Hẳn là ai trong chúng ta cũng từng có ít nhất một lần cố biện hộ cho một quyết định sai lầm trong lúc vẫn không chịu quay đầu lại, hay tìm cách “hợp thức hóa” một lựa chọn tồi tệ mà mình sắp thực hiện. Làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn một cách nhất thời, nhưng xét về lâu dài thì việc cứ cố tìm cách bao biện cho bản thân chỉ làm cho bạn gặp nhiều rắc rối hơn mà thôi.
Ai cũng có thể mắc vào các lỗi bỏ qua rủi ro, bị cám dỗ nhất thời hay hành xử bốc đồng. Nhưng để thực sự trở thành một người mạnh mẽ hơn, bạn cần phải biết thừa nhận những sai lầm của mình để có thể thay đổi hành vi trong tương lai.
Một người có tinh thần mạnh mẽ thực sự sẽ không sử dụng 4 lý lẽ dưới đây để biện minh cho hành vi của mình:
1. “Cứ làm tới rồi xin lỗi sau, thay vì phải xin phép trước”
Nếu bạn đang cố tình làm một việc nào đó mà chưa có sự đồng ý của sếp, hoặc bạn đang dựng một hàng rào sẽ che khuất view hướng biển của nhà hàng xóm, khi đó bạn sẽ có khuynh hướng “làm tới rồi xin được tha sau”. Nhưng nếu bạn thực sự tin rằng mình đang làm đúng, vậy tại sao bạn cần phải xin lỗi và cầu xin sự tha thứ?
Lời biện hộ này thường được ném ra khi người ta quá sợ phải đối mặt trực tiếp với vấn đề, và được xếp vào dạng hành vi “gây hấn thụ động” (passive-aggressive).
Nếu bạn thực sự tin vào quyết định của bạn, hãy thực hiện nó với tất cả sự tự tin. Nếu bạn không chắc chắn những gì mình đang làm là đúng, trước tiên hãy dành chút thời gian để nói chuyện với các bên liên quan, thay vì cứ cố làm rồi lại đưa ra một lời xin lỗi giả tạo vào ngày hôm sau.
2. “Bạn chỉ sống một lần trong đời” (YOLO)
Trớ trêu thay, YOLO thường là điều cuối cùng mà ai đó nói trước khi “đặt cược” mạng sống của mình vào tình thế nguy hiểm, kiểu như: Chúng ta có nhảy xuống biển từ khe núi này không? YOLO.
Nó cũng được sử dụng như một cách để biện minh cho việc chạy theo những cám dỗ nhất thời: Tôi đang cố gắng giảm cân đấy, vậy tôi có nên ăn tráng miệng này không? YOLO.
Mặc dù đúng là bạn chỉ sống có một lần, nhưng bạn có muốn một cuộc sống đầy đủ và phong phú không? Để làm được như vậy, bạn phải biết cân bằng giữa những rủi ro ngắn hạn và các kết quả dài hạn.
3. “Tôi chẳng quan tâm mọi người nghĩ gì”
Những người có tinh thần mạnh mẽ sẽ không cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm người khác nghĩ gì. Trên thực tế, việc cứ phớt lờ cảm xúc của người khác có thể là biểu hiện của một người bị mắc bệnh rối loạn nhân cách. Dù gì đi chăng nữa, bạn nên quan tâm xem người khác đang nghĩ gì.
Bạn không cần phải làm các cuộc khảo sát để xem ai đồng ý với lựa chọn của bạn, điều quan trọng cần làm là phải cho thấy bạn biết quan tâm đến người khác. Hãy sẵn sàng gạt đi tự ái cá nhân và lắng nghe những gì người khác nói.
Mọi người đều có “điểm mù” khi đánh giá hành vi của mình, vì vậy việc lắng nghe những quan điểm của người ngoài có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về cuộc sống của mình.
4. “Tôi xứng đáng được hạnh phúc”
Dù bạn đang tìm cách chứng minh với bạn bè rằng người yêu mới của mình là lựa chọn đúng đắn, hay bạn đang chi tiêu theo kiểu vung tay quá trán, đừng lý luận rằng bạn làm như vậy vì bạn xứng đáng được hạnh phúc. Điều đó chỉ giúp bạn thấy an tâm tạm thời, chứ không có nghĩa là nó sẽ làm cho bạn hạnh phúc về lâu dài.
Chắc chắn là bạn xứng đáng được quyền theo đuổi một lối sống vui vẻ và lành mạnh, nhưng đừng để sự thỏa mãn nhất thời phá hoại những nỗ lực lâu dài của bạn.
Nếu bạn cảm thấy phải nói với mọi người rằng bạn xứng đáng được hạnh phúc hơn trong cuộc sống, bạn cần xem xét lại các lựa chọn của mình. Để trở thành một người mạnh mẽ hơn, bạn cần xác định những giá trị rõ ràng mà mình theo đuổi, từ đó bạn có thể biết cách từ bỏ những niềm vui tạm thời để có thể hướng đến các mục tiêu dài hạn.
Ý Nhi/Theo Business Insider