Nhà hàng trong khách sạn 5 sao luôn có những bàn ăn vào loại đẳng cấp, khách phải có mức chi tiêu tối thiểu bao nhiêu mới được xếp ngồi. Bữa đó, có khách muốn ngồi loại bàn này, Liên buột nói với khách về mức chi tiêu tối thiểu. Kết quả là bị khách mắng té tát, cho rằng người phục vụ không tôn trọng họ…
Đã làm ngành dịch vụ là xác định không có cuộc sống và giờ giấc sinh hoạt cố định như những công việc giờ hành chính. Khó khăn lắm, vất vả cũng nhiều và cần phải vô cùng nhẫn nhịn vì "khách hàng không bao giờ sai".
Gắn bó với bộ phận F&B trong khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội đến nay được 4 năm, Liên hiện tại đang đảm nhiệm vai trò Giám sát nhà hàng (Supervisor). Để đạt đến vị trí này, cô gái sinh năm 1992 đã phải bắt đầu từ vị trí thực tập trong 2 tháng rồi mới được chính thức trở thành nhân viên phục vụ (Waitress) của bộ phận.
Chỉ sau 1 năm làm việc, Liên được tuyên dương là nhân viên xuất sắc và trở thành Senior Waitress. Với kinh nghiệm ngày một dày dạn, cô được thăng cấp trở thành trưởng ca, rồi lên Supervisor.
Bí kíp nằm lòng của dân phục vụ: Khách hàng không bao giờ sai!
Thuộp típ người năng động, Liên thích kết thân với những đôi sneaker khỏe khoắn. Tuy nhiên khi bước chân vào ngành dịch vụ, cô phải tập làm quen với việc đi lại suốt 10 tiếng trên đôi giày cao gót. "Mình đã phải dán không biết bao nhiêu là băng urgo vào chân" – Liên vừa cười vừa nhớ lại.
Trước khi đạt đến cấp Senior Waitress, Liên cũng gặp phải nhiều sự cố trong khi làm việc.
Sự cố khiến Liên khắc cốt ghi tâm đến giờ là bị khách mắng té tát, cho rằng cô không tôn trọng họ vì giới thiệu chưa khéo về loại bàn có mức chi tiêu tối thiểu (với mức chi tiêu tối thiểu bao nhiêu thì được xếp chỗ tại đấy).
Nhiều anh chị đi trước vẫn thường bảo rằng: Ở Việt Nam, chỉ có ngành dịch vụ là phải đi lên từ năng lực, từ kinh nghiệm của bản thân chứ không phải đi lên từ bằng cấp hay ‘đi cửa sau'
"Khách hàng đôi khi nhạy cảm khi đề cập tới chi tiêu, đặc biệt ở nhà hàng với đối tượng là các khách hàng hạng sang như French Grill thì càng nhạy cảm, do vậy nên cần phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", Liên tâm sự.
Khổ nhất là giai đoạn sau sinh, nhiều khi làm việc đến 1 giờ sáng, con 6 tháng gào khóc đòi thức chờ mẹ
Làm mẹ khi bạn làm việc theo giờ hành chính đã khó, với ngành dịch vụ lại càng vất vả hơn.
Trong những tháng đầu của thai kỳ, Supervisor của cô lúc đó cũng thông cảm nên đặc cách cho Liên không phải thực hiện những nhiệm vụ đi lại nhiều tuy nhiên cô vẫn phải đứng đến 9, 10 tiếng một ngày, vẫn phải đi làm đúng giờ và ở lại muộn khi cần thiết.
Kết thúc thời gian nghỉ sinh và quay trở lại với công việc, Liên mới thấy quãng thời gian mang bầu thật nhẹ nhàng biết bao.
Do tính chất công việc phải làm theo ca nên có những ngày mãi đến 1h sáng Liên mới về tới nhà, rồi sáng sớm hôm sau 5h đã phải có mặt để phục vụ khách lưu trú của khách sạn.
"Thời gian đầu mới quay lại đi làm, mình loay hoay không biết xoay sở thế nào để vừa làm tròn nhiệm vụ công việc lẫn công việc gia đình. Con nhớ hơi mẹ kêu khóc, thức đến khi mình về mới chịu đi ngủ. Nhiều khi thương con đến ứa nước mắt…", Liên nhớ lại.
Liên chia sẻ rằng cô thấy mình may mắn vì chồng làm ở bộ phận bếp cùng khách sạn nên có thể hiểu và thông cảm với cô. Trong thời gian bầu bí, Liên còn được thưởng thức những món tẩm bổ ngon hết sảy do chồng tự tay chế biến. "Mình chưa bao giờ lên cân nhiều thế này." – người mẹ 26 tuổi cười tít mắt.
Tự hào nghề phục vụ: Chí ít đây cũng là nghề đi lên từ năng lực, từ kinh nghiệm chứ không phải đi lên từ bằng cấp hay ‘đi cửa sau’
Còn nhớ lúc mới bước chân vào nghề, Liên cảm thấy nản vô cùng, có lúc cô cũng nghĩ đến chuyện bỏ việc nhưng sau mỗi lần xảy ra sự cố, Liên lại cảm thấy mình thêm cứng cỏi, dạn dày kinh nghiệm.
Cô bộc bạch: "Mỗi khi cảm thấy muốn từ bỏ, mình lại tự nhủ: ‘Đã vượt qua biết bao gian nan bước đầu, cũng học được nhiều kinh nghiệm đáng quý giờ mà từ bỏ thì chẳng phải bao nhiêu nỗ lực kia là vô ích sao?’.
Làm nghề phục vụ, nhẫn nhịn phải đặt lên hàng đầu vì nguyên tắc đầu tiên là ‘khách hàng không bao giờ sai’
"Càng làm, càng va chạm, mình học được nhiều điều thú vị và thêm yêu nghề. Nhiều anh chị đi trước vẫn thường bảo với mình rằng ở Việt Nam chỉ có ngành dịch vụ là phải đi lên từ năng lực, từ kinh nghiệm của bản thân chứ không phải đi lên từ bằng cấp hay ‘đi cửa sau’. Vì thế. mình cảm thấy tự hào với con đường đang đi".
Nhờ những kinh nghiệm "chinh chiến" có phần nhuốm nước mắt ấy mà giờ Liên đã là một người giám sát cứng cỏi. Cô không chỉ hướng dẫn các nhân viên dưới quyền cách làm việc chuẩn mực mà còn truyền tinh thần tận tụy của mình cho họ.
"Để làm tốt được nghề, bên cạnh các kỹ năng nghiệp vụ, người phục vụ cần phải nhẫn nhịn, khéo léo, trung thực và tôn trọng khách hàng. Nhẫn nhịn phải đặt lên hàng đầu vì nguyên tắc đầu tiên của ngành dịch vụ là ‘khách hàng không bao giờ sai’" – Liên chia sẻ về tâm niệm làm nghề của mình.
Một số người cho rằng "ai cũng có thể làm phục vụ", suy nghĩ này không sai. Tuy nhiên để thực hiện tốt được công việc này thì không phải ai cũng làm được. Người phục vụ chuyên nghiệp là người phải được đào tạo bài bản về kiến thức và kỹ năng, từng trải qua nhiều tính huống. Thêm vào đó, người làm nghề cần có những phẩm chất nhất định mới có thể gắn bó và tiến xa được trong ngành.
- Nghề này phù hợp với ai?
Các bạn trẻ muốn được học các kỹ năng giao tiếp, rèn luyện sự nhẫn nại và nề nếp. Ngành dịch vụ tuy không yêu cầu trình độ học vấn quá cao song đòi hỏi ở bạn nhiều kỹ năng nghiệp vụ và các phẩm chất thuộc về tính cách.
- Nghề này cần tố chất gì?
Tính kiên nhẫn, chăm chỉ và tư duy tiếp nhận mọi ý kiến, cho dù có bị động chạm đến lòng tự trọng và cái tôi
- Lộ trình thăng tiến ra sao?
Từ Waitress để lên được vị trí Manager trong khách sạn 5 sao, một nhân viên sẽ mất khoảng 5 - 7 năm. Với phụ nữ, quá trình này sẽ còn lâu hơn; tuy nhiên sau khi con cái đủ cứng cáp, cơ hội là như nhau đối với cả nam và nữ.
Theo Loan Tô/Trí Thức Trẻ