Trên đời không có gì là miễn phí, sẽ chẳng ai cho không bạn cái gì. Mối quan hệ giữa người với người là mối quan hệ tương hỗ: Bạn giúp họ, họ giúp bạn. Nếu bạn không tài giỏi, bạn không xuất chúng, có quen ai cũng chẳng ích gì.
(1)
Tôi của 10 năm về trước từng có cơ hội gặp gỡ một người nhiều "sức ảnh hưởng". Chúng tôi rất hợp cạ, có thể cùng nhau chuyện trò cả ngày không chán. Tin rằng sau này có thể nhờ cậy được, rất nhanh chóng, tôi xin số điện thoại của người đó.
Không lâu sau, khi gặp một chuyện khó cần giải quyết, tôi nghĩ đã đến lúc mình sử dụng mối quan hệ "vàng" của mình.
Lục lại trong danh bạ số điện thoại của "người ảnh hưởng", tôi soạn một tin nhắn rồi bấm nút gửi. Chờ rất lâu, vẫn không thấy dấu hiệu hồi âm. Sốt ruột, tôi bèn bắt máy gọi.
Như phần thưởng cho nỗ lực gọi điện không mệt mỏi của tôi, cuối cùng người ấy cũng bắt máy, nói với tôi đúng 5 từ rồi cúp máy: "Không phải việc của tôi". Các bạn hẳn cũng đoán được khi ấy tôi đã thất vọng và bẽ bàng biết bao nhiêu.
Tôi tin rằng nhiều người cũng từng rơi vào tình huống này. Mối quan hệ "vàng" ta mất công gìn giữ bấy lâu, lúc cần lại chả thấy đâu.
Khi xảy ra vấn đề, chúng ta nghĩ mình thật may mắn khi quen được người có thể giúp được mình, để rồi phũ phàng nhận ra: Hầu hết mối quan hệ chúng ta có không đem lại lợi ích gì cho chúng ta cả. Chúng ta lưu số của bao nhiêu người trong điện thoại, nhưng đến khi cần, tất cả những gì chúng ta nhận lại chỉ là những tiếng "tút, tút,... " lạnh lẽo, kéo dài ở đầu dây bên kia.
Tại sao? Bởi trong xã hội này, bạn không phải người tài. Hiện thực nghe thật tàn khốc, nhưng thử hỏi, có mấy hào kiệt sẵn lòng giang tay giúp đỡ những kẻ kém cỏi – những người lúc thường thì bặt vô âm tín, hễ có việc cần lại chăm chăm bấm số xin sự hỗ trợ?
(2)
Có một vị giáo sư từng hỏi tôi: "Tôi luôn ngập đầu trong công việc. Gần đây bỗng chốc xuất hiện những vị khách không mời tới cầu viện sự giúp đỡ của tôi. Tôi muốn từ chối, nhưng lại sợ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ. Vậy tôi phải làm sao?"
Tôi đáp: "Chỉ người xuất chúng mới có thể xây dựng những mối quan hệ hữu ích".
Khi nghe câu trả lời của tôi, vị giáo sư này nói thêm: "Khi tôi chưa đạt học hàm này, rất ít người chủ động tới tìm tôi. Bây giờ người ta nườm nượp kéo đến, tôi nghĩ tôi đã hiểu vì sao rồi."
Sau đó, vị giáo sư này dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, viết nhiều bài nghiên cứu khoa học hơn. Ông không lãng phí thời gian để thêu dệt nên những mối quan hệ không cần thiết.
Nếu như bạn không đủ xuất chúng, mối quan hệ bạn có thể mãi không bao giờ tạo nên giá trị. Cách để có một mối quan hệ hữu dụng, tuyệt nhiên không phải cố gắng chạy theo kết giao với một người, mà là để người ta tự tìm đến mình.
Chỉ có những mối quan hệ ngang hàng mới có thể sản sinh ra những sự giúp đỡ khi ta cần. Nghe thì có vẻ phũ phàng, nhưng đó là hiện thực cuộc sống.
(3)
Để tôi kể cho các bạn nghe về người bạn của tôi. Nếu chia một ngày ra làm 10 phần, thì có tới 9 phần anh dành cho những người bạn của mình. Anh đặt bạn bè lên trên gia đình. Vì bạn bè, anh có thể phớt lờ bố mẹ. Vì bạn bè, anh sẵn sàng "cắt bớt" khoảng thời gian ít ỏi anh có bên gia đình.
Lúc đầu, xung quanh anh có rất nhiều bạn bè. Anh ngỡ rằng có bạn bè, anh có thể thắng cả thế giới.
Sau này, bạn bè lần lượt từng người bỏ anh mà đi. Họ có những mối lo khác cần phải quan tâm, họ không còn thời gian dành cho anh, nhất là khi anh không phải người nào quá quan trọng.
Nếu bạn dành toàn bộ thời gian chăm chút cho mối quan hệ của mình, bạn sẽ phải hi sinh khoảng thời gian dùng để chăm chút cho bản thân. Hệ quả, kinh nghiệm bạn không đủ, khả năng bạn không tới, bạn sẽ bị đào thải khỏi xã hội này.
Đời mấy ai biết được chữ ngờ, anh bạn của tôi sau này bị ung thư. Bác sĩ bảo nguyên nhân là do những thói quen thời trẻ của anh, ví dụ như thức thâu đêm suốt sáng nói chuyện với bạn bè, những cuộc tụ tập đàn đúm vui hết mình bên những ly rượu...
Anh sống không quan tâm bản thân mình, vậy đành để bệnh tật quan tâm đến anh vậy.
Đáng buồn là, sau khi hay tin anh bị bệnh, bạn bè anh vẫn tảng lờ như không biết. Kết quả, trong những giây phút ngặt nghèo ấy, xung quanh anh thiếu vắng hình bóng những người bạn mà anh dày công tích cóp qua tháng năm, chỉ còn lại những người thân trong gia đình…
(4)
Vì vậy, khi bạn chưa tôi luyện cho mình đủ sự xuất chúng cần thiết, xin đừng lãng phí quá nhiều thời gian quý báu của mình để kết giao với những người ngoài kia.
Thay vào đó, hãy dành thời gian để đọc sách nhiều hơn một chút, nâng cao kỹ năng mềm cũng như kỹ năng cứng nhiều hơn một chút. Khi đó, bạn không cần phải tìm đến thế giới, thế giới sẽ tự khắc tìm đường đến với bạn.
Đương nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Những người này không dành mấy thời gian để đọc sách, cũng chả mấy khi đoái hoài tới việc nâng cao khả năng. Bọn họ dành nhiều thời gian cho bạn – người họ quý trọng.
Khi bạn thành công, bọn họ là những người huynh đệ, những người anh em tốt. Khi bạn thất bại, bọn họ vẫn ở bên, một mực khẳng định tình đồng chí với bạn.
Những người "cứng đầu cứng cổ" không chịu đi này chính là những người bạn thực sự của bạn. Nếu bạn đang có trong tay những mối quan hệ như vậy, sau khi đọc xong bài viết này, tôi hi vọng bạn sẽ trân trọng, nâng niu và gìn giữ mối quan hệ đó hơn.
Bạn nhất định phải biết điều này: "Có nhiều cách để quen một người, nhưng chỉ duy nhất trình độ mới đủ khả năng quyết định người đó ở bên bạn hay không".
Giá trị của bạn quyết định giá trị mối quan hệ của bạn. Giá trị của bạn càng lớn, người khác càng "thích" giúp đỡ bạn. Vì vậy, thay vì dành thời gian mở rộng mạng lưới quan hệ của mình, hãy dành thời gian để nâng cao giá trị bản thân.
Warren Buffet từng nói: "Đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư quý giá nhất". Thay vì mải miết đầu tư cho những mối quan hệ để cuối cùng bị họ "bán rẻ", hãy đầu tư cho chính mình để bản thân trở nên "đắt giá".
Trên đời không có gì là miễn phí, sẽ chẳng ai cho không bạn cái gì. Mối quan hệ giữa người với người là mối quan hệ tương hỗ: Bạn giúp họ, họ giúp bạn. Nếu bạn không tài giỏi, bạn không xuất chúng, có quen ai cũng chẳng ích gì.
Theo Đình Trọng/Trí Thức Trẻ