Muốn trở thành "Vị sếp hoàn hảo", đừng ngại ngần thực hiện những điều sau đây

24/12/2018 16:50

Để thành ông chủ là một điều khá đơn giản, tuy nhiên trở thành ông chủ tuyệt vời lại là một vấn đề khá phức tạp. Khi bạn là một chủ doanh nghiệp, bạn càng lãnh đạo hiệu quả, bạn càng thúc đẩy tổ chức của mình và thúc đẩy nhân viên làm việc tốt hơn. Vì vậy, đừng bao giờ ngại ngần nâng cao khả năng lãnh đạo của bản thân. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể thực hiện điều này

1. Học cách lắng nghe

Với tư cách là sếp, hiển nhiên bạn có quyền yêu cầu và ra lệnh cho cấp dưới của mình. Nhưng liệu bạn có thường xuyên dành thời gian để lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của nhân viên về các quy trình và chính sách hiện tại của công ty hay không? Bằng cách trở thành một người lắng nghe tốt hơn, bạn sẽ có được cái nhìn sâu sắc về những yếu tố nhân viên đang bận tâm cũng như những công cụ và sự hỗ trợ nhân viên đang cần.

2. Thoải mái giao phó

Khi điều hành một doanh nghiệp, chúng ta thường có xu hướng khó tin tưởng và giao phó công việc mà bạn từng đảm nhận cho người khác, nhất là khi các quyết định mà họ đưa ra có thể ảnh hưởng công việc của bạn. Dĩ nhiên, với tư cách là một người sếp, bạn luôn có khả năng làm tất cả, tuy nhiên nếu bạn tự tin quá mức vào bản thân, bạn có nguy cơ "kiệt sức". Do đó, hãy tập cách phải thoải mái với ý tưởng ủy thác nhiệm vụ cho người khác, cho dù điều đó có nghĩa là bạn phải thay đổi nhân sự hoặc thuê ngoài.

3. Biết thừa nhận khi bạn sai

Một nhà lãnh đạo giỏi là cá nhân mà người khác có thể dựa vào và tôn trọng. Và một cách tốt để biến điều đó thành hiện thực là thừa nhận những sai lầm bạn mắc phải thay vì chối bỏ hoặc đổ lên đầu người khác. Nếu bạn cho nhóm của bạn thấy rằng bạn sẵn sàng tự chịu trách nhiệm khi gặp sự cố, nhân viên của bạn sẽ kính trọng bạn hơn và tự tin hơn bước ra khỏi "vùng an toàn" của bản thân.

4. Dành thời gian cho tổ chức

Việc điều hành một doanh nghiệp rõ ràng không mấy dễ dàn, nhiều khi bạn sẽ bắt gặp bản thân bận rộn với một mớ việc. Tuy nhiên, hãy luôn sẵn sàng dành thời gian cho cấp dưới, ngay cả khi điều đó có nghĩa là thay đổi thời hạn Deadline. Hãy tạo cho nhân viên của bạn cơ hội để chia sẻ suy nghĩ và mối quan tâm, điều này sẽ giúp bạn có một góc nhìn tốt hơn để giải quyết vấn đề, từ đó tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng hơn cho tất cả những người có liên quan.

5. Giữ bình tĩnh trước áp lực

Căng thẳng khi gặp sự cố là vấn đề tâm lý hết sức tự nhiên, tuy nhiên, nếu bạn cho nhân viên thấy rằng bạn có thể giữ bình tĩnh khi mọi thứ "nóng rực như đốt lò", họ sẽ có nhiều khả năng sẽ học tập "tấm gương của sếp", qua đó quản lý căng thẳng tốt hơn. Điều này thật sự có ích, nhất là khi có biến cố xảy ra đối với doanh nghiệp, tổ chức của bạn.

6. Nhúng tay vào thực hiện

Là ông chủ, bạn có mọi quyền để giao nhiệm vụ cấp thấp hơn cho người khác. Và bạn cho rằng, việc bạn "xắn tay áo" xử lý sự cố máy tính cá nhân khi bạn đang phải giám sát một hoạt động quan trọng thực sự không có ý nghĩa gì nhiều. Tuy nhiên, đừng suy nghĩ như vậy. Nếu bạn dành thời gian để "ở cùng chiến hào" với nhân viên, bạn sẽ nắm rõ hơn những khó khăn, thách thức mà nhân viên đang vấp phải, qua đó đưa ra những quyết định chính xác và kịp thời hơn.

Đồng thời, thực hiện được điều này, bạn đã phát đi một thông điệp rằng "Mọi nhiệm vụ đều quan trọng, và mọi người trong công ty (tổ chức) đều phải có trách nhệm". Thông điệp này sẽ là động lực, liều thuốc tinh thần rất tốt để giúp nhân viên của bạn thêm tin tưởng và gắn bó với tổ chức, công ty cũng như gắn bó, tin tưởng vào vị sếp của mình.

Ý Nhi/Theo Fastcompany