Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nên ngừng khuyên người trẻ “theo đuổi đam mê của mình”, mà hãy để họ tự thiết kế cuộc đời đáng sống

06/10/2019 19:58

Tỷ phú Mark Cuban cho biết “Theo đuổi đam mê là một trong những lời khuyên dối trá nhất trên đời”, shark Thái Vân Linh cũng từng chia sẻ rằng “Đừng tập trung tìm đam mê. Hãy tập trung tìm xem mình giỏi cái gì”.


Tỷ phú Mark Cuban cho biết “Theo đuổi đam mê là một trong những lời khuyên dối trá nhất trên đời”, shark Thái Vân Linh cũng từng chia sẻ rằng “Đừng tập trung tìm đam mê. Hãy tập trung tìm xem mình giỏi cái gì”.

1. Đam mê là kết quả của một cuộc sống được thiết kế tốt, chứ không phải là nguyên nhân tạo nên cuộc sống ấy

 

Có nhiều người bị vướng vào một niềm tin sai lệch rằng họ chỉ cần tìm ra đam mê thật sự của mình là gì, rồi tất cả mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Chúng ta nên học cách “ghét” dần ý nghĩ này vì một lý do rất đơn giản: hầu hết mọi người không biết đam mê của họ là gì, thậm chí thực sự đa số chúng ta chẳng biết rõ chúng ta muốn gì hay cần gì nên rất có thể chúng ta vẫn đang đi lệch mà không hề biết.

William Damon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Thanh thiếu niên Stanford, chỉ ra rằng trong năm người ở độ tuổi từ 20-26, chỉ duy nhất một người biết được định hướng tương lai, có mong muốn rõ ràng trong cuộc sống và hiểu tường tận tất cả lý do cho những điều đó. Thí nghiệm của ông cũng chỉ ra điều tương tự, 80% những người ở mọi độ tuổi không thật sự biết họ đam mê điều gì.

(Anh TA) Nên ngừng khuyên người trẻ “theo đuổi đam mê của mình”, mà hãy để họ tự thiết kế cuộc đời đáng sống - Ảnh 1.

Và sẽ có không ít trường hợp giống một kỹ sư công nghệ chia sẻ “Hồi năm 2006, tôi có biết chút ít về máy tính và tôi rõ ràng không hề có tí gì gọi là “đam mê” với công nghệ. Nhưng điều này đã thay đổi trong 12 năm tiếp sau đó và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Trong quá trình học đại học và rồi sau đại học, càng được học nhiều về nó, tôi càng có thêm hứng thú với công nghệ”.

William Damon tin rằng con người cần có thời gian để phát-triển đam mê của mình và nghiên cứu đã khẳng định rằng: Đối với hầu hết mọi người, đam mê đến với họ sau khi họ đã thử làm một việc gì đó, rồi phát hiện ra mình thích nó và phát triển thế mạnh đó, chứ họ không tìm ra đam mê trước quá trình ấy.

Thật vậy, có một thực tế trái ngược với những điều chúng ta luôn lầm tưởng là: Không phải người ta đam mê rồi mới giỏi và thành công, mà ngược lại người ta yêu thích một việc gì đó là bởi vì ta giỏi chuyện đấy. Càng giỏi, càng hiểu biết, càng trở thành chuyên gia của một lĩnh vực nào đó, thì họ càng có đam mê với nó và nhờ đó họ thành công với “đam mê” ấy.

Tất nhiên để giỏi được thì bất cứ ai cũng cần bỏ ra một lượng lớn thời gian học tập, thực hành, luyện tập và hoàn thiện khối kiến thức đó.

2. Không có đam mê cũng là điều tốt nhưng cần có chăm chỉ một cách thực tế

 

Việc không có đam mê cho riêng mình, đó vốn là điều tạo nên động lực thúc đẩy tất cả những quyết định trong cuộc sống chúng ta, cũng như truyền cho chúng ta những khoảnh khắc thức tỉnh, nhận ra chí hướng và ý nghĩa.

Bởi khái niệm “đam mê” nó cũng mơ hồ, có thể đó là sở thích, hoặc đơn giản đó là cái mà bạn luôn luôn có thể chủ động theo đuổi.

Hầu hết mỗi người đều đam mê những điều khác nhau, và cách duy nhất để biết được họ muốn làm gì chính là tạo mẫu một vài hướng đi tiềm năng cho cuộc sống, thử nghiệm, và xem hướng đi nào thật sự phù hợp với mình. Bạn không cần biết về đam mê của mình để có thể xây dựng cuộc sống. Một khi bạn biết cách làm sao để tạo dựng khuôn mẫu cho một hướng đi, tức là bạn đã bước trên con đường khám phá được điều mình thật sự yêu thích, không cần bận tâm đến chuyện liệu nó có phải là đam mê hay không.

Shark Thái Vân Linh cũng từng chia sẻ “Mình rất thích một cái gì đó, không có nghĩa là mình giỏi về cái đó và mình không có giỏi đến mức mà người ta có thể trả mình tiền để mình làm việc đó. Lời khuyên của Linh dành cho các bạn là đừng tập trung quá vào việc tìm đam mê của mình là gì. Bạn nên tập trung vào việc tôi giỏi về cái gì. Sau đó, bạn tìm một công việc mà cho bạn cơ hội để phát triển kĩ năng đó.

(Anh TA) Nên ngừng khuyên người trẻ “theo đuổi đam mê của mình”, mà hãy để họ tự thiết kế cuộc đời đáng sống - Ảnh 2.

Tại điểm đó, chúng ta cần lùi lại một chút và khách quan hơn khi lựa chọn nghề nghiệp. Đương nhiên là, nếu bạn sinh ra trong một gia đình giàu có và có một đống tài sản thừa kế chỉ đợi để được tiêu, bạn hoàn toàn có thể dành cả đời để sưu tập tem, hay là bất cứ thứ gì khiến bạn thích thú. Nhưng nếu bạn đến từ một gia đình bình thường với mức thu nhập trung bình và cần phải cố gắng đủ ăn đủ tiêu để sống qua ngày, thì lời khuyên dành cho bạn đó là nên làm việc thật chăm chỉ và có đủ năng lực để có một cuộc sống ổn định.

Có câu nói từ một người cha chia sẻ với con trai mình đại ý: “Trước khi con đưa ra quyết định về sự nghiệp của mình, hãy tự hỏi bản thân xem điều gì sẽ xảy ra nếu con là người giỏi thứ 1000 trong việc mình làm”.

Nếu bạn có năng lực trên trung bình khi là một bác sĩ, kế toán viên, nhân viên marketing… bạn vẫn có thể có một công việc ổn định với mức lương đủ sống thậm chí có thể chu cấp cho gia đình. Còn vẫn với năng lực ấy, là người giỏi thứ 1000 nếu bạn là một diễn viên ba lê, game thủ, travel blogger hay họa sĩ, có khả năng bạn sẽ phải vật lộn khá nhiều trong cuộc sống. Bạn nghĩ sao về điều này?

Đây là sự thật lạnh lùng và khó chấp nhận. Và dù có không thích nghe đến thế nào thì bạn cũng không thể phủ nhận nó. Nhưng đừng hiểu điều này có nghĩa là bạn không nên hiện thực hóa đam mê của mình.

Giống như trường hợp của vlogger Giang ơi, trước khi trở thành một youtuber toàn thời gian thì bạn ấy vẫn đi làm một công việc 8 tiếng nhận lương hàng tháng, đồng thời vẫn thực hiện các video trên youtube theo sở thích của mình.

Rất có thể chúng ta sẽ cần nỗ lực đủ để có thể làm cả hai điều đó song song với nhau, một nửa cho một công việc mà bạn giỏi, để giúp bạn yên tâm với cuộc sống và một nửa liều lĩnh để thử sức với việc mà bạn thấy là mình đam mê, cho đến khi bạn biết chắc rằng mình muốn gì và sẽ trở thành ai trong cuộc đời ấy.

*Bài viết tham khảo từ cuốn sách “Thiết kế một cuộc đời đáng sống” của Giáo sư Bill Burnet và giảng viên Dave Evans của Đại học Stanford.


Sâu Búc

Theo Nhịp Sống Kinh Tế