Vốn ngân sách đầu tư cho giao thông đang ngày càng hạn hẹp. Vì thế, yêu cầu tìm nguồn vốn mới để thúc đẩy hạ tầng giao thông phát triển ngày một trở nên cấp bách. Khi ngân sách là 'chiếc áo quá chật', ODA cạn dần, thì nguồn lực từ khu vực tư nhân trong nước được kỳ vọng sẽ góp phần cùng Nhà nước thay đổi diện mạo giao thông.
Giao thông “đói vốn”
Báo cáo các Đại biểu Quốc hội về nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020, ngành giao thông vận tải (GTVT) xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 952.731 tỷ đồng. Trong đó: lĩnh vực đường bộ cần 632.587 tỷ đồng (tương đương 66,4% nhu cầu).
Thế nhưng theo số kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông vận tải mới chỉ cân đối, bố trí được khoảng 292.416 tỷ đồng (Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao và dự kiến sẽ được giao 210.700 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước dự kiến huy động được khoảng 81.716 tỷ đồng), đáp ứng 30,6% nhu cầu đầu tư.
“Đây sẽ là những trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra”, Bộ GTVT lo ngại.
Trong khi đó, Bộ GTVT thừa nhận nguồn vốn ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, khả năng kêu gọi huy động thêm vốn ODA cũng hạn chế do vướng trần nợ công và Việt Nam được coi như đã “tốt nghiệp” ODA ưu đãi. Còn việc huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách cũng đã chững lại do cần hoàn thiện thêm thể chế, chính sách.
Để đủ vốn, một trong những giải pháp hàng đầu được Bộ GTVT đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; đặc biệt chú trọng việc các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn vào việc huy động các nguồn lực; tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
Không chỉ Bộ GTVT có quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Tờ trình xây dựng Luật về hợp tác công tư PPP mới đây cũng đã dẫn số liệu cho thấy tính cấp bách của kêu gọi đầu tư tư nhân.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến ở mức 9,1 triệu tỷ – 9,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là vốn đầu tư của khu vực dân cư và doanh nghiệp tư nhân với mức vốn dự kiến lên tới 4,3 triệu tỷ – 4,8 triệu tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách chỉ khoảng 2 triệu tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn từ doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài.
Riêng lĩnh vực hạ tầng, theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, từ năm 2015-2025, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trung bình của Việt Nam khoảng 16,7 tỷ USD, còn số liệu của Ngân hàng HSBC thì con số này vào khoảng 17,2 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng 50% tổng nhu cầu, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân là rất cần thiết. Do đó, cần xây dựng cơ chế huy động vốn trong một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ổn định, cởi mở để kịp thời đáp ứng yêu cầu một cách hiệu quả.
Tư nhân cùng nhà nước phát triển hạ tầng
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia logistics GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Nếu trông chờ vào ngân sách sẽ không thể đủ nguồn lực tạo ra đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông. Việc Hà Nội và nhiều địa phương khác kêu gọi và ủng hộ tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ, đường sắt đô thị là rất cần thiết.
Sân bay Vân Đồn.
“Với khả năng của khu vực tư nhân, thì họ hoàn toàn có thể huy động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị này, bảo đảm được tiến độ và chất lượng. Tư nhân bỏ tiền túi ra đầu tư thì chắc chắn họ có trách nhiệm với đồng tiền đó, công trình đó, để đảm bảo chất lượng cao nhất", ông Đào chia sẻ.
Khi so sánh đầu tư của nhà nước và tư nhân, TS Trần Đình Thiên khi còn là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam không ít lần lấy hình ảnh sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư ra làm dẫn chứng cho tính ưu việt.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng: “Sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài và Tân Sơn Nhất về quy mô nhưng cũng có đẳng cấp, thời gian từ lúc làm tới khi kết thúc rất nhanh. Trong khi đó, chúng ta bàn việc cấp bách “gấp vạn lần” Vân Đồn là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, nhưng riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Đó chính là “nút thắt”, là bài học về tư nhân hóa”.
Hay tỷ phú đô la Nguyễn Phương Thảo, CEO VietJet Air đã từng chia sẻ: “Vietjet nâng cấp phòng khách Skyboss tại sân bay bằng chính kinh phí của doanh nghiệp nhưng do các cơ chế chính sách mà mất tới 2 năm. Trong khi đó, để xây dựng cả một sân bay Vân Đồn, doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ mất hai năm, hay việc xây dựng nhà ga quốc tế mới tại Cam Ranh mà Vietjet có góp vốn đầu tư chỉ mất 18 tháng”.
Vì thế, nhiều chuyên gia đều đồng quan điểm “cái gì tư nhân làm được hãy để tư nhân làm”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng không ít lần bộc bạch: Công ty tư nhân luôn có những ông chủ sống chết với doanh nghiệp, khác hẳn với việc DNNN có quá nhiều người được xem là chủ sở hữu mà không có ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc giám sát.
Bà Phạm Chi Lan - người phụ nữ vốn nặng lòng với DN tư nhân - thêm một lần nữa kêu gọi “phải thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động cũng như số lượng DNNN”. Bởi theo bà Lan, “còn nhiều như thế này không ai giám sát nổi”.
“Nhà nước không bán sữa, không bán bia, nhưng tôi nghĩ Nhà nước cũng không cần làm dệt may, giày dép và nhiều lĩnh vực khác mà tư nhân hoàn toàn đảm nhiệm được”, bà Lan nhấn mạnh.
Thông tin về các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Bộ này cho hay đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ 68 dự án với tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng, lĩnh vực đường thủy nội địa 01 dự án với tổng mức đầu tư 1.303 tỷ đồng, lĩnh vực đào tạo 01 dự án với tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng.
Đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 58 dự án với tổng mức đầu tư là 166.154 tỷ đồng.
“Các dự án cơ bản đảm bảo chất lượng, khai thác an toàn; doanh thu tài chính cơ bản phù hợp với số liệu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. Đang triển khai đầu tư 12 dự án với tổng mức đầu tư là 43.193 tỷ đồng”, Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Hoài Nam
Theo Vietnamnet