Một thương vụ 'bán con' kín tiếng của Nam Tiến Group

20/09/2021 11:06

70% vốn CTCP Thủy điện Leader Nam Tiến – doanh nghiệp dự án cụm Thủy điện Ngòi Xan – Lào (Lào Cai)  đã được nhóm chủ Tập đoàn Nam Tiến âm thầm chuyển nhượng cho một doanh nghiệp đến từ Malaysia.

NDT - tap doan Nam Tien

Ảnh: Internet.

Ngày 20/7 vừa qua, CTCP Tập đoàn Nam Tiến đã phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu mã NTSCH2122001. Đây là lô trái phiếu có lãi suất cố định 11,5%/năm, kỳ hạn 1 năm (tức đáo hạn vào ngày 20/7/2022).

Mục đích phát hành nhằm đầu tư vào cụm nhà máy thủy điện Nậm Tha bằng cách mua lại cổ phần của CTCP Thủy điện Nậm Tha hoặc các dự án thủy điện khác.

Theo tìm hiểu, cụm dự án Thủy điện Nậm Tha (gồm các nhà máy thủy điện Nậm Tha 3, 4, 5, 6) có tổng công suất lắp máy là 45MW gồm 12 tổ máy, sản lượng điện bình quân hàng năm hơn 200 triệu KWh, tổng mức đầu tư trên 1.400 tỷ đồng.

Dự án do CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh làm chủ đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Trở lại với trái phiếu NTSCH2122001, Tập đoàn Nam Tiến cho biết, trái phiếu này được đảm bảo bằng hơn 3,8 triệu cổ phần phổ thông CTCP Nha Trang Bay thuộc sở hữu của một bên thứ 3. Hiện tại, Nha Trang Bay là một trong 7 công ty thành viên của Tập đoàn Nam Tiến và cũng là chủ đầu tư dự án dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ Scenia Bay Nha Trang.

Đáng chú ý, toàn bộ lô trái phiếu của Tập đoàn Nam Tiến đã được mua vào bởi các nhà đầu tư tổ chức (25 tỷ đồng, tỷ lệ 16,67%) và nhà đầu tư cá nhân (125 tỷ đồng, tỷ lệ 83,33%). Bên thu xếp phát hành trái phiếu NTSCH2122001 là CTCP Chứng khoán Dầu khí.

Cuộc chuyển giao thế hệ và thương vụ bán “con” kín tiếng của Tập đoàn Nam Tiến

Thành lập từ năm 1999, Công ty Xây dựng Công trình Nam Tiến, tiền thân của Tập đoàn Nam Tiến, có xuất phát điểm là một công ty xây dựng tại tỉnh Lào Cai với vốn điều lệ vỏn vẹn 700 triệu đồng. Ấy vậy, chỉ vài năm sau ngày thành lập, công ty đã liên tiếp được tỉnh giao thực hiện nhiều công trình quan trọng như: Dự án đại lộ Trần Hưng Đạo, kè sông Hồng, Quốc lộ 4D, 4E…

5 năm sau đó, Tập đoàn Nam Tiến chính thức bước chân vào lĩnh vực bất động sản (2004), và sau đó là thủy điện (2005), hóa chất (2014), bất động sản nghỉ dưỡng (2017).

Sự hình thành và phát triển của Tập đoàn Nam Tiến mang đậm dấu ấn của doanh nhân Hoàng Minh Tuấn (SN 1952) – người sáng lập công ty. Điều này được thể hiện qua việc ông có thời gian dài là cổ đông lớn nhất, kiêm các chức vụ cấp cao như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật.

Dù vậy, từ năm 2016 - 2018, vị doanh nhân sinh năm 1952 đã rút lui khỏi Tập đoàn Nam Tiến. Khá bất ngờ, cái tên thay thế ông ở những vị trí nêu trên là người con dâu Cao Thị Thu Hiền (SN 1977). Cũng trong khoảng thời gian kể trên bà Hiền nhanh chóng gia tăng tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn từ vỏn vẹn 4,765% lên đến 40% (tính đến tháng 9/2018). Ngoài bà, cơ cấu cổ đông Tập đoàn Nam Tiến còn 2 cá nhân họ Hoàng khác là Hoàng Trung Tiến (10%), Hoàng Giang Nam (50%) – người cùng nhà với bà Hiền.

Đáng chú ý, bà nắm vị trí Chủ tịch HĐQT (tính đến tháng 8/2020), kiêm Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc tập đoàn. Ngoài ra, có thể thấy thành phần HĐQT Tập đoàn Nam Tiến (tính đến tháng 8/2020) còn bao gồm các cá nhân khác, là các ông bà Nguyễn Duy Thái (SN 1974), Nguyễn Thị Hằng (SN 1974), Trần Đức Long (SN 1980), Cao Việt Hùng (SN 1981).

NDT - Cao thi thu huyen

Bà Cao Thị Thu Hiền. Ảnh: Internet.

Bà Cao Thị Thu Hiền cũng thường xuất hiện trên các kênh thông tin truyền thông và những sự kiện quan trọng của tập đoàn. Bà được phác họa là một lãnh đạo thuộc thế hệ F2, có vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của tập đoàn. Điều này có phần trái ngược với sự kín tiếng của các cá nhân họ “Hoàng” – những cổ đông lớn khác của Nam Tiến.

Trở lại với Nam Tiến, tính đến tháng 4/2020 (tức hơn 2 thập kỷ sau ngày thành lập), vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt gần 463,2 tỷ đồng. Đặc biệt, vượt ra khỏi "chiếc áo" địa phương, tập đoàn này hiện sở hữu loạt dự án ở nhiều tỉnh thành, với 3 lĩnh vực trọng tâm là năng lượng, bất động sản, công nghiệp.

Ở lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Nam Tiến là chủ đầu tư nhiều dự án địa ốc thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai, như: Tiểu khu đô thị số 1, diện tích 32,5ha; tiểu khu đô thị số 3, diện tích 26,3ha; tiểu khu đô thị số 5 diện tích 22.000m2; dự án Symphony Garden quy mô 11,77ha. Đáng chú ý, còn phải kể đến dự án bất động sản Nghỉ dưỡng Scenia Bay tại Nha Trang, với vốn đầu tư lên đến 2.971 tỷ đồng, cùng vị trí đắc địa trên cung đường ven biển Phạm Văn Đồng, thuộc khu đô thị mới phía Bắc TP. Nha Trang. Ngoài ra, ít ai biết giới chủ Tập đoàn Nam Tiến còn sở hữu Khách sạn The Code, diện tích mặt bằng 380m2 tại TP. Đà Nẵng.

Với lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn Nam Tiến sở hữu tổ hợp nhà máy hóa chất nằm tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được xây dựng trên diện tích gần 25ha, bao gồm Nhà máy Photpho Vàng và Nhà máy Axit Photphoric. Vào năm 2014, Nhà máy Photpho Vàng rộng 15,44ha, công suất 9.800 tấn/ năm, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng đã đi vào hoạt động; Bên cạnh đó, phải kể đến Nhà máy Xi măng VinaFuji, tiền thân là nhà máy Cam Đường, đi vào sản xuất xi măng từ tháng 11/2011, với công suất đạt 90.000 tấn xi măng/năm.

Một trong những mảng kinh doanh quan trọng của Tập đoàn là thủy điện, với loạt dự án như Nhà máy thủy điện Minh Lương (tỉnh Lào Cai) có vốn đầu tư 1.090 tỷ đồng, công suất thiết kế 30MW; cụm Thủy điện Đăk Di (tỉnh Quảng Nam) gồm 2 dự án Đăk Di 1 với công suất công suất 28MW và Đăk Di 2 với công suất 20MW được tập đoàn đầu tư xây dựng vào năm 2018; cụm Thủy điện Ngòi Xan – Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Cụm Thủy điện Ngòi Xan – Lào còn có sự hiện diện của một nhà đầu tư đến từ Malaysia. Cụ thể, vào tháng 7/2016, giới chủ Tập đoàn Nam Tiến đã chuyển nhượng 70% vốn CTCP Thủy điện Leader Nam Tiến cho Leader Energy (Malaysia). Dữ liệu cho thấy, Thủy điện Leader Nam Tiến thành lập vào tháng 11/2015 với 3 cổ đông gồm: Hoàng Minh Tuấn (69,38%), Trần Thị Thúy (8,64%), Hoàng Trung Tiến (8,64%).

Trên trang chủ của mình, Leader Energy cho biết, Thủy điện Leader Nam Tiến (tại thời điểm chuyển nhượng vốn) sở hữu 5 dự án thủy điện ở Lào Cai với tổng công suất đạt 49,5MW, vốn đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng, gồm: Ngòi Xan I (10,5MW), Ngòi Xan II (8,1MW), Vạn Hồ (4,5MW), Sùng Vui (18MW), Trung Hồ (8,4MW).

Nhiều khả năng đây là các dự án mà Leader Energy hợp tác đầu tư cùng Tập đoàn Nam Tiến. Có thể thấy, tính đến tháng 5/2020, ông Hoàng Minh Tuấn, bà Cao Thị Thu Hiền nắm cương vị Thành viên HĐQT Thủy điện Leader Nam Tiến, cùng với các nhân sự cấp cao của Leader Energy và HNG Capital – công ty mẹ Leader Energy, gồm Chủ tịch HĐQT Hng Hsieh Ling, Gan Boon Hean, Hng Chun Hsiang, Ng Woon Chiang.

Ông Nguyễn Duy Thái – Thành viên HĐQT Tập đoàn Nam Tiến, hiện đang đứng tên tại CTCP Thủy điện Nậm Tha. Đáng chú ý, đơn vị này vào tháng 7/2021 đã nhận chuyển nhượng các công trình thuộc dự án Nậm Tha 5, Nậm Tha 4, Nậm Tha 3.

Nhóm Nam Tiến kinh doanh thế nào?

Nắm nhiều dự án trong tay, song tình hình tài chính của Tập đoàn Nam Tiến (công ty mẹ) giai đoạn 2016-2019 không mấy tích cực.

Có thể thấy, trong giai đoạn này, doanh thu thuần tập đoàn luôn duy trì từ 500-900 tỷ đồng. Dù vậy, sau khi trừ đi các chi phí, lãi thuần thu về chỉ ở mức vài chục tỷ đồng. Thậm chí, công ty còn lỗ 6,1 tỷ đồng năm 2018.

Riêng năm 2019, doanh thu thuần Tập đoàn Nam Tiến đạt 866,3 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018, lãi thuần 11,2 tỷ đồng.

Tổng tài sản công ty mẹ tới cuối năm 2018 là 2.223 tỷ đồng, tuy nhiên bất ngờ giảm mạnh về 1.284 tỷ đồng cuối năm 2019, các chỉ tiêu vốn chủ sở hữu, nợ phải trả cũng có sự sụt giảm mạnh. 

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tập đoàn đạt hơn 2,97 lần vào cuối năm 2019 – mức cao nhất xét trong giai đoạn 2016-2019.

NDT - KQKD Tap doan Nam Tien giai doan 2016-2019

Xét riêng năm 2019, nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn Nam Tiến (công ty mẹ) có kết quả khá tốt, như: CTCP Phát triển Năng lượng Minh Lương lãi thuần 3,62 tỷ đồng; Thủy điện Leader Nam Tiến lãi 72,2 tỷ đồng...Trong khi đó, CTCP Tư vấn phát triển điện và Cửu Long, CTCP Nha Trang Bay không phát sinh doanh thu.

04A61B58-57E1-4E91-8668-3AF6D785DEC1

Theo Hóa Khoa/Nhà đầu tư
Bạn đang đọc bài viết "Một thương vụ 'bán con' kín tiếng của Nam Tiến Group" tại chuyên mục Tài chính.