Đôi khi, việc hoàn thành mục tiêu lớn cũng không khiến bạn cảm thấy vui vẻ hay hạnh phúc, thay vào đó là thất vọng, mệt mỏi.
Oprah Winfrey, Sean Combs và Will Ferrell đã làm điều này. Nữ diễn viên Katie Holmes hay cựu Tổng thống George W. Bush cũng vậy. Những tên tuổi lớn này đều đã từng tham gia chạy marathon - một cuộc đua dài 42 km để kiểm tra sức chịu đựng về tinh thần và thể chất. Theo một nghiên cứu của tổ chức RunRepeat, số lượng người chạy marathon đã tăng 50% trong thập kỷ vừa qua. Chỉ riêng trong năm 2018, có hơn 1,3 triệu người đã tham gia trên toàn thế giới.
Có người đơn giản là thích chạy, những người khác lại tham gia vì muốn tăng cường sự tự tin, thử sức chịu đựng, hoặc theo đuổi một mục tiêu cao cả nào đó. Đối với họ, chạy marathon tượng trưng cho thành tích cao hay thái độ "không gì là bất khả thi". Tuy nhiên, chúng ta hiếm khi nhìn thấy những điều sắp tới.
Sau niềm vui là những tiếng thở mệt nhọc
"Hội chứng hậu marathon" là cảm giác buồn chán, vô dụng và thất vọng mà người chạy gặp phải sau ngày thi đấu.
Theo nhà tâm lý học tại ĐH Harvard - Tal Ben-Shahar, khi theo đuổi một mục tiêu, bạn hy vọng sẽ đạt được nó. Hành động "săn mục tiêu" này đã kích thích trung tâm tưởng thưởng của não bộ và tạo ra cảm giác vẹn toàn, mặc dù bạn chỉ mới đang luyện tập. Điều này khiến bạn tưởng mình đã hoàn thành xong chặng đường marathon.
Một khi bạn đã vượt qua vạch đích, bạn sẽ không cảm thấy thỏa mãn như trước nữa. Thế nhưng, xã hội vẫn muốn chúng ta hướng đến những mục tiêu cao hơn. Chúng ta được dạy rằng mình sẽ hạnh phúc nếu đạt được mục tiêu lớn, rằng cuộc đời sẽ ngọt ngào hơn sau khi thành công.
Tuy nhiên, sự hối thúc này đã đem đến một mặt trái không thể chối bỏ: Tình trạng kiệt sức ngày càng trở nên tràn làn. Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Mỹ, căn bệnh rối loạn lo âu đang ảnh hưởng 18% dân số nước này mỗi năm. Khi theo đuổi mục tiêu chỉ vì muốn theo đuổi mục tiêu, bạn sẽ không bao giờ tìm ra định nghĩa thành công của chính mình.
Tin tốt là, vẫn chưa quá muộn để bạn thay đổi và hướng tới những thực sự quan trọng hơn. Dưới đây là 3 bước đơn giản để bạn đặt ra những mục tiêu ý nghĩa hơn.
Xác định ưu tiên của bạn
Không phải ai cũng muốn leo đỉnh Kilimanjaro hay kiếm được 10 triệu USD. CEO của Basecamp - Jason Fried - cho biết, anh không bao giờ đặt ra mục tiêu. "Mục tiêu sẽ biến mất khi bạn đạt được nó," anh viết trên blog. "Một khi bạn hoàn thành, nó sẽ không còn nữa. Bạn có thể đặt ra một mục tiêu mới, nhưng tôi thì không làm được từng bước như thế."
Tôi thành lập công ty của mình, JotForm, vào năm 2016. Tôi không đặt ra những mục tiêu tham vọng, bởi tôi tin rằng kinh doanh cũng là một cách sống. Công việc đó phải khiến tôi hứng thú, nếu không tôi sẽ chẳng tiếp tục. Tuy nhiên, mục tiêu có thể giúp xác định điều bạn mong muốn.
Andrew Wilkinson - nhà sáng lập MetaLab đã từng viết rằng, anh sử phương pháp "phản mục tiêu" để vạch ra kiểu kinh doanh mà mình không mong muốn. Bằng cách lên kế hoạch cho một ngày làm việc tồi tệ, Wilkinson và các cộng sự nhận ra rằng họ ghét những cuộc họp kéo dài nhiều tiếng, những chuyến công tác triền miên, một thời gian biểu chật kín, và làm việc với những người họ không tin tưởng. Vì thế, họ đã đặt ra nguyên tắc mới: hoặc là họp qua video, hoặc là trả tiền để người ta đến gặp mình. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu lên lịch quá 2 tiếng/ngày.
Không phải ai cũng có đủ tự do và tiềm lực tài chính để đưa khách hàng tới tận nơi. Tuy nhiên, việc đảo ngược mục tiêu sẽ giúp bạn nhận ra các ưu tiên thực sự của mình. Bạn sẽ biết biết theo đuổi điều gì để khiến mình hạnh phúc và khỏe mạnh.
Giới hạn sự tập trung
Chưa bao giờ câu nói này lại thích hợp đến vậy: "Bạn có thể làm bất cứ điều gì, nhưng bạn không thể làm mọi thứ." Một khi bạn đã quyết định đâu là điều cần thiết, hãy xây dựng các hệ thống thay vì mục tiêu. Tác giả James Clear từng viết trên blog rằng, mục tiêu sẽ tạo ra định hướng, còn hệ thống sẽ tạo dựng cả quá trình. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của bạn là viết sách, hệ thống của bạn sẽ xác định: Bạn viết khi nào? Có thường xuyên không? Bạn tổ chức các ý tưởng như thế nào? Ai sẽ sửa bản nháp? Tư duy làm việc theo hệ thống này sẽ giúp bạn không quá chú tâm vào thành phẩm cuối cùng. "Khi bạn tận hưởng quá trình thay vì thành quả cuối cùng, bạn không cần phải chờ đợi để cho phép bản thân hạnh phúc," Clear viết. "Bạn sẽ cảm thấy hài lòng vào bất cứ lúc nào khi hệ thống chạy."
Duy trì động lực
Bạn sẽ tranh cãi rằng, mục tiêu sinh ra là để hoàn thành. Rốt cuộc, nó vẫn rất cần thiết để có thể hạnh phúc và sáng tạo. Kể cả khi không có những mục tiêu lớn, bạn sẽ vẫn phải tìm cách để theo dõi sự trưởng thành của mình. Đó là lý do bạn cần liên tục tiến bộ. Chẳng hạn như Fried, anh đã thiết kế và bán chiếc logo đầu tiên với giá 50 USD vào năm 16 tuổi. Kể từ đấy, cuộc hành trình tới Basecamp của anh đã luôn là "một đường thẳng liên tục". Trong quá trình đó, Fried cũng đạt nhiều thành tựu khác, nhưng anh không dừng lại.
Không cần phải đặt ra những mục tiêu lớn để rồi cảm thấy mệt mỏi, thất vọng, bạn có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ. Mỗi năm, tôi đều dành một tuần tại quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ, giúp gia đình hái ô-liu. Mùa thu hoạch hàng năm này luôn nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của những hành động nhỏ. Mỗi trái ô-liu có thể chỉ đem lại vài giọt dầu trong cái xô, nhưng sau 1 tuần, chúng tôi có đủ ô-liu để sản xuất ra hàng chục lít dầu. Trong cuộc sống, công việc, đầu tư, những hành động nhỏ có thể đem lại kết quả đáng kể. Quan trọng nhất, bạn sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc trong cả quá trình.
Bài chia sẻ của Aytekin Tank - CEO JotForm. Anh cũng là cây viết hàng đầu chuyên về lối sống, năng suất làm việc, khởi nghiệp, cảm hứng.
Theo Ngọc Hà
Trí thức trẻ/FC