Công chứng vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực, không có giá trị pháp lý xác nhận các hợp đồng, giao dịch bất động sản.
Gần đây, một số quận, huyện ở TP.HCM đã có thông tin cảnh báo người dân không thực hiện các giao dịch về nhà, đất bằng giấy tay và sau đó yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền. Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, lý giải rõ hơn về vấn đề này.
Đừng nhầm lẫn vi bằng với văn bản được công chứng
Thưa bà, bà có thể nói rõ hơn về vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập?
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM
Bà Phan Thị Bình Thuận: Thời gian qua, các quận, huyện đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về những hậu quả pháp lý có thể xảy ra khi giao dịch về nhà, đất bằng giấy tay và giá trị chứng cứ của vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền. Mục đích của việc này là để người dân không nhầm lẫn vi bằng với văn bản được công chứng, chứng thực theo quy định.
Theo quy định, vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Các thừa phát lại đang hành nghề tại các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP.HCM được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn TP.HCM.
Về nội dung, vi bằng do thừa phát lại lập chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; vi bằng không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực ; thừa phát lại không được lập vi bằng đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp...
Do đó, vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền của các bên chỉ có giá trị chứng minh bên này đã giao tiền và bên kia đã nhận tiền (để tạo lập chứng cứ cho hành vi giao nhận tiền giữa các bên), vi bằng này không xác nhận hay chứng nhận đối với các giao dịch khác.
Chỉ có giá trị chứng minh việc giao, nhận tiền
Không hiếm trường hợp người dân biết rõ giá trị pháp lý của vi bằng không chứng nhận việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất nhưng vẫn yêu cầu lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền. Bà có thể lý giải việc này không?
Hiện nay, qua công tác xác minh khi thực hiện việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp, tiếp xúc với nhiều người yêu cầu lập vi bằng, chúng tôi thấy hầu hết người dân đã hiểu biết về giá trị pháp lý của vi bằng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người dân thực hiện giao dịch chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay (không được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật) và họ yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền giữa hai bên. Khi có tranh chấp xảy ra, vi bằng chỉ là chứng cứ chứng minh có việc giao tiền mà thôi.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều vi bằng của thừa phát lại đã được tòa án sử dụng làm chứng cứ trong hoạt động xét xử, trong đó vi bằng ghi nhận việc giao tiền dạng này được tòa án công nhận sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc. Như vậy, vi bằng của thừa phát lại chỉ có giá trị chứng cứ trong việc giao nhận tiền giữa các bên, vi bằng không xác nhận việc chuyển nhượng nhà, đất, vi bằng không có giá trị để các bên thực hiện việc sang tên, đăng bộ về nhà, đất.
Sở Tư pháp TP sẽ làm gì để siết chặt quản lý đối với thừa phát lại?
Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong hoạt động thừa phát lại là về mặt thể chế, mặc dù đã được thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước từ 1/1/2016 nhưng đến nay vẫn áp dụng các quy định trong thời gian thí điểm. Hiện vẫn còn tình trạng thừa phát lại chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật nhưng chưa có chế tài để xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thừa phát lại…
Sở Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị và tham gia góp ý hoàn thiện các quy định pháp luật trong hoạt động thừa phát lại; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thừa phát lại.
Xin cám ơn bà.
Chưa có quy định xử phạt thừa phát lại
Mới đây, thực hiện chương trình làm việc năm 2019 của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TP và ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Tư pháp TP tiếp tục kiến nghị Bộ Tư pháp khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động thừa phát lại thay thế các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bổ sung quy định về xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, đến nay các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về thừa phát lại vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với thực tiễn và chưa có quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thừa phát lại. Như vậy, hiện lĩnh vực này vẫn phải áp dụng các quy định pháp luật trong giai đoạn thí điểm.
Ôm hận vì mua nhà qua "công chứng vi bằng"
Vợ chồng tôi làm công nhân ở Bình Tân, dành dụm nhiều năm mới được 300 triệu đồng. Do muốn có chỗ ở ổn định nên chúng tôi vay mượn thêm họ hàng, tổng cộng được hơn 500 triệu đồng để mua một căn nhà cấp bốn rộng 50 m2 ở gần Bến xe Ngã Tư Ga, quận 12, TP.HCM. Lúc mua, chủ nhà nói ở vài năm nữa sẽ làm thủ tục ra sổ đỏ, còn hiện thời chỉ làm " công chứng vi bằng ". Chúng tôi dọn về ở chưa được một tháng thì thấy phường gửi quyết định cưỡng chế nhà vì nhà xây không phép. Tá hỏa, tôi tìm gặp chủ cũ yêu cầu bồi thường thì người này năn nỉ cho trả lại dần số tiền đã bán nhà vì hiện ông ta không còn tiền trả. Đúng là nghèo còn mắc cái eo!
Chị Nguyễn Thị Nhàn (quận Bình Tân, TP.HCM)
Theo KIM PHỤNG
Pháp luật TP Hồ Chí Minh