'Món hời' từ những dự án điện gió

27/04/2021 10:47

Cơn sốt đầu tư điện tái tạo đang lan rộng, doanh nghiệp đua nhau xin dự án, các địa phương cấp tập phê duyệt, đề xuất xin bổ sung vào quy hoạch quốc gia... Đâu là căn nguyên của cơn sốt này?

Đầu tư năng lượng tái tạo mang lại lợi nhuận rất lớn cho các bên liên quan. Ảnh minh họa

Mô hình, phương án kinh doanh của một số dự án điện tái tạo quy mô lớn cho thấy rõ đây là món hời đặc biệt hấp dẫn với bất cứ ai tham gia từ chủ đầu tư, nhà đầu tư ngoại và các địa phương.

Tại tỉnh Đắk Nông, tổ hợp 3 nhà máy điện gió Đắk N’Drung (1,2,3) tại huyện Đăk Song (mỗi nhà máy có công suất 100MW) đều do liên danh Công ty CP Đầu tư năng lượng Hưng Bắc (ông Đỗ Lê Quân làm tổng giám đốc) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc đầu tư. Một công ty thuộc sở hữu của Sungrow Power - một tập đoàn lớn có trụ sở tại Trung Quốc - đã trở thành cổ đông chiếm giữ 70% tại doanh nghiệp chủ đầu tư của dự án nêu trên.

Tổng mức đầu tư của cả 3 nhà máy là 10.500 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Sản lượng điện hàng năm của tổ hợp này lên tới 1.070 triệu kWh, với đơn giá 8,5 cent (khoảng 1.972 đồng)/kWh sẽ mang lại doanh thu khoảng 2.150 tỷ đồng/năm cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư xác định vốn vay chiếm 80% tổng vốn (tức khoảng 8.000 tỷ đồng) và sẽ hoàn tất trả cả gốc và lãi trong 10 năm với lãi suất 10%/năm. Như vậy, số tiền phải trả nợ vay hàng năm khoảng từ 1.000 - 1.600 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).

Đối chiếu với doanh thu chắc chắn mang lại từ các nhà máy (2.150 tỷ đồng/năm), con số vay nợ trên hoàn toàn không phải áp lực với các nhà đầu tư. Ngay khi nhà máy vận hành đóng điện (dự kiến tháng 11/2021), doanh nghiệp đã thừa tiền để trả nợ, lãi hàng năm.

Mặt khác, một ưu đãi nữa cho nhà đầu tư là dòng tiền đã đổ về túi nhà đầu tư ngay từ thời gian xây dựng khi được ân hạn trả nợ gốc đến khi dự án hoàn thành và đóng điện. Cụ thể, từ khi được cấp chủ trương đầu tư (vào tháng 10/2020) tới thời điểm đóng điện theo tiến độ (tháng 11/2021), số tiền hàng nghìn tỷ đồng đáng lẽ phải trả nợ, lãi cho bên cho vay thì nhà đầu tư được sử dụng vào mục đích riêng của mình.

Những ưu đãi đặc thù cho dự án điện năng lượng tái tạo cũng mang lại nguồn lợi lớn cho nhà đầu tư. Dự án được ân hạn trả nợ gốc trong thời gian xây dựng, nhà đầu tư được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm tính từ năm đầu tiên có doanh thu, miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 9 năm tiếp theo… Khi được áp dụng các ưu đãi vừa nêu, lợi nhuận của dự án điện gió mang về cho chủ đầu tư hàng năm (sau khi trừ phần trả nợ vay) đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Sau 10 năm trả nợ vay, nhà đầu tư có 40 năm để thu lợi nhận, với doanh thu ổn định hàng năm vào khoảng trên 2.100 tỷ đồng sẽ thấy được khoản lợi nhuận cực lớn đều đặn hàng năm từ dự án điện mang lại cho nhà đầu tư.

Tương tự, là bài toán lợi ích và thời gian thu hồi vốn siêu tốc được nhà đầu tư minh họa qua trường hợp siêu dự án điện gió V3-7 ngoài khơi tại tỉnh Trà Vinh do Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư.

Với công suất lắp đặt 400MW, khảo sát trên diện tích 3.510ha ngoài khơi thị xã Duyên Hải, dự án có sản lượng điện phát lên lưới trung bình khoảng 1,367 triệu MWh/năm, tổng doanh thu khoảng trên 3.000 tỷ đồng/năm.

Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 17.800 tỷ đồng, trong đó 80% là vốn vay ngân hàng theo lãi suất 10%/năm. Thời gian để trả gốc vốn vay là 10 năm (được ân hạn nợ gốc trong thời gian xây dựng).

Dự án được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp như: miễn thuế 4 năm đầu có lãi, 5%/năm cho 9 năm tiếp theo, 10% cho 2 năm tiếp và 20% cho các năm còn lại.

Bài toán doanh thu, lợi nhuận hàng năm và dòng tiền được giữ lại (không phải trả nợ vay) trong thời gian đầu của dự án tương tự công thức đã tính toán với dự án điện gió ở Đắk Nông đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, một điểm rất thú vị ở đây phải kể đến: Kết quả phân tích tài chính của chính chủ đầu tư cho thấy, với giá bán điện 9,8 cent/kWh cố định trong suốt vòng đời dự án, chủ đầu tư chỉ mất 7 năm để hoàn vốn có chiết khấu dù tổng mức đầu tư dự án rất lớn khoảng 17.800 tỷ đồng.

Với tuổi thọ kinh tế của dự án là 20 năm, nhà đầu tư có 13 năm để kiếm lời, đó là còn chưa tính tới giả thiết chủ đầu tư sẽ xin gia hạn dự án.

Lợi nhuận lớn, bền vững cho nhà đầu tư khi nắm giữ các dự án điện gió đã thấy rõ, đến từ các đặc thù ưu đãi (về thuế, giá bán điện), thời gian hoạt động và cả việc vay nợ.

Bài toán lợi ích đó không chỉ khiến các chủ đầu tư lao vào cuộc chơi đầu tư năng lượng, nó cũng là một loại hấp lực riêng có để các nhà đầu tư nước ngoài tìm mọi cách thâu tóm các dự án, khiến làn sóng thâu tóm các dự án điện tái tạo ngày càng lan rộng.

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo liên quan đến đầu tư điện tái tạo đặc biệt là hiện tượng các nhà đầu tư ngoại thâu tóm dự án điện ở những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng như Tây Nguyên, Tây Bắc, miền Trung... nhưng nhiều địa phương vẫn "trải thảm đỏ hết mức" với các dự án điện tái tạo.

TheLEADER sẽ tiếp tục phân tích sâu hơn về các vấn đề này ở các bài viết tiếp theo.

Nguyễn Cảnh/theleader

https://theleader.vn/mon-hoi-tu-nhung-du-an-dien-gio-1618507981106.htm

Bạn đang đọc bài viết "'Món hời' từ những dự án điện gió" tại chuyên mục Chuyện thương trường.