Người ta vẫn hay so sánh mình với người khác, nhìn xem họ đã làm được gì, mình bằng họ hay chưa? Ấy vậy mà hiếm ai nhớ, mỗi người có mỗi cuộc đời khác nhau.
Học cấp ba, chúng ta so xem bạn bè có được vào trường danh tiếng hay chăng; hết đại học, lại so người ta tìm được việc làm như thế nào rồi, lương tháng bao nhiêu… Lướt facebook thấy bạn cũ đăng ảnh tậu nhà, cưới vợ, lại chạnh lòng sao nó bằng tuổi mình mà đã giỏi thế.
Người ta dễ bị so sánh và nghĩ rằng cuộc đời mỗi người thường được đóng sẵn vào một khuôn khổ. Bao nhiêu tuổi phải làm việc này, việc nọ, nếu chưa làm được thì có thể bị đánh giá là thất bại, nhưng thực tế lại khác xa.
Ngay từ khi sinh ra, xuất phát điểm của mỗi người đã là khác nhau: hoàn cảnh sống, tài chính, bối cảnh xã hội… Từ đầu, việc so sánh hay lên kế hoạch chi tiết cho cuộc đời đã là điều không thể. Bạn không thể chắc chắn: đến năm nào đó, phải làm được điều gì đó, giống với ai đó.
Có người tốt nghiệp đại học năm 30 tuổi; có người đến tận 40 mới biết chính xác mình đam mê điều gì. Cơ hội đến với mỗi người vào những thời điểm khác nhau, cách họ nắm bắt cũng chẳng hề giống. Bạn là người nắm giữ đời mình, có thể vào thời điểm hiện tại bạn không có được những thứ người khác đang có, nhưng không có nghĩa là bạn không thành công.
Người ta chẳng so sánh riêng gì thành tích, mà còn cả cuộc sống đời thường: ngoại hình, mối quan hệ,… Nhưng sự đa dạng của xã hội chính là nét đẹp làm nên một cuộc sống muôn màu. Nếu ai cũng giống ai, 22 tuổi có việc làm, 25 tuổi lập gia đình, 30 tuổi thăng tiến, 40 tuổi làm giàu,… chắc thế giới chẳng khác gì một nhà máy với những robot được lập trình sẵn.
Nhiều người thường thiết lập cuộc đời bản thân cho giống với mong muốn xã hội. Xã hội quy chuẩn phải có bằng đại học, phải có công việc ổn định, đến tuổi phải lập gia đình thì mới gọi là thành công. Dần dần, người ta cũng tự bó buộc mình như thế, họ quên mất thành công chỉ là một khái niệm khó định lượng, và ngọn núi mục tiêu của mỗi người lại khá xa nhau; nên có được gì, vào thời điểm nào là do sự hài lòng của tự thân mỗi người.
Chẳng thể phủ nhận, so sánh là động lực phấn đấu cho nhiều người, nhưng nhìn xa hơn, đạt được điều đó rồi, họ có thấy thỏa mãn hay không. Những người trẻ nên ngừng so sánh, ngừng nhìn vào thành tích của người khác để từ đó làm hành động cho bản thân mình.
So sánh còn dễ làm thui chột, giết chết tự tin và ham muốn nỗ lực của bản thân. Không có quy chuẩn nào là đầy đủ, mỗi người lại có những mong muốn khác nhau cho đời mình, đạt được những điều người khác đạt được chỉ là tạm bợ, đạt được mục tiêu của bản thân mới là đích đến cuối cùng.
Có một điều mà bạn có thể làm được, đừng nhìn người khác, hãy nhìn mục tiêu sống của bạn mà nỗ lực. Xã hội luôn tạo ra những áp lực cho những ai chưa đáp ứng được quy chuẩn chung, đừng dành thời gian tìm hiểu xem xã hội muốn gì, hãy dành thời gian nghĩ xem bản thân mình cần gì để tìm thấy sự thỏa mãn.
Chẳng ai dám khẳng định mình có một cuộc đời hoàn hảo, nên so sánh với người khác sẽ không khiến bạn hoàn hảo hơn. Vấn đề luôn tồn tại, khó khăn luôn hiện hữu, so sánh hay đóng khung cuộc đời chẳng làm chúng dễ dàng hơn phần nào.
Xin đừng so sánh: "Lúc bằng tuổi mày..." nữa đi!
Anna/Thế giới trẻ