Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nghệ thuật sống tránh đời nhàm chán: Hãy tự tin bộc lộ cảm xúc thật của mình, dù nó có "buồn cười" thế nào đi chăng nữa

09/07/2019 18:05

Bạn có thấy rằng tính cách của Cựu tổng thống Mỹ Barack Obam rất thú vị không? Có thấy cách nói chuyện của ông đầy cảm xúc và lôi cuốn không? Vậy tại sao bản thân bạn không làm được điều tương tự?


Bạn có thấy rằng tính cách của Cựu tổng thống Mỹ Barack Obam rất thú vị không? Có thấy cách nói chuyện của ông đầy cảm xúc và lôi cuốn không? Vậy tại sao bản thân bạn không làm được điều tương tự?

Trong cuộc sống, chúng ta thường phải đối mặt với nhiều nỗi sợ. Từ nỗi sợ cô đơn, sợ nghèo, sợ đau, sợ xấu... cho đến nỗi sợ thường trực nhất là sợ bị chê nhạt nhẽo.

Nhạt nhẽo, thứ tưởng chừng như đơn giản này lại là nỗi khiếp đảm phổ thông trong xã hội ngày nay khi mọi người tiếp xúc với thế giới. Bạn muốn tán tỉnh một cô gái mà lại bị chê nhạt nhẽo, bạn muốn được hòa đồng với đồng nghiệp nhưng bị chê nhạt nhẽo, bạn muốn trình bày một ý tưởng tiềm năng cho nhà đầu tư nhưng lại bị chê nhạt nhẽo...

Vậy làm thế nào để có thể thoát khỏi cơn ác mộng đáng sợ này khi giao tiếp và hòa nhập là thứ con người không thể sống thiếu trong xã hội ngày nay?

Tin tức tốt đầu tiên là những nghiên cứu khoa học cho thấy không ai sinh ra là đã nhạt nhẽo. Trên thực tế, những người nhạt nhẽo thường là những người không thực sự biết mình muốn gì, không dám hoặc không biết để giao tiếp với người khác như thế nào.

Trên thế giới này, không có người nào là nhạt nhẽo từ trong bản chất mà đơn giản chỉ là họ không dám, không muốn hoặc không biết thể hiện những tính cách thú vị của mình.

Hãy lấy những tác phẩm nghệ thuật làm ví dụ, những bức tranh nổi tiếng thế giới, khắc họa những điều tuyệt đẹp của cuộc sống thường lấy cảm hứng từ những điều tầm thường nhất. Có khác chăng là các nhà họa sĩ đã diễn tả những điều tầm thường này theo cách của riêng họ, khiến nhiều người chiêm ngưỡng phải trầm trồ về vẻ đẹp và sự thú vị của những tác phẩm.

Dưới đây là bức tranh cánh đồng cỏ của họa sĩ Đan Mạch Christen Kobke ở ngoại ô Copenhagen vào năm 1833. Nếu nhìn thoáng quá, chủ đề đồng cỏ này không có gì mới và chất liệu của bức tranh cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, nhờ tài diễn tả của mình mà họa sĩ Kobke đã đưa đến cho người xem một cái nhìn thú vị cho một thứ cực kỳ bình dị.

Nghệ thuật sống tránh đời nhàm chán: Hãy tự tin bộc lộ cảm xúc thật của mình, dù nó có buồn cười thế nào đi chăng nữa - Ảnh 1.

Rõ ràng, không có gì là nhàm chán trong con mắt của một họa sĩ nếu họ biết cách thể hiện vẻ đẹp của chúng và điều này cũng tương tự với những người bị chê là nhạt nhẽo.

Trên thực tế, những người biết thể hiện chân thực bản chất của bản thân mà không có sự lừa dối, giả tạo nào thường là những người thú vị. Xin lưu ý ở đây là sự thú vị lâu dài trong tính cách chứ không phải những cuộc vui vô bổ hay những những câu chuyện cười nhất thời.

Khi chúng ta nói một người là nhạt nhẽo thì có nghĩa rằng người đó không có khả năng diễn tả bản chất của họ cho chúng ta thấy. Trái ngược lại, những người thành công thể hiện bản thân họ là ai, giấc mơ của họ là gì, muốn làm gì, đau buồn ân hận ra sao thường là những người thu hút được sự chú ý của người khác.

Những nghiên cứu khoa học cho thấy bất kỳ ai thành công “khôi phục lại cảm giác tồn tại” trong con mắt người khác thường sẽ thu hút được những người xung quanh. Có một thực tế rằng những người thú vị không phải là những người sinh ra đã thú vị, hay thường xuyên trải nghiệm những điều thú vị, đi du lịch khắp thế giới, gặp gỡ các ngôi sao hoặc tham gia các sự kiện lớn. Thậm chí, những người thú vị cũng không nhất thiết phải là những người có kiến thức uyên thâm, biết ăn nói hoặc biết nhiều thông tin.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng những người thú vị đơn giản là những người biết lắng nghe và thấu hiểu bản thân, nhận rõ được từng rung động của tâm trí và con tim, qua đó diễn tả chân thực được sự kỳ diệu, kịch tính và cảm động của yếu tố “tồn tại” cho những người xung quanh.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể đánh thức được bản năng thú vị bên trong mỗi con người?

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, chúng ta trở nên nhạt nhẽo khi đánh mất đi niềm tin rằng sự diễn tả cảm xúc thật của bản thân không thể thu hút được người khác. Thông thường, sự khiêm tốn và thậm chí là thói quen hoặc văn hóa xã hội khiến chúng ta bỏ qua những chia sẻ thú vị nhất của bản thân để nói về những đề tài cố định mà mọi người cho rằng sẽ không nhàm chán.

Khi nói về những chủ đề cố định nào đó, mọi người thường miêu tả chúng theo công thức cố định như mọi chuyện diễn ra thế nào, ai ở đó, nó có điều gì thú vị... mà bỏ qua những cảm xúc ẩn sau câu chuyện như cảm xúc tội lỗi, sự hấp dẫn về giới tính, sự nhục nhã, sự hưng phấn...

Những rào cản về văn hóa, phẩm giá, đạo đức xã hội... khiến con người không dám bộc lộ quá nhiều cảm xúc trong những câu chuyện và chúng góp phần khiến chúng ta trở nên tẻ nhạt hơn. Hậu quả là nếu bạn không biết cách kể những câu chuyện cười hay dò ý của người nghe thì bạn chỉ có thể lảm nhảm về sự đời một cách rời rạc hoặc chìm trong im lặng.

Nghệ thuật sống tránh đời nhàm chán: Hãy tự tin bộc lộ cảm xúc thật của mình, dù nó có buồn cười thế nào đi chăng nữa - Ảnh 2.

Bạn không tin ư? Vậy bạn có thấy một đứa trẻ 5 tuổi luôn thú vị hơn 1 người già 45 tuổi không? Lý do duy nhất là những đứa trẻ con bộc lộ cảm xúc nhiều hơn và chân thành hơn so với người lớn.

Chính sự thiếu kinh nghiệm về cuộc đời khiến những em nhỏ này trung thành với cảm xúc của bản thân, khiến chúng dũng cảm bộc lộ suy nghĩ về cách trở thành anh hùng cứu thế giới hay mong muốn được làm điều gì đó dù chúng hơi ngốc nghếch.

Nói cách khác, người lớn chúng ta bị chê nhạt không phải vì bản chất mà là vì nỗi sợ hãi trở nên khác biệt với văn hóa, đạo đức khiến chúng ta ngại bộc lộ cảm xúc thật của bản thân.

Tiếp theo, kể cả khi chúng ta thực sự dũng cảm bộc lộ cảm xúc qua những câu chuyện thì vẫn có thể bị chê nhạt. Nguyên nhân là chúng ta không thực sự hiểu rõ bản thân và bị vướng trong việc diễn tả những cảm xúc đó.

Thông thường, một câu chuyện được miêu tả bằng những từ như “tuyệt vời”, “hấp dẫn”, “hào hứng”... nhưng hiếm có người nào có thể diễn tả chi tiết hơn với ví dụ cụ thể để người nghe có thể hiểu chúng hay đến mức nào. Sự khác biệt này cũng tương tự như khi bạn nghe phát thanh viên thời sự với nghe một người dẫn chương trình giải trí kể chuyện kinh dị kèm âm nhạc và giọng nói truyền cảm.

May mắn thay, trở nên thú vị không cần tài năng đặc biệt gì khi bạn chỉ cần biết mình sẽ nói gì, nói chân thành và nói có trọng tâm. Trên thực tế, sự thú vị trong giao tiếp chỉ là mong ước được nhìn cuộc sống không tô vẽ của mọi người qua bức tranh cuộc đời của người khác và được cảm thấy an tâm hơn khi nhận ra rằng mình không phải người duy nhất có những cảm xúc bất ngờ, kỳ lạ mà mạnh mẽ trong tâm hồn.

Nghệ thuật sống tránh đời nhàm chán: Hãy tự tin bộc lộ cảm xúc thật của mình, dù nó có buồn cười thế nào đi chăng nữa - Ảnh 3.


AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế