Khoản vay còn dư nợ 196 đồng bị quá hạn gần 1.000 ngày nhưng khách hàng không hề hay biết.
Anh Phan Thanh Tùng (Hà Nội) vừa chia sẻ về "hành trình trả nợ" khi bất ngờ nhận được thông báo từ ngân hàng yêu cầu thanh toán khoản nợ trong thẻ tín dụng với số dư nợ phát sinh 196 đồng.
Hóa đơn trả nợ 300 đồng của khách hàng. Ảnh nhân vật cung cấp |
Anh Tùng cho biết khoản nợ phát sinh liên quan tới một thẻ tín dụng được mở nhiều năm trước nhưng không sử dụng.
"Vài năm trước, tôi từng được chào mời mở thẻ tín dụng. Vì lúc đó được nhân viên tư vấn là làm miễn phí nên tôi cũng không quan tâm. Tôi nhận thẻ xong thì không dùng đến và sau hai năm thì nhận được điện thoại báo khoản nợ hơn triệu đồng tiền phí duy trì", anh Tùng cho biết. Khách hàng này, sau đó, đã tất toán khoản nợ bằng cách thanh toán qua tài khoản cá nhân nhưng không biết vẫn còn thiếu 196 đồng.
Khoản nợ này sau đó đã được chuyển sang công ty thu hồi nợ (đối tác của ngân hàng). Theo thông báo từ công ty thu hồi nợ này, số dư nợ trên đã chậm thanh toán 968 ngày (tạm tính đến ngày 31/3) và yêu cầu anh Tùng phải sớm trả dứt điểm khoản nợ trên "để tránh các bất lợi không đáng có".
Trao đổi với ngân hàng, khách hàng này được biết số dư nợ 196 đồng đã bị liệt vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Tổng số tiền phải thanh toán với phía ngân hàng là 300 đồng, bao gồm dư nợ gốc và tiền phạt trả chậm.
Giá trị không cao song việc trả nợ cũng không dễ dàng. Anh Tùng cho biết sau đó đã phải tìm hai tờ tiền mệnh giá 200 đồng để mang nộp vào ngân hàng tất toán khoản nợ tín dụng trên.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện ngân hàng giải thích do việc nhắc nợ và truy thu được quản lý tự động trên hệ thống. Theo vị này, với những trường hợp trên, chi phí để duy trì, quản lý tài khoản, nhắc nợ, xử lý nợ có thể còn lớn hơn giá trị khoản vay nên trường hợp này theo ông là "hy hữu" và "ngân hàng không mong muốn".
Thực tế, không ít những trường hợp có khoản nợ dưới 1.000 đồng vẫn được ghi nhận và "lưu cữu" tại các ngân hàng, chủ yếu phát sinh từ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, chính sách xử lý các khoản nợ này khác nhau với từng bên. Tại một số ngân hàng cổ phần, dù là một đồng hay dưới 1.000 đồng, số dư nợ vẫn được ghi nhận và chỉ khi nó chuyển thành nợ xấu kéo dài, người trả nợ đã qua đời hoặc biến mất mới xóa nợ. Và việc xóa nợ chỉ được quyết định bởi hội đồng tín dụng của ngân hàng. Ngược lại, tại một số đơn vị, những khoản nợ dưới 1.000 đồng có thể được xử lý linh hoạt bằng cách hệ thống sẽ tự động "lơ" những khoản vay này.
Tuy nhiên, để không ảnh hưởng tới lịch sử tín dụng, điểm tín dụng trên CIC (cơ sở để đánh giá khi khách hàng nộp hồ sơ vay vốn), ngân hàng khuyến cáo khách hàng nên quản lý sát sao số dư nợ khi sử dụng thẻ tín dụng.
Minh Sơn
Theo Vnexpress