Cùng giải mã bí mật đằng sau những video "quay lén" các cô gái trendy mà chúng ta vẫn thường thấy trên TikTok hay Facebook nhé!
Dạo một vòng trên mạng xã hội Facebook hay Twitter, chúng ta hẳn có một vài lần bắt gặp những video snap "quay trộm" các cô gái trẻ trung, với dáng người mảnh khảnh, diện trang phục chuẩn mốt đang tung tăng trên đường phố Trung Quốc. Những clip ngắn ấy không chỉ được chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội của Trung Quốc như TikTok mà còn được cư dân mạng Việt Nam quan tâm không kém.
Khi cô gái vô tình nhận ra mình bị quay lén thì chỉ phản ứng lại bằng một nụ cười ngại ngùng, dễ thương hay thậm chí là một cái vẫy tay. Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc: "Liệu họ có thực sự bị quay lén?"
Câu trả lời là: Không, chẳng có gì tình cờ như vậy! Đằng sau họ là cả một ngành công nghiệp trị giá 17 tỷ USD đang tiếp tục nở rộ.
Từ hiệu ứng snap "vô tình"…
"Snap" là từ dùng để chỉ những video, hình ảnh được chia sẻ và trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Hiệu ứng snap đã nổi lên từ nhiều năm trước nhưng mới thực sự bùng nổ từ năm 2017 nhờ sự phổ biến của các mạng xã hội, khiến nhiều người từ vô danh hóa nổi tiếng.
Điển hình như một người đàn ông vô gia cư bỗng trở nên nổi tiếng sau khi bức ảnh chụp anh trên đường phố được cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ với tốc độ chóng mặt với lý do quá nam tính và cuốn hút.
Người đàn ông vô gia cư bỗng nổi tiếng chỉ nhờ một bức ảnh, được cư dân mạng gọi là ‘Brother Sharp’.
Sau đó, cũng có không ít cá nhân đã tự dàn dựng những video "quay lén" với hy vọng sẽ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, điều sẽ giúp họ đổi đời và nổi tiếng.
… đến những video "hữu ý"
Năm 2015, một màn cầu hôn đã làm mưa làm gió trên mạng xã hội khi nam thanh niên cầu hôn bạn gái đang có bầu bằng một hình trái tim "siêu to khổng lồ" được xếp bởi hơn 50 gói tã trẻ em. Nhưng sự thật là cảnh quay này được tài trợ bởi thương hiệu tã Libero Diapers.
Chiến dịch quảng cáo "trá hình" của Libero Diapers.
Năm 2017, cư dân mạng và truyền thông cũng bị "dắt mũi" bởi một video quay lại cảnh cô gái trẻ phản ứng lạnh lùng dù bị người phụ nữ trung tuổi tấn công gay gắt do diện trang phục cosplay hở hang trên tàu điện ngầm. Nhưng hóa ra đó chỉ là "cú lừa" của một công ty phân phối thực phẩm khi tất cả đều được họ dàn dựng với mục đích quảng bá cho dịch vụ được dán phía sau lưng người phụ nữ.
Cư dân mạng "ngã ngửa" với cú lừa từ công ty phân phối thực phẩm.
Còn giờ đây, nếu đến các khu vui chơi mua sắm thời thượng ở Trung Quốc như trung tâm Hàng Châu Yintai, Thành Đô Taikoo Li hay đặc biệt là khu vực Sanlitun, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục nhiếp ảnh gia tụ tập quanh cửa hàng Apple hoặc Uniqlo, tay cầm máy quay với ống kính lớn để quay và chụp lại những người đi bộ có thời trang trendy, độc đáo.
Một vài trong số đó là nhiếp ảnh gia nghiệp dư, chỉ đơn thuần chụp theo ý thích còn phần lớn, thậm chí có cả những người cao tuổi, đang làm việc cho các blog hoặc tạp chí thời trang.
Dàn nhiếp ảnh gia trên đường phố Trung Quốc.
Còn các cô gái, họ hầu hết là những người mẫu được những công ty, thương hiệu thời trang thuê với mong muốn quảng cáo, làm cho sản phẩm của họ nổi tiếng hơn.
Những cô gái có thời trang trendy bị "chụp trộm" trên đường phố Trung Quốc.
Theo People Daily, chỉ riêng tại Hàng Châu đã có hơn 200 nhiếp ảnh gia cùng hàng trăm người mẫu thực hiện dàn dựng các video "quay lén" này. Các nhiếp ảnh gia có thể được trả khoảng 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ (2.890 USD - 4.335 USD) mỗi ngày, còn người mẫu thì nhận lương cao hơn.
Nền kinh tế Wanghong
Tất cả những xu hướng chụp nhanh hay các video dàn dựng trên đều là một phần của nền kinh tế Wanghong, được định giá 17,8 tỷ USD (năm 2018), đang nóng và bùng nổ ở Trung Quốc. Đó là nơi mà những video càng có nhiều lượt xem, lượt truy cập hay cả lượng người hâm mộ thì người ta càng có thể kiếm được nhiều lợi nhuận thông qua thương mại điện tử và hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Việc sử dụng các KOL cũng là một phần quan trọng của Wanghong. Giá cả để thuê một KOL khác nhau tùy thuộc vào độ nổi tiếng, mức ảnh hưởng và lượng fan, người theo dõi trên mạng xã hội.
Chẳng hạn, năm 2015, stylist người Trung Quốc Xiao P đã tính phí 76.000 RMB (11.060 USD) với một sản phẩm được đề cập một lần trên tài khoản Weibo của có tới 36 triệu người hâm mộ của anh ấy.
Theo nền tảng marketing PARKLU, một bài đăng được tài trợ duy nhất trên tài khoản Weibo của người có ảnh hưởng sẽ có giá khoảng 60.000 RMB (8730 USD).
Còn trên ứng dụng Douyin, nơi các video ngắn cực kỳ phổ biến, những snap đường phố đều được đính kèm đường link cho phép bạn mua được trang phục y hệt như các cô gái đang mặc.
T.Dương
Theo Trí Thức Trẻ