Nếu thương chiến Mỹ Trung kết thúc thì Việt Nam được hay mất?

30/08/2019 21:04

Liệu một thỏa thuận đình chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến mọi thứ quay trở lại như ban đầu?


Liệu một thỏa thuận đình chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến mọi thứ quay trở lại như ban đầu?

Rõ ràng, cuộc thương chiến, và cả tiền tệ chiến, giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị xáo trộn. Các mối quan hệ thương mại vốn đang vận hành hàng thập kỷ bỗng nhiên trở nên trì trệ, tăng trưởng chậm lại ở tất cả các quốc gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp hoang mang lo sợ.

Nhưng liệu, một thỏa thuận đình chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến mọi thứ quay trở lại như ban đầu?

Câu trả lời tất nhiên là không. Quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia đang phát triển, không bị Mỹ đánh thuế, nhân công rẻ hơn, đã diễn ra trong suốt một khoảng thời gian dài. Mới đây, Nikkei Asian Review cho biết Google Inc. đang trong quá trình chuyển chuỗi sản xuất điện thoại thông minh Pixel của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc quyết định "ngừng bắn" thì những điều kể trên cũng không thể đảo ngược trong một sớm một chiều.

Nếu thương chiến Mỹ Trung kết thúc thì Việt Nam được hay mất? - Ảnh 1.

Các chuyến hàng đến các cảng của Mỹ từ các quốc gia châu Á khác, ngoại trừ Trung Quốc, đã tăng vọt trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi nhập khẩu hàng Trung Quốc của Mỹ đã suy giảm mạnh.

Trong bài đánh giá thường niên về nền kinh tế Trung Quốc trong tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã đưa ra một số kịch bản cho một thỏa thuận thương mại. Một thỏa thuận đình chiến, nếu được ký kết, có thể sẽ điều chỉnh đáng kể cán cân thương mại giữa hai quốc gia. Hoặc ít nhất, nó sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách thâm hụt hàng hóa trị giá 419 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc.

Kịch bản được phác thảo của IMF chỉ ra, Trung Quốc mua thêm xe hơi, máy móc và thiết bị điện tử của Mỹ. Tuy nhiên, IMF nhận thấy rằng, cho dù Trung Quốc có kích thích nền kinh tế của mình, thì cũng khó có thể đẩy mạnh đến mức họ có thể xóa nhòa thâm hụt thương mại của Mỹ mà không phải cắt giảm nhập khẩu ở các thị trường khác. Một khi họ nhập thêm hàng Mỹ, họ sẽ giảm nhập hàng từ các quốc gia láng giềng (thật ra đang giảm vì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại).

Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore - tất cả các quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình - sẽ thiệt hại xuất khẩu, không hề nhỏ. Trong đó, có thể thấy khá rõ doanh số bán hàng điện tử từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam, hay Malaysia sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu thương chiến Mỹ Trung kết thúc thì Việt Nam được hay mất? - Ảnh 2.

Theo IMF, tác động của việc đình chiến đến GDP toàn cầu vẫn là chưa chắc chắn, thậm chí có thể là tiêu cực khi các doanh nghiệp đã hoàn thành phần lớn quá trình chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang địa điểm mới.

Hệ lụy không chỉ bó hẹp ở biên giới châu Á, mà sẽ gián đoạn không giới hạn, trên toàn cầu. Đặc biệt, việc mua thêm máy bay Mỹ của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Pháp, do Airbus SE là đối thủ cạnh tranh chính của Boeing Co.

Những nhận định này không có nghĩa là IMF (một tổ chức luôn đề cao thị trường tự do) đang ủng hộ chiến tranh thương mại. Thay vào đó, IMF sẽ thích một hiệp ước chấm dứt thương chiến dựa vào việc cắt giảm thuế hơn là dựa trên hạn ngạch hay tăng quy mô mua hàng được chỉ định (cam kết sẽ mua thêm hàng của đối phương).

Tất nhiên, một số chuyên gia có thể lập luận rằng, khu vực châu Á có thể đã không bị thiệt hại nếu không có cuộc chiến thương mại. Nhưng sự suy giảm ở châu Á không hoàn toàn là do thương chiến, mà còn liên quan đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế của Hoa Kỳ, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và già hóa dân số trên cả châu Âu và châu Á.