Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mỹ và Trung Quốc 'rớt đài', Singapore tiếp tục là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

18/06/2020 11:30

Singapore đã trở thành quốc gia đứng số 1 về khả năng cạnh tranh trong năm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã khiến hai cường quốc này tụt hạng đáng kể.

Singapore đã trở thành quốc gia đứng số 1 về khả năng cạnh tranh trong năm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã khiến hai cường quốc này tụt hạng đáng kể.

Singapore dẫn đầu lần năm thứ hai liên tiếp, nhờ đầu tư và thương mại sôi động, nền giáo dục và cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc. (Nguồn: CNBC)

Viện Quản lý phát triển (IMD) có trụ sở tại Thụy Sỹ mới đây đã công bố bảng xếp hạng thường niên các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2020.

Năm nay, Singapore dẫn đầu lần năm thứ hai liên tiếp, nhờ đầu tư và thương mại sôi động, nền giáo dục và cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc.

Theo sau là Đan Mạch, Thụy Sỹ, Hà Lan và Hong Kong (Trung Quốc).

Hong Kong (Trung Quốc) năm nay tụt 3 bậc do bất ổn chính trị xã hội và suy thoái kinh tế trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Dù vậy, ở vị trí top 5 cũng cho thấy sức mạnh của các nền kinh tế nhỏ trong việc chống chịu các rủi ro toàn cầu.

Giám đốc IMD World Competitiveness Center Arturo Bris nhận định: “Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, các nền kinh tế nhỏ hưởng lợi từ khả năng chống lại đại dịch và sức cạnh tranh về kinh tế. Một phần nguyên nhân cũng vì họ dễ dàng đạt đồng thuận xã hội hơn”.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên tính cạnh tranh của cả hai quốc gia. Mỹ năm nay tụt hạng từ thứ 3 xuống 10. Trung Quốc giảm 6 bậc về 20. “Chiến tranh thương mại đã hủy hoại cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, đảo ngược quỹ đạo tăng trưởng của họ”, IDM cho biết thêm.

Trong báo cáo năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng xếp hạng Singapore đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh. Còn Mỹ lùi về thứ 2 do độ cởi mở thương mại đi xuống.

Xét theo khu vực, châu Âu đứng đầu với 5 đại diện trong top 10. Đan Mạch được đánh giá cao nhờ kinh tế, thị trường lao động, hệ thống giáo dục và y tế đều vững chắc. Đầu tư quốc tế, hiệu suất lao động cũng ổn định. Thụy Sỹ đứng thứ ba nhờ ngoại thương, cơ sở hạ tầng khoa học, hệ thống giáo dục và y tế mạnh.

Anh năm nay tăng 4 bậc lên thứ 19. IMD cho rằng, đây là dấu hiệu Brexit sẽ tạo ra môi trường đầu tư thân thiện. Canada cũng tăng 5 bậc lên thứ 8.

Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương yếu hơn năm ngoái, khi hầu hết tụt hạng. Nhật Bản tụt 4 bậc xuống thứ 34. Indonesia mất 8 bậc xuống 40.

Khu vực Trung Đông cũng chật vật do khủng hoảng giá dầu. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm 4 bậc về thứ 9.

Xếp hạng của IMD được công bố thường niên từ năm 1989, đánh giá 63 nền kinh tế dựa trên hàng trăm chỉ số. Ngoài các nhóm dữ liệu cứng như tỷ lệ thất nghiệp, chi phí sinh hoạt và chi tiêu, báo cáo còn đánh giá các dữ liệu mềm, lấy từ khảo sát với lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế về ổn định chính trị hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong danh sách các nước được đánh giá không có Việt Nam.

(theo Hương Vũ/Dân trí/Bloomberg)

Theo TG&VN