Dù làm ông chủ doanh nghiệp địa ốc nhưng không ít 'đại gia' có những hành động đáng lên án như sàm sỡ nữ hành khách đi máy bay cùng, lái xe xịn đi… ăn cắp. Cũng trong năm 2019, một loạt đại gia địa ốc vướng lao lý.
Tổng giám đốc công ty bất động sản, đêm đến lái Lexus đi trộm
Năm 2019, truyền thông trong nước được dịp xôn xao trước thông tin một chủ doanh nghiệp ốc lái xe xịn đi… trộm đồ.
Cụ thể báo chí đưa tin, tháng 7/2019, Cơ quan an ninh Bắc Giang đã tạm giữ để điều tra, làm rõ hành vi trộm cắp tài sản đối với Phạm Văn Khoa.
Tại thời điểm bị tạm giữ hình sự, Khoa đang giữ chức vụ Tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.
Hồ sơ điều tra ban đầu cho hay, khoảng cuối năm 2018, Khoa thường xuyên sử dụng xe ô tô Lexus đi thăm dò các trụ sở công để tìm cơ hội đột nhập, trộm cắp.
“Đại gia" địa ốc bị tố sàm sỡ nữ hành khách
Môt trong những tâm điểm ồn ào khác liên quan đến giới “đại gia" địa ốc là vụ bị tố sàm sỡ nữ hành khách trên máy bay.
Đó là trường hợp của ông Vũ Anh Cường. Tên tuổi của ông này gắn liền với một vài doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM.
Theo lời kể của nữ khách, rất may lúc đó, tiếp viên trưởng chuyến bay đã xuất hiện kịp thời.
Đáng chú ý, trong báo cáo của phi hành đoàn, ông Vũ Anh Cường còn có hành vi sàm sỡ cả nữ tiếp viên trưởng khi người này đứng gần để can thiệp, xử lý vụ việc. Sau đó ông Vũ Anh Cường bị lập biên bản, mời khỏi chuyến bay.
Tuy nhiên trao đổi với báo chí sau đó, người đàn ông này đã lên tiếng biện minh trên báo chí rằng, do ông bị vấp chân, ngã nhào và vô tình chạm vào người phụ nữ.
Loạt đại gia vướng lao lý
Năm 2019, thị trường bất động sản chứng kiến tình trạng đua nhau mọc của các dự án phân lô bán nền. Nhiều trong số đó là dự án “ma” với những chiêu lừa đảo ngoạn mục. Kết cục, hàng loạt đại gia bất động sản phải vướng vòng lao lý.
Điển hình là vụ Alibaba. Cuối tháng 9/2019, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch địa ốc Alibaba bị bắt tạm giam, khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Luyện đã tự vẽ 40 dự án “ma” với 6.700 người giao dịch số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng.
Thủ đoạn của Luyện là đào tạo nhân viên Alibaba chiêu dụ khách hàng và biến các nhân viên thành khách hàng với chế độ hoa hồng theo mô hình đa cấp Ponzi.
Để có sản phẩm chào mời khách, Luyện giao những người thân tín, trong đó có hai em ruột của mình đi thu gom đất nông nghiệp, đứng tên dưới danh nghĩa cá nhân rồi tự “vẽ” thành các dự án.
Một nữ đại gia địa ốc khác là Phạm Thị Tuyết Nhung, 38 tuổi cũng bị Công an TP HCM bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 1/11.
Nhung tự dựng một loạt dự án “ma” tại các khu đất công cộng, khu quy hoạch trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9, quận 12, Bình Tân... Khách hàng đã nộp cho công ty của bà Nhung hàng chục tỷ đồng. Nhưng sau đó Nhung lánh mặt, không tiếp xúc với khách hàng, sau đó bỏ trốn.
Một trường hợp khác là Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát cũng bị khởi tố và bắt tạm giam vào 19/12/2019 để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hưng Thịnh Phát rao bán hàng chục dự án “ma” từ Phan Thiết đến Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam như City 1, City 2, City 3; Phong Nẫm; Hàm Liêm 1 - Hàm Liêm 5…
Sở Xây dựng Bình Thuận xác nhận, những dự án của công ty Hưng Thịnh Phát đều chưa được sở cấp phép. Tài khoản của ông Nguyễn Hữu Kha sau đó cũng đã bị ngân hàng tạm thời phong tỏa để điều tra.
(Theo Dân trí)