Khi tuyển chọn nhân viên, cũng như tìm kiếm các đối tác và người để kết giao, ít ai biết được rằng, điều người ta quan tâm nhất không phải là năng lực hay thái độ. Nhân cách của ta ra sao mới là điều quan trọng nhất.
Năng lực chỉ là cơ sở
Khi ứng tuyển vào các vị trí, rất nhiều người vô cùng tự tin vào năng lực của mình để rồi ôm lấy thất vọng. Họ không hiểu rằng, các nhà tuyển dụng không chỉ nhìn vào khả năng, bởi vì năng lực đôi khi chỉ là cơ sở cho sự phát triển của mỗi người. Một số người có thể không có khả năng trong một số lĩnh vực, nhưng họ rất hữu ích và luôn sẵn sàng hỗ trợ người khác, có thể trở thành đối tác tốt.
Hơn nữa, một số người, khi có năng lực, tài năng cao mà kiêu ngạo, sẽ rất khó để hợp tác với người khác. Trong thời buổi hiện tại, làm việc quan trọng nhất là cộng tác. Vậy nên, có năng lực mới chỉ là nền tảng, cao hơn nữa là phải có thái độ hợp tác. Nếu ta hỗ trợ và cố gắng thấu hiểu nhau, ta sẽ cùng tiến bộ, không chỉ công việc mà cả bản thân cũng được cải thiện.
Cốt lõi là thái độ
Trong quá trình làm việc, luôn có những lúc ta gặp thất bại hay khó khăn. Để tiếp tục tiến bước và thành công, điều mỗi chúng ta cần nhất là thái độ tận tâm và kiên trì, bền bỉ.
Có không ít người, trước khi và khi mới bắt đầu vào việc, nhiệt huyết tràn đầy, tinh thần hết sức hăng hái, hứa hẹn cũng rất nhiều. Tuy nhiên khi công việc đã tiến hành được một thời gian, gặp khó khăn, lại rất nhanh chóng nảy sinh tâm lý chán nản rồi bỏ cuộc. Những tổ chức, công ty rất sợ loại người này vì họ ảnh hưởng trực tiếp đến các tiến độ và cả tình hình nhân sự của công ty.
Công việc có thành công hay không, nhiều lúc chỉ đơn giản rằng bạn có thái độ tốt, có thể kiên trì bền bỉ được hay không. Nhiều người thông minh nhưng vẫn thất bại, nguyên nhân chính là do thiếu thái độ nghiêm túc và chăm chỉ khi làm việc.
Những người như vậy, không những có thể thành công, thăng tiến trong công việc, mà còn là người bạn, người đồng hành đáng tin cậy trong cuộc sống.
Điều quan trọng nhất là nhân cách
Con người, không ai là không có những lời ích, mục đích riêng. Vấn đề là, họ có thể cân bằng lợi ích, mục đích riêng của mình với những giá trị chung hay không.
Có người vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng bất chấp tất cả, không từ bất kỳ thủ đoạn nào, không ngại hi sinh bất kỳ ai. Những người như vậy có thể có năng lực rất tốt, giỏi lấy lòng người khác. Họ thường tỏ ra mình là một người tốt nhưng thực tế lòng dạ như thế nào, khó ai mà biết được. Những người này là những kẻ đại kị cho việc kết giao, dù là bạn bè hay đối tác, luôn luôn phải tránh xa.
Tất nhiên, chúng ta không thể nào trở thành những "thánh nhân", hi sinh hết mình vì sự nghiệp chung. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể một lòng hướng thiện, đối xử chân thật, kính trọng những người xung quan mình. Từ đó ta có thể trở thành một người đồng hành đáng tin cậy, không chỉ công việc của chúng ta sẽ thành công hơn mà cả cuộc đời của chúng ta cũng sẽ không bao giờ lẻ loi, phải bôn ba một mình.
Theo Lê Dương
Trí thức trẻ/Sound of hope