Thị trường vàng trong nước vừa chứng kiến một phiên tăng giá chưa từng có trong lịch sử, với mức tăng khoảng 3,1 triệu đồng chỉ trong 1 ngày. Trước đó, hồi 2011, giới đầu tư cũng từng chứng kiến vàng mạnh nhưng chỉ trong 1-2h đồng hồ.
Cú bứt phá lịch sử
Chưa kịp ngừng nghỉ sau cú tăng thêm 2 triệu đồng/lượng và xuyên thủng liên tiếp hai ngưỡng 45 và 46 triệu đồng/lượng trong tuần đáng nhớ vừa qua, thị trường vàng tiếp tục chứng kiến một cú sốc đầu tuần mới: vàng tiếp tục tăng giá chóng mặt thêm hơn 3 triệu đồng/lượng chỉ trong một phiên giao dịch ngày 24/2.
Từ mức giá được niêm yết cuối tuần trước 45,6 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp mua vào) và 46,05 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng SJC mở đầu tuần mới tăng lên mức 47,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,15 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, chỉ trong một phiên giao dịch ngày 24/2/2020, giá vàng SJC đã tăng thêm 3,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra lên mức cao kỷ lục chưa từng có: 49,15 triệu đồng/lượng, cao hơn so với đỉnh cao 49 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi cuối tháng 8/2011.
Đây cũng là mức tăng chưa từng có trong một ngày trên thị trường vàng Việt Nam. Lịch sử chỉ ghi nhận 1 phiên chiều ngày cuối tháng 8/2011 vàng từng tăng 3 triệu đồng/lượng lên đỉnh lịch sử 49 triệu đồng/lượng nhưng chỉ tồn tại được 1-2 tiếng đồng rồi nhanh chóng giảm 2-3 triệu đồng/lượng ngay sau đó.
Giá vàng tăng vọt lần này cũng do vàng thế giới tăng mạnh và tốc độ tăng giá trong nước cao hơn so với thế giới. Tuy nhiên, lần này thị trường vàng trong nước chỉ tăng một chiều đi lên và không đảo chiều như cách đây gần 9 năm.
Trong phiên hôm qua (24/2/2020), giá vàng trong nước tăng liên tục từ sáng cho tới chiều và trụ vững trên đỉnh cao lịch sử vào cuối phiên và chưa có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh giá vàng thế giới cũng lên cao kỷ lục trong 7-8 năm và còn được dự báo còn tăng tiếp.
Trên thế giới, giá vàng tăng từ mức 1.660 USD/ounce lên 1.690 USD/ounce, tương đương mức quy đổi 46,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí) thấp hơn 2,3 triệu đồng so với giá vàng trong nước.
Bối cảnh thị trường vàng trong nước giờ cũng đã khác xa so với trước đây. Tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng gần như đã bị chặn đứng trong nhiều năm qua bởi các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ lâu các ngân hàng cũng không còn huy động và cho vay vàng, muốn gửi phải mất phí.
Giá vàng trong nước tăng vọt lần này còn trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh hiếm có. Trong phiên 24/2, chỉ số VN-Index rớt gần 30 điểm và về sát ngưỡng 900 điểm, thấp hơn nhiều so với mức khởi sắc 990 điểm hồi đầu năm và ngày càng xa dần đỉnh cao 1.204 điểm ghi nhận hồi tháng 4/2018.
Thế giới bất ổn, cơ hội cho vàng
Có thể thấy, đợt tăng giá lần này cũng có tác động kép, từ sự bứt phá của giá vàng trên thế giới và nỗi lo ngại triển vọng của các kênh đầu tư trong nước u ám. Giá vàng thế giới đã tăng nhanh trong vài tháng gần đây, tăng tổng cộng hơn 10% kể từ đầu năm và tăng 31,2% kể từ đầu 2019.
Tuy nhiên, mức tăng giá của vàng thế giới vẫn chưa thực sự lớn nếu so với trong quá khứ và vẫn được dự báo đang trong xu hướng đi lên tiếp trong bối cảnh dịch bệnh khó lường và các nước đang vào một đợt nới lỏng tiền tệ mới.
Vàng được dự báo có thể còn tăng tiếp và tăng mạnh nhưng cũng có thể đảo chiều giảm mạnh như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng trong nước tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/2 là do vàng thế giới tăng giá và tâm lý đẩy mạnh mua phòng ngừa của các NĐT trong nước. Giá vàng trong nước đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá vàng thế giới bởi đây là 2 thị trường khác nhau và có những kỳ vọng khác nhau.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có 2 mốc thời điểm quan trọng mà người mua bán vàng phải chú ý trong thời gian tới là cuối tháng 3 và cuối tháng 6.
Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 chuyển biến tích cực trước thời điểm cuối tháng 3 thì vàng sẽ nhanh chóng quay đầu giảm và trở về ngưỡng đầu năm 2019 ở mức 1.500-1.550 USD/ounce, tương đương mức 42-43 triệu đồng/lượng.
Ngược lại, nếu qua tháng 3 cho tới tháng 6 mà dịch bệnh Covid-19 vẫn còn lan rộng và nhiều người chết thì vàng thế giới sẽ còn tăng mạnh, lên 1.700-1750 USD/ounce và trong nước sẽ lên 55 triệu đồng/lượng.
Lật giở lại lịch sử giá vàng thế giới có thể thấy, mặt hàng này biến động rất bất thường.
Trong lịch sử, hồi cuối thấp kỷ 70 thế kỷ trước, một số chuyên gia đã dự báo giá vàng có thể tăng gấp 6-7 lần (tương đương tăng thêm 700-800%) lên 900 USD/ounce. Sự thật đã chứng minh đúng như vậy. Trong vòng chưa tới 3 năm, vào đầu 1980, vàng đã lên gần 890 USD/ounce trong sự ngỡ ngàng của gần như toàn bộ thị trường tài chính thế giới. Khoảng 15 năm sau đó, giá vàng đã tụt xuống chỉ còn 380 USD/ounce.
Chỉ hồi đầu tháng 6/2011, có lẽ rất ít người nghĩ tới cái ngưỡng 2.000 USD/ounce của giá vàng. Nhưng trên thực tế, diễn biến trong tháng 8/2011 đã khiến nhiều người ngã ngửa. Vàng đã dễ dàng vượt qua ngưỡng 1.900 USD/ounce trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ u ám, món nợ quốc gia ngày càng tăng và đồng USD tụt giảm so với các đồng tiền khác. Trong nước, vàng tăng giá vọt theo lên trên ngưỡng 49 triệu đồng/lượng cùng với nỗi lo về khủng hoảng tài chính, lạm phát tăng cao và nỗi lo sợ về sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng.
Khi đó, không ít người đã nghĩ tới kịch bản vàng vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng, thậm chí 60 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, cú đổ dốc 3 năm sau đó khiến cho tới thời điểm tháng 6/2016, vàng lại trở về ngưỡng 33 triệu đồng/lượng.
Vàng biến động lên xuống thất thường khiến không ít người chùn tay. Mặc dù vậy, nhìn chung trong dài hạn, vàng cũng như đồng USD là 2 loại hàng hóa đặc biệt có xu hướng tăng là chủ đạo. Giá vàng 33 triệu đồng/lượng ở thời điểm 6/2016 thấp hơn nhiều so với đỉnh 49 triệu đồng hồi cuối 2011 nhưng vẫn cao gấp khoảng 3,5 lần so với một thập kỷ trước đó. Tính trung bình, mỗi năm vàng vẫn tăng khoảng 20-25%.
Dù vàng giờ đây không được coi là mặt hàng thời thượng, không hẳn là tài sản để “phòng thân” cả ở thị trường trong nước và trên thế giới. Dự trữ vàng của nhiều quốc gia không còn lớn. Tuy nhiên, bên cạnh lạm phát, vàng còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố nỗi sợ hãi chính trị và những sự kiện “thiên nga đen” như dịch Covid-19.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người mua bán vàng cần thận trọng trong những thời điểm như thế này. Đối với người mua vàng, lời khuyên của ông Hiếu là: thường xuyên theo dõi diễn biến trên thế giới, không dùng tiền kinh doanh hay tiền lương để mua vàng, chỉ dùng một phần tiền tiết kiệm để mua vàng bên cạnh các kênh đầu tư khác và không lướt sóng ở thời điểm vàng biến động mạnh như hiện nay.
Còn đối với người bán vàng, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cần phải xác định cho mình giá chốt lời, thấy tỷ suất lợi nhuận phù hợp là bán không chờ vàng lên đỉnh rồi mới bán khi đó giá vàng có thể tụt giảm nhanh và sâu. Và đối với những trường hợp cắt lỗ cũng vậy.
M. Hà
Theo VietnamNet