Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mua nhà ở hình thành trong tương lai, trường hợp nào dễ tranh chấp, khiếu kiện?

17/03/2022 06:59

Hiện nay, nhiều dự án xây dựng chung cư thường bán nhà ở hình thành trong tương lai. Vậy, khi mua nhà ở loại này, người mua cần quan tâm những vấn đề gì để tránh tiền mất tật mang?

z326463714131558ac98716abaad6997b745bd06bedcb8-1647423247228811416180-1647475103.jpg
Mua nhà ở hình thành trong tương lai cần nhiều lưu ý để tránh tiền mất tật mang - Ảnh: PHƯƠNG NHI.

TS Phạm Văn Võ - phó trưởng khoa luật thương mại, ĐH Luật TP.HCM - cho biết, nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. 

Tuy nhiên, không phải mọi căn nhà chưa xây dựng xong chủ đầu tư đều có thể ký hợp đồng bán nhà hình thành trong tương lai. Chỉ những căn nhà đã đáp ứng được những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư mới được ký hợp đồng bán nhà dạng này.

Vì thế, người mua nhà cần lưu ý đến những vấn đề sau trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà trong tương lai. 

Thứ nhất, cần lưu ý nhà ở đó của ai, người bán có phải là chủ đầu tư dự án hay không? Thứ hai, nhà ở hình thành trong tương lai có đang bị đem đi thế chấp hay không? Thứ ba, nhà ở đó có đủ điều kiện để đưa vào giao dịch hay chưa?

Sau khi đặt ra ba vấn đề trên, người mua nhà cần kiểm tra các loại giấy tờ sau trước khi có quyết định ký hợp đồng mua.

Những loại giấy tờ đó, gồm: Giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công của chủ đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đối với nhà chung cư thì là biên bản nghiệm thu về việc đã hoàn thành xong việc xây dựng phần móng; Văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng về việc cho phép bán nhà hình thành trong tương lai.

Cũng theo TS Phạm Văn Võ, nhiều tranh chấp khiếu kiện về nhà ở hình thành trong tương lai thời gian qua liên quan đến hai vấn đề, gồm: đất đã thế chấp ngân hàng nhưng người mua nhà không biết; thứ hai là người đứng ra ký hợp đồng mua bán không phải là chủ đầu tư, mà là bên hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh…

Vì thế, ngoài việc kiểm tra những loại giấy tờ cần thiết, người mua nhà cần phải nắm chắc việc thửa đất thực hiện dự án có thế chấp ngân hàng hay không. Đồng thời, đọc kỹ hợp đồng để tránh trường hợp ký hợp đồng với đại diện không phải là chủ đầu tư. 

Nên nhớ, hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ có giá trị khi người mua ký kết với chủ đầu tư. Chủ đầu tư không được ủy quyền cho bất cứ bên nào khác để thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản.

Theo Phương Nhi/Tuổi trẻ