán của doanh nghiệp này, mỗi lít xăng RON 95 tại cảng có giá khoảng 14.936 đồng. Dựa trên "barem thuế", mỗi lít xăng RON 95 phải cộng thêm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.493 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.493 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.532 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.

Như vậy, tổng chi cho 4 sắc thuế trên là 9.518 đồng/lít, chiếm khoảng 38% giá thành bán ra của mỗi lít xăng RON 95 (giá 25.322 đồng/lít). Chưa kể, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập Quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu tính tổng chi cho các khoản thuế, phí trên đã lên tới 11.168 đồng/lít, chiếm 44% giá thành bán ra của mỗi lít xăng RON 95.

2022-02-22-015417-5188-1645573632.png

Trở lại phản hồi của Bộ Tài chính với cử tri, nhiều ý kiến đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với những lý giải của cơ quan này.

Bình luận dưới bài đăng liên quan trên fanpage của Cổng thông tin Chính phủ, facebooker Phạm Toàn nêu quan điểm:

"Bộ Tài chính nên xem lại, công dân người ta kiến nghị một cái rất cụ thể là cần điều chỉnh thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng dầu, cái người ta cần là giải pháp cho dân sinh chứ không phải chỉ đi phân bua, còn kệ diễn biến thị trường ra sao thì ra. Nền kinh tế của chúng ta là kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Tài chính phải nhớ lấy điều này...".

Bình luận trên nhận được đến hơn 1.300 like và tương tác của cộng đồng.

Mỗi lít xăng "gánh" hơn 9.000 đồng thuế, giá xăng dầu Việt Nam vẫn "đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực" ảnh 2

Trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải, logistics đã liên tục "than" khi điều này tạo áp lực, gánh nặng lớn lên chi phí vận hành, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với việc chi phí cho xăng dầu có thể chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải, không chỉ vận tải hàng hóa, lĩnh vực vận tải hành khách cũng đồng thời chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc giá xăng dầu tăng.

Trao đổi với Tuổi trẻ, đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Trịnh Quang Khanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng Nhà nước sớm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo ông Khanh, xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất quan trọng, tác động trực tiếp, gián tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân và doanh nghiệp. Do đó, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

"Bộ Tài chính cần sớm đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm sắc thuế này đối với mặt hàng xăng dầu. Trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm thì mức thuế lại được khôi phục", vị này cho biết.

Cùng chung quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng: "Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được".

Tuy nhiên, xem xét cụ thể, ông Long cho biết, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân. Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, nhưng cơ quan chức năng cần phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.

"Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vì đây thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Long nêu quan điểm

Về thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, sắc thuế này đã chính thức có hiệu lực và được thi hành hơn 10 năm.

Từ từ mức 1.000 đồng/lít xăng dầu từ thời điểm 01/01/2012 đã tăng gấp 3 lần lên 3.000 đồng/lít vào 01/01/2015; sau đó tăng kịch khung lên mức 4.000 đồng/lít vào thời điểm 01/01/2019 và giữ nguyên cho đến nay.

Vào thời điểm tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã từng lên tiếng đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp. Tuy nhiên kiến nghị này đã không được chấp nhận.

Theo Tuấn Việt/VTCNews